Sám hối muộn của gã giang hồ bạo hành bố mẹ

Google News

Ngồi co ro trong một góc nhỏ của Trung tâm giáo dục xã hội Thanh Hà, Hải Dương, nhìn cảnh đoàn tụ, vui vẻ của các trại viên khác với gia đình, Tùng bỗng thấy hụt hẫng, tim nhói đau xen lẫn nỗi ân hận vô cùng.

Chỉ vì đua đòi, ham mê rượu chè đã khiến Tùng mất đi tất cả, từ hạnh phúc gia đình đến tương lai, tình cảm và nhân cách. Để rồi bây giờ, khi rượu không còn, cơn say đã tỉnh, mất quyền tự do, tình thân nhạt nhòa, Tùng mới ân hận vì những gì mình đã làm…

Thiếu gia tỉnh lẻ

Trung tâm giáo dục xã hội Thanh Hà được quét tước, dọn dẹp, vôi ve sạch sẽ. Gương mặt ai cũng tươi vui, rạng rỡ, đón chào một năm mới với nhiều đổi thay. Thế nhưng ở một góc nhỏ, Tùng mặt buồn rười rượi, chân tay run run, nước da xanh ngắt, thỉnh thoảng từ kẽ mắt sâu hoắm kia lại rỉ ra những giọt nước mắt. Khi chúng tôi đến hỏi han về sức khỏe, gia đình, Tùng lau vội nước mắt, vẻ ngượng ngùng xấu hổ. Sau này chúng tôi mới biết thì ra Tùng đang ân hận vì trước đây anh ta sống quá buông thả, vô trách nhiệm, gây mất tình cảm trong gia đình. Đặc biệt, anh ta còn ngược đãi ông bà, bố mẹ, vợ con và anh em thân thiết trong gia đình cả một thời gian dài.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là công chức nhà nước, nên cuộc sống của Tùng luôn là niềm mơ ước của bao đứa bạn cùng trang lứa. Gia đình có điều kiện, lại là con út nên Tùng được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ. Với cái đầu ranh mãnh của mình, Tùng luôn nghĩ ra đủ mọi kế sách để bố mẹ phải rút hầu bao chi cho con.

Nếu nói theo một cách văn chương thì việc bố mẹ Tùng chiều con là do phải hoạt động xã hội, ít có thời gian chăm con, hoặc muốn con có điều kiện tốt nhất để phát triển, không phải thua kém bạn bè. Nhưng, dù có nói văn hoa thế nào đi chăng nữa thì thực tế vẫn là thực tế. Sống trong cảnh được cưng nựng nên từ nhỏ Tùng đã có tính ỷ lại, muốn hưởng thụ, lười lao động. Trong khi đó, ở cái TP Hải Dương đang đà phát triển thì đâu có thiếu thành phần xã hội gì, chỉ cần ra đường là vấp phải cám dỗ. Không nằm ngoài quy luật, Tùng trượt sâu vào hố đen tội lỗi, gây bao muộn phiền, đau đớn cho gia đình và xã hội.

Trong Trung tâm phục hồi nhân phẩm, Tùng ân hận về những gì mình đã làm với bố mẹ. Ảnh minh họa.
Ngày bé là sự tiêu pha hoang phí, ăn quà vặt. Lớn thêm chút nữa thì sắm sang quần áo mới, chơi bời gái gú, tụ tập rượu chè, gây gổ đánh nhau. Chính vì thói ham chơi hơn học, thích thể hiện “đẳng cấp”, cuối năm lớp 10, hắn bị đuổi học trước sự ngỡ ngàng của gia đình. Khi nghe về các thành tích bất hảo và học lực của con, bố mẹ Tùng đều sốc nặng. Họ đâu có ngờ rằng mình lại có một thằng con “rách trời rơi xuống” như thế. Từ ông bà bố mẹ, đến cô dì chú bác, anh chị em trong gia đình ai cũng hiền lành, học giỏi, đỗ đạt và thành danh. Nhưng con mình thì…

Bị đuổi học, gia đình quản lý lỏng lẻo, không kiên quyết, lại chẳng có việc làm nên Tùng càng có điều kiện sa đà với đám bạn xấu. Chỉ vì ham chơi, gia đình hạn chế chu cấp, bí quá Tùng đâm ra có tính tắt mắt, trộm đồ. Hậu quả của thói trộm cắp, Tùng phải lĩnh hơn 9 tháng tù treo.

