Trong cuộc phỏng vấn đề cập tới việc Trung Quốc triển khai máy bay cường kích JH-7A tại các sân bay nằm gần bán đảo Triều Tiên, khu vực tranh chấp trên biển với Nhật Bản, chuyên gia Trung Quốc Từ Quang Dụ đã có đánh giá “thiên vị” JH-7A so với Su-30.
“Bất luận là Su-30, Su-24 hay là JH-7A, chúng đều là máy bay ném bom chiến đấu, cũng đều sử dụng thiết kế 2 động cơ, 2 ghế ngồi. Về mặt máy bay ném bom chiến đấu, thông thường xuất hiện 2 phi công, trong đó một là phi công, người còn lại là nhân viên vận hành vũ khí, sự sắp xếp này thường chỉ xuất hiện trên máy bay ném bom chiến đấu, đây cũng là điểm chung của loại máy bay này”, ông Từ Quang Dụ nói.
|
Máy bay cường kích JH-7 do Trung Quốc phát triển.
|
Ông này cho rằng, JH-7A so với Su-30 và Su-24 của Nga về tầm bay, bán kính tác chiến, tải trọng đều không thua kém. Tải trọng của máy bay JH-7A hiện nay là hơn 7 tấn, nhưng cộng với việc cải tiến, có thể sẽ đạt 10 tấn. Nó có 11 giá treo vũ khí, chủng loại vũ khí cũng rất nhiều, chủ yếu là tên lửa không đối hạm, còn có một số loại quả bom, ngoài ra còn có lượng nhỏ tên lửa không đối không.
“Về điểm này, máy bay Su-30 và Su-24 của Nga trang bị vũ khí về chủng loại và số lượng cũng không nhiều, điều này có nghĩa là máy bay JH-7A có thể sẽ vượt trội hơn các máy bay này, vì tải trọng của Su-30 là hơn 8 tấn, Su-24 cũng như vậy”, ông này nói.
Tuy nhiên, dường như vị chuyên gia này có sự nhầm lẫn trong đánh giá giữa các loại máy bay, việc so sánh Su-30 và JH-7 là không hề tương xứng. Bản thân Su-30 là tiêm kích đa năng, thực hiện nhiều nhiệm vụ gồm cả đối không, đối đất, đối hải. Trong khi JH-7 chỉ là máy bay cường kích thuần túy.
Việc so sánh giữa JH-7 và Su-24 hợp lý hơn cả, dù rằng ở một số điểm về mặt tốc độ, tải trọng vũ khí thì JH-7 có phần hơn Su-24. Tuy nhiên, nếu xét về bộ vũ khí thì Su-24 vượt hơn hẳn JH-7 với khả năng mang nhiều loại tên lửa không đối đất, đối hải, bom có điều khiển.
|
Mang vũ khí đối đất chỉ là một trong những khả năng mạnh mẽ của Su-30.
|
JH-7 (hay còn gọi là FBC-1 Flying Leopard - "báo bay") là máy bay cường kích phản lực siêu âm 2 chỗ ngồi do Viện thiết kế 602 thiết kế và Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An (XAC) sản xuất từ đầu những năm 1990.
Thiết kế JH-7 được đánh giá là mẫu máy bay chiến đấu có tỷ lệ nội địa hóa rất cao của Trung Quốc, đặc biệt là ít chịu ảnh hưởng của thiết kế nước ngoài hơn so với mẫu J-10 hay J-11.
JH-7 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Tây An WS-9 cho tốc độ cực đại 1.808km/h trên độ cao 11km và tầm bay 3.650km, trần bay 15,5km.
Máy bay có khả năng mang tới 6,5 tấn (có nguồn cho là 9 tấn) vũ khí gồm tên lửa không đối không PL-5, tên lửa chống tàu YJ-8/82K, tên lửa chống radar YJ-91 và bom có hoặc không điều khiển.
Theo Tạp chí Khán Hòa, căn cứ vào những tư liệu như ảnh vệ tinh thì Quân đội Trung Quốc đã triển khai khoảng 200 máy bay JH-7A. Trong đó, gần đây nhất là triển khai lực lượng 24 máy bay JH-7A gần bán đảo Triều Tiên và các đảo gần Nhật Bản.
Bằng Hữu