Tôi đã quá ngán ngẩm cuộc hôn nhân này…

Google News

Tôi đã cố chịu đựng, đã nhường nhịn anh đủ điều, vậy mà anh không hề có một chút chia sẻ. 

Đầu tháng, Thanh quẳng cho tôi tờ giấy: “Em coi chuẩn bị cho anh về quê”. Tôi nhìn tờ giấy A4 ghi gần kín cả trang. Đây là những thứ mà anh muốn đem về biếu gia đình Tết này. Tôi nhẩm tính sơ sơ cũng phải mất gần chục triệu. Chưa kể tiền vé máy bay đi về, rồi ăn uống, chi tiêu, lì xì cho con cháu ở quê… sẽ mất đứt lương, thưởng của hai vợ chồng.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều khiến tôi lấn cấn trong lòng. Chưa bao giờ Thanh nhắc nhở hoặc hỏi tôi xem Tết nhất có lo gì cho cha mẹ mình hay không. Anh có cha mẹ anh em, tôi cũng có; vậy mà 12 năm sống với nhau, anh chưa bao giờ nhớ đến sự tồn tại của họ trên đời mỗi dịp năm hết Tết đến. Nếu tôi thắc mắc thì anh lại bảo: “Đó là chuyện của em”.
Năm nay cũng vậy. Tôi nhìn lá sớ táo quân của anh rồi nói: “Anh bớt lại một số thứ được không? Nhiều quá em không đủ tiền”. Anh nhíu mày nhìn tôi: “Không được! Mỗi năm về có một lần, phải làm sao cho coi được”. Tôi xòe tay ra: “Vậy anh đưa tiền đây, em đi mua cho”. Anh trợn mắt: “Lại còn thế nữa à? Tiền đưa cho em hàng tháng, em làm gì mà giờ lại khảo thêm?”.
Ảnh minh họa. 
Mỗi tháng anh đưa cho tôi 5 triệu đồng. Số còn lại, anh để xài riêng hay làm gì tôi không biết. Thời buổi này mà anh tưởng 5 triệu đồng là to lắm. Tôi chưa bao giờ nói với anh tiền ăn bao nhiêu, tiền học của con bao nhiêu; rồi tiền điện nước, đám tiệc, mắm muối… Nói thật, 5 triệu đồng ở cái đất Sài Gòn này chỉ đủ nuôi 1 đứa con, làm gì có chuyện dư ra để mà đút nhét cho cha mẹ, anh em mình?
Thế nhưng trong suy nghĩ của anh, có lẽ khoản tiền ấy to lắm nên ngoài việc chi phí cho gia đình, tôi còn có trách nhiệm dành dụm để năm hết, Tết đến sắm sửa mọi thứ trong nhà và lo cho anh về quê. Mỗi lần nghe tôi than thở, anh lại bảo: “Em mở báo ra mà coi. Công nhân người ta thu nhập có 3-4 triệu mỗi tháng, lại ở nhà thuê, nuôi con nhỏ mà vẫn dành dụm được…”.
Trời đất ơi, anh lại còn so sánh như vậy nữa? “Sao anh không so sánh với mấy người ở nhà lầu, đi xe hơi, một bước là ra vô nhà hàng mấy sao mà lại so sánh như vậy?”- tôi hỏi lại. Thanh nhăn mặt: “Đây là hậu quả của những chuyện em đã làm. Còn trách ai nữa? Nếu em không gây ra chuyện tày đình như vậy thì bây giờ nhà mình đã giàu có, ở nhà lầu, đi xe hơi…”.
Cứ mỗi lần Thanh nhắc đến điều này thì tôi không muốn tranh luận nữa. Chuyện xảy ra đã lâu rồi mà anh vẫn không quên, vẫn dùng nó như một thứ con tin để ép tôi quy thuận anh một cách vô điều kiện.
Sau đám cưới, chúng tôi còn dư ra được hơn 50 triệu. Số tiền này khi đó khá lớn. Anh quyết định mang gởi ngân hàng. Ngoài khoản tiền đó, hàng tháng, hai vợ chồng còn tiết kiệm chi tiêu để gởi thêm từ 1-2 triệu đồng. 4 năm trước, có người bạn làm ăn cần vốn, tôi đã hỏi ý kiến anh rồi mới quyết định rút tiền cho bạn vay với lãi suất khá cao. Được một thời gian, bạn làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn. Đến giờ vẫn không biết tăm hơi. Số tiền 200 triệu đồng tôi cho vay coi như mất trắng.
