Anh nói với bạn: “Bà ấy muốn cái gì tôi cũng chiều. Đó, vừa mua cho chiếc nhẫn hột xoàn hôm 8/3, còn đòi hỏi gì nữa mà than thở hả trời?”.
Cũng với giọng điệu đó, anh nói với chị hai: “Vợ em thiệt là kỳ. Nó đòi gì được đó, vậy mà còn than buồn chán là sao? Đúng là được voi đòi tiên, sướng quá hóa hư”.
Nghe giọng điệu ấy, em có cảm giác anh đang nói về một người xa lạ nào đó chứ không phải là về người vợ đầu ấp, tay gối 15 năm qua của mình. “Bà ấy”, “nó”, “con mẹ ấy”, “con vợ”, “con sư tử”, “mụ béo nhà tui”… là những từ ngữ mà anh dùng để nói về em.
|
Ảnh minh họa. |
Em đâu đã già lắm mà anh gọi là “bà”, cũng không phải trẻ nít để anh gọi là “nó” hay “con” này, “con” kia? Em cũng đâu dữ dằn như bà vợ ông hàng xóm, sao anh gọi là “con sư tử”? 15 năm sống với nhau, sinh cho anh 2 đứa con, em tăng từ 45 kg lên 53 kg, chỉ vừa tròn trịa, dễ nhìn chứ đâu đến nỗi là “mụ béo” như cách anh miệt thị?...
Thật lòng là em rất buồn. Em thèm được nghe anh nhắc đến vợ như anh hai nói về chị hai: “Vợ tôi”, “bà xã tôi”, “mẹ cu Tí nhà tôi”… hay đơn giản chỉ là gọi tên như bạn bè anh vẫn nói về vợ họ. Điều đó có gì khó đâu mà anh cứ lãng tránh và bảo rằng “ngượng miệng lắm”? Em nghĩ nếu ngượng miệng một chút mà làm cho vợ vui thì chẳng lẽ anh không làm được hay sao?
Chồng ạ, mình cưới nhau năm em 24 tuổi. Bây giờ em 39 tuổi, vẫn còn trẻ hơn ba mẹ của mình đến 40 năm. Thế mà sao ba có thể gọi mẹ là “em” còn anh thì cứ gọi em là “bà”? Đừng nói rằng phụ nữ khó hiểu hay được voi đòi tiên. Đơn giản chỉ là vì phụ nữ bao giờ cũng thích âu yếm, ngọt ngào, thích được trân trọng, nâng niu…