Đau lòng, chán nản, bất lực, gia đình Tùng chỉ biết tự động viên nhau và cầu trời cho con trai thay đổi tâm tính. Niềm vui cuối cùng cũng đến khi Tùng đưa một cô gái hiền lành về nhà ra mắt, xin cưới.

Người ta vẫn bảo trong cuộc đời có nhiều ngã rẽ làm thay đổi một con người, lấy vợ, sinh con là một trong số đó. Tuy nhiên, với Tùng thì những quy luật đó đều chệch chuẩn. Không thể chịu đựng người chồng lười biếng, cục cằn, ham mê cờ bạc rượu chè, cô gái kia đành bế con về nhà mẹ đẻ và để lại lá đơn ly hôn thấm đẫm nước mắt.

Và đứa con bất hiếu

Vợ bỏ đi, tính hiếu thắng trong Tùng càng dâng cao, biến thành ngọn lửa ngùn ngụt thiêu đốt đi nhân cách của anh ta. Tùng tìm đến rượu, say mèm rồi về nhà quậy phá, mắng chửi đánh đập hết người thân trong gia đình và làng xóm. Là những người hiền lành, được ăn học đàng hoàng, giữ những trọng trách quan trọng trong xã hội, nhưng khi về nhà mọi người đều phải cắn răng chịu đựng trước tính khí ngang tàng, không coi ai ra gì của Tùng.

Nhiều lần, chẳng biết vì lý do gì, khi cả nhà đang ăn, hắn bỗng đùng đùng hất tất cả đồ ăn vào mọi người, đạp phá xoong nồi trong sự sợ hãi của gia đình.

Đặc biệt, sau 12 tháng ngồi tù vì tội cướp giật, Tùng càng trở nên lì lợm hơn. Chính vì bất cần, ngang ngược, không coi ai ra gì, Tùng đã bị một tay anh chị chém cho đến thương tật vĩnh viễn 56%. Bị phủ đầu, sức lực lại yếu, không dám ra ngoài quậy phá, hắn quay về nhà hành hạ gia đình. Chỉ khổ cho bố mẹ hắn, cả đời bôn ba, cống hiến cho xã hội, tưởng rằng khi về hưu sẽ được sống nhàn hạ, yên ổn. Nào ngờ bị kịch lại đổ lên đầu họ, mà không ai khác lại chính là cậu con trai mà mình dứt ruột đẻ ra, chăm sóc từ chân tơ kẽ tóc.

Niềm hy vọng với gia đình lại thêm một lần được nhen nhóm khi một người con gái chấp nhận về làm vợ hắn. Bản chất khó đổi, hắn vẫn chứng nào tật ấy, hành hạ, nhiếc móc vợ con khiến họ phải bỏ đi trong cay đắng ê chề.

Không hối hận, Tùng càng sâu cay hơn, lao đầu vào rượu chè, quậy phá. Chính vì việc làm của mình, cuối năm 2010, Tùng bị chính quyền đưa đi phục hồi nhân phẩm tại Trung tâm giáo dục Thanh Hà. Có thời gian để tự vấn bản thân vì những việc mình đã làm, cũng như cái thân hình tàn tạ mà Tùng ví “người không ra người, ma không ra ma”. Khi rượu đã hết, say đã tỉnh, hắn mới bừng tỉnh, ân hận vì những điều mình gây nên.

Mong một ngày về

Đưa ánh mắt nhìn vào khoảng không với vẻ tiếc nuối: “Nếu tôi biết điều thì đã có một cuộc sống khác hẳn rồi. 2 năm tôi ở Trung tâm chưa được về nhà để nói lời xin lỗi người thân. Nhiều khi ngồi ăn, tôi lại ứa nước mắt khi nghĩ đến bố mẹ và gia đình. Cũng là ăn đấy, nhưng trước đây không ít lần tôi đã hất phăng tất cả, trong nỗi tuyệt vọng, đau đớn của gia đình. Để rồi, bây giờ ngồi đây, lẻ loi với tấm thân tàn ma dại, không một người thân bên cạnh…”.

Khi chúng tôi nói lời chia tay, Tùng bịn rịn, giọng ngập ngừng bảo rằng qua bài báo này muốn gửi lời xin lỗi đến bố mẹ, người thân và dân làng vì những việc làm sai trái mà anh đã gây ra. Và nếu có cơ hội được quay quần bên gia đình, Tùng sẽ trân trọng những giây phút quý giá ấy.

Hy vọng rằng mọi người hãy biết trân trọng những giây phút quay quần, sum họp của gia đình. Đừng để lúc hối lại thì đã quá muộn…
Theo Gia Đình Việt Nam