Ban đầu, đó chỉ là một vết chàm nho nhỏ lâu lành. Rồi sau một cuộc tiểu phẫu để cắt bỏ, nó trở thành ác mộng của đời em, khi kết quả sinh thiết cho biết là ác tính.
Khỏi phải nói, những ngày ấy em suy sụp và đau khổ biết chừng nào. Con của chúng mình mới lên mười, bé bỏng khờ khạo. Em thì chưa tới 40 tuổi. Em còn yêu đời lắm với bao nhiêu dự định. Em đang có cuộc sống ổn định, một người chồng trẻ khỏe, đẹp trai lại giỏi kiếm tiền. Em thật sự không muốn chết!
Bao nhiêu lần em khóc vùi trong lòng anh khi nghĩ đến cảnh sinh ly tử biệt. Bạn bè lũ lượt đến thăm, em cố giữ vẻ thản nhiên dù lòng đầy giông gió. Mọi người tranh thủ ghé gặp em lần cuối đây mà. Em mặc kệ ai đó với ý nghĩ cười chê người tham sống sợ chết. Có gì đáng sợ hơn khi người ta biết rằng mình có thể chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Bác sĩ chỉ nói chung chung rằng, chưa biết thế nào, quan trọng là mình lạc quan, tin tưởng.
|
Ảnh minh họa. |
Chưa bao giờ em thiếu tự tin vào bản thân nhiều đến vậy. Anh chu đáo chăm sóc vợ, nhưng em luôn nơm nớp trong lòng ý nghĩ, anh sẽ đi ngang về tắt dọc đường. Em không hứng thú gì với việc ghé chợ mua con cá, con tôm tươi rói, nấu những bữa cơm thơm nức ngon lành để cả nhà cùng ăn nữa. Em tự cho phép mình sống trong buồn phiền tuyệt vọng. Khi anh đi làm, con đi học, em rúc mình trong căn phòng tối, than khóc số phận. Em từ chối những cuộc gọi hỏi thăm trong ngày của anh. Chẳng đặng đừng, em nhắn tin để anh không thể nhận ra, giọng em đang khản đặc, nghẹn ngào.
Vậy mà anh biết hết. Người đàn ông “lù đù” bấy lâu chung nhà hóa ra không "tầm thường" như em vẫn nghĩ. Người đàn ông ấy giỏi chịu đựng, nín nhịn em - kẻ vừa dễ tủi thân vừa thích gây hấn. Ai mà chịu nổi cuộc sống đang yên đang lành, thì đùng một cái, vợ phát bệnh hiểm nghèo. Rồi vợ cáu bẳn, bắt bẻ, khóc lóc. Rồi cái gì vợ cũng canh chừng, cảnh giác. Sao mà chồng mình nay dịu dàng với vợ đến thế nhỉ? Yêu thương, trách nhiệm hay đó chỉ là tấm bình phong giả tạo để che đậy tội lỗi gì bên ngoài? Hoặc đó là sự thương hại kiểu “trả nợ đời”, chỉ mong mau mau thoát nạn?
Ai chưa từng chăm người ốm, chắc không thể nào thấu hiểu cái cảm giác chỉ thèm một giấc ngủ đàng hoàng mà không thể. Cố lên, cố lên. Đó là câu mà em, trong những lúc xúc động đã… cổ vũ cho chồng. Anh cười trong mỏi mệt. Em chợt nhớ ra, hình như chồng mình chưa bao giờ coi em như… bệnh nhân sắp chết. Anh luôn nói về cuộc sống hiện tại, về những gì cả gia đình đang có. Có lẽ, nhờ sự vững lòng của anh, nhờ những ân cần bao dung mà đến khi đổ bệnh em mới nhận thấy nơi chồng đã giúp em vượt qua giai đoạn đầy thử thách ấy. Những ngày tháng cùng em vào ra bệnh viện đã làm anh gầy đi trông thấy. Cực nhọc đã đành, thêm cảnh chịu đựng cái tính khí khó chịu lại nhạy cảm, dễ tổn thương của vợ mới là điều đáng nói hơn.
Trời thương em hay muốn anh bớt vất vả, nên giờ tuy vẫn phải thuốc thang, nhưng em đã có thể ổn định tinh thần và đi làm trở lại. Người ta bảo em có phước nên bệnh tật bỏ đi. Em thì nghĩ khác. Phần phước đó hẳn là của anh, nên em mới có cơ duyên mà thụ hưởng. Khi anh xiết chặt lấy tay em và bảo, tại sao mình không thể an nhiên mà vui sống, đừng nghĩ ngợi quá nhiều, bởi cuộc đời có ai biết chắc được ngày mai. Em nhẹ nhõm hơn nhiều, biết rằng yêu thương và hạnh phúc là có thật, không bệnh tật nào có thể cướp đi.
Nhiều lúc em rùng mình tự hỏi, nếu không có anh đồng hành trong đoạn đường nguy khốn ấy, đời em không biết đã ra sao…
Theo Phụ Nữ Online