Đó là cái cớ mà anh đưa ra để hành hạ tôi, để rượu chè, để có nhân tình bên ngoài… Cay đắng hơn là từ đó đến nay, giữa anh và tôi không hề có chuyện vợ chồng dù chúng tôi vẫn ăn chung mâm, ở chung nhà. Thoạt đầu tôi nghĩ anh chỉ bị sốc một thời gian, không ngờ mọi chuyện kéo dài, rồi tôi phát hiện anh cặp kè với một người phụ nữ khác bên ngoài. Khi tôi hỏi, anh không hề chối mà còn thú nhận: “Anh không có hứng thú với em nhưng anh là đàn ông, cần giải quyết nhu cầu, em đừng có lắm chuyện”.
Tôi đã cố chịu đựng, đã nhường nhịn anh đủ điều, vậy mà anh không hề có một chút chia sẻ. Quên thì thôi chớ nhớ tới là anh lại đay nghiến, dằn vặt; thậm chí anh chửi cả ba má tôi không biết dạy con… Mà chuyện ấy đâu phải một mình tôi quyết định? Cả anh cũng đồng ý rút tiền ra để cho người ta vay chứ đâu phải tôi tự tiện làm?
… “Mua đồ xong chưa? Ngày 24 là anh đi rồi đó”- 3 hôm trước, Thanh nhắc lại. Tôi đưa trả lại anh 5 triệu: “Anh tự lo đi. Từ đây cha mẹ ai nấy lo”. Tôi điên lắm rồi. Bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu khiến tôi thấy mình căng lên như một quả bóng và không biết sẽ nổ lúc nào. “Cái gì? Em nói lại coi?”- anh dằn từng tiếng. Tôi cũng không chịu thua: “Tôi nói anh tự lo. Từ đây về sau, cha mẹ ai thì người đó lo. Tưởng anh biết điều, ai dè anh không hề có một chút lương tâm. Chuyện mất tiền, đâu phải lỗi của một mình tôi? Anh cũng tham, cũng đồng ý mà, còn trách ai nữa? Đừng có thấy tôi nhịn mà làm tới. Tôi nói lại cho anh rõ, từ nay trở đi, thân ai nấy lo. Anh ở nhà của tôi thì phải đóng tiền nhà, tiền cơm, tiền nuôi con…”.
Chưa bao giờ anh thấy tôi làm dữ như vậy nên chựng lại: “Em bị làm sao vậy?”. Có lẽ đến bây giờ anh mới nhớ là anh đang ở trong ngôi nhà mà tôi đã mua bằng tiền của ba má tôi cho trước khi lấy chồng. Tôi nhớ lúc đó ba tôi đã nói: “Con lớn tuổi hơn nó nên phải biết thủ thân. Có cái nhà thì dù sau này có chuyện gì cũng không vất vưởng”. Tôi không ngờ ba tôi đã thấy xa như vậy.
Có lẽ những điều tôi nói ra khiến Thanh giật mình. Càng giật mình hơn khi tôi quyết định dừng mọi cuộc thương lượng. Tôi đã quá ngán ngẩm cuộc hôn nhân này bởi ngoài 2 đứa con, tôi thấy mình chẳng có niềm vui nào khác. Và bây giờ, ở tuổi 38, tôi đã nhen nhóm trong đầu ý định chấm dứt mọi thứ. “Suy nghĩ cho kỹ để sau này khỏi hối hận. Lớn tuổi rồi, muốn làm lại cũng không dễ đâu”- anh hai tôi nói.
Thật sự là trong đầu tôi chưa hề nghĩ tới chuyện phải làm lại từ đầu. Nếu hôn nhân là những gì tôi đã trải qua 12 năm nay thì nó không đáng để lặp lại. Nhưng tôi không biết nếu chỉ có một mình thì cuộc sống của mẹ con tôi sẽ thế nào bởi Thanh đã nói thẳng: “Nếu ly hôn thì cô tự nuôi con, tôi sẽ về ngoài kia”.
Nếu thật sự anh bỏ mẹ con tôi lại, không biết chúng tôi sẽ sống thế nào? Liệu một người phụ nữ 38 tuổi như tôi có đủ sức để một mình nuôi dạy hai đứa con giữa bộn bề cuộc sống này không? Liệu 2 đứa con tôi sẽ lớn lên thế nào giữa những lời thị phi: “Con không cha như nhà không có nóc”?
Theo Người Lao Động