Mẹ 102 tuổi, mấy hôm thời tiết oi bức, nắng mưa thất thường đang khoẻ mạnh bỗng dưng đổ bệnh. Các con thấy vậy thì nháo nhác, lo lắng tưởng mẹ đã tới thời khắc vể gặp tổ tiên. Chỉ riêng có cô con gái thứ ba thì bình thản lạ lùng, thậm chí lại cười rất tươi, mồm năm miệng mười chào đón những người đến chơi, gặp ai cũng hồ hởi: Cuối cùng cụ cũng sắp ra đi rồi đấy.
|
Ảnh minh họa. |
Cô em dâu thấy vậy kéo chị ra một góc thì thào: "Sao chị lại làm vậy, người ta đang xì xào chị mong cho cụ ra đi kia kìa". Bà chị chồng nghe thế không những không giận, lại còn cười ha hả: "Đấy là người ta không hiểu mà thôi. Em thử nghĩ mà xem, nhà mình, bác cả, bác hai đều bệnh rề rề đầy mình, chẳng biết ra đi lúc nào. Cô út thì mất rồi. Thế mà mẹ cứ khoẻ mạnh mãi thế này, giả sử các con "đi" trước cụ thì có phải đều vắng mắc tội bất hiếu với mẹ không? Vì đã chẳng để tang, thờ cúng được mẹ ngày nào. Cho nên, giờ cụ ốm, đi nhanh cho là may đấy".
Mặt cô em dâu giãn ra, nghe chừng "ngộ đạo". Thừa thắng, chị ba liền họp các anh chị em lại, giảng giải, cắt nghĩa cho cả nhà hiểu để cùng nhau đổi lo sang mừng, chuẩn bị cho sự ra đi của cụ được nhanh, thanh thản nhất. Được sự đồng tình của mọi người, chị ba mời một nhóm các bà, các cô, những người am hiểu về "đạo sinh tử" giống như chị, ngày ngày tới khuyên nhủ cụ nên "phân phát hết tiền bạc để thân không luyến lưu trần thế nữa", đặc biệt là dạy cụ học thuộc những câu kinh xin được mau về với nơi "cực lạc".
Mỗi buổi cầu kinh, nghe mẹ nhắc lại rành rọt từng câu: "Con là... quê quán... tuổi... con xin được về nơi cực lạc, ngay bây giờ, con không còn muốn sống thêm một ngày nào nữa", đặc biệt là chữ "ngay bây giờ" nhấn đi, nhá lại nhiều lần mặt cô con gái thứ 3 lại giãn ra, ra vẻ hài lòng. Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, tuần này sang tuần khác, như trêu ngươi sự sốt ruột của cô con, mẹ chẳng về "miền cực lạc" nào mà đã khoẻ lại, không còn chút gì bóng dáng của sự yếu đau nữa.
Khổ một nỗi, ngày nào, dưới sự giám sát của con gái, mẹ vẫn phải ê a đi ê a lại câu: "Cho con về miền cực lạc ngay bây giờ", xiết bao ngậm ngùi mà chẳng dám phản đối, vì lại sợ bị cho là "già mà ham sống". Láng giềng ai cũng phải lắc đầu chịu thua trước kiểu "báo hiếu" lạ lùng, mong cho mẹ mau chết... thực chưa từng thấy bao giờ.
BÀI ĐỌC NHIỀU
Mai Nguyên