Sức mạnh quân sự của Trung Quốc không ngừng tăng cao đang làm suy giảm không gian hoạt động của Quân đội Mỹ tại khu vực gần Trung Quốc. Thông qua việc mua sắm trang thiết bị do Nga sản xuất, ý đồ của Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi phòng không 250 km hiện nay. Phạm vi phòng không này là một phần trong chiến lược ngăn chặn của Trung Quốc đối với Mỹ.
Tạp chí Jane's Defence cho biết, Quân đội Trung Quốc có kế hoạch mua 2 hệ thống vũ khí mới của Nga. Những hệ thống vũ khí này sẽ đem lại sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với Đài Loan, Nhật Bản và có thể gây khó khăn đáng kể với đồng minh của 2 nước ngày, Mỹ.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc có thể mua thành công hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân từ Nga. Với S-400, phạm vi phòng không của Trung Quốc có thể mở rộng tới 400 km. Điều này sẽ đưa toàn bộ đảo Đài Loan vào nằm trong tầm phòng không của Trung Quốc (nghĩa là nằm trong phạm vi hiệu quả của tên lửa Trung Quốc). Ngoài ra, nó cũng đe dọa khu vực quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản kiểm soát.
|
S-400 sẽ đưa toàn bộ đảo Đài Loan vào phạm vi hỏa lực. |
Bên cạnh đó, cuối năm nay, Trung Quốc có thể đạt được hợp đồng mua tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 với Nga. Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga Vasily Kashin, những máy bay chiến đấu này không trang bị radar “Zhuk” cũ, mà sẽ trang bị radar mang pha tối tân IRBIS-E.
Theo nguồn tin từ mạng doanh nghiệp nghiêu cứu phát triển Nga, radar IRBIS-E có tầm trinh sát lên tới 400 km, có thể tìm kiếm và theo dõi 30 mục tiêu trên không, đồng thời dẫn hướng cho tên lửa tấn công 8 mục tiêu cùng lúc.
Chuyên gia quân sự Alexander Huang (Đại học Đạm Giang, Đài Loan) cho biết, khi các chính trị gia Mỹ xem xét làm thế nào để đối phó với tình huống bất ngờ của Đài Loan, thì tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35S trang bị radar IRBIS-E sẽ tạo thành đòn “tâm lý ngăn chặn” đối với họ.
Ông này còn cho biết thêm, những hệ thống vũ khí này sẽ bắt buộc Mỹ và các đồng minh châu Á đẩy nhanh việc sản xuất, mua và triển khai máy bay chiến đấu F-35.
Hợp đồng mua bán đầu tiên dự kiến sẽ bao gồm 24 máy bay chiến đấu Su-35S. Và có thể trong tương lai, Trung Quốc còn sẽ tăng thêm 24 máy bay chiến đấu loại này.
Dù Trung Quốc có 24-48 máy báy chiến đấu Su-35 cũng không phải là mối đe dọa lớn đối với Quân đội Mỹ, nhưng đối với Đài Loan mà nói nó là một vấn đề.
|
Trung Quốc sở hữu Su-35 là "tin xấu, rất xấu" với Đài Loan. |
Ông Alexander Huang cảnh báo, một khi Trung Quốc được trang bị S-400 và Su-35, đó là “tin xấu cho Đài Loan”. Vì máy bay Su-35 với radar IRBIS-E có thể phát hiện chiến đấu cơ F-16 của Đài Bắc từ rất sớm và khoảng cách rất xa.
“Điều đó có nghĩa là Su-35 của Trung Quốc đang tuần tra ở phía đại lục vẫn có thể thấy tất cả mục tiêu trên không phận Đài Loan”, Defense News dẫn lời ông Huang phân tích.
Từ lâu Đài Loan ý thức được mối đe dọa lớn từ Trung Quốc nên đã nỗ lực hiện đại hóa không quân. Đài Loan đã lên kế hoạch cho “về vườn” 56 chiến đấu cơ Mirage 2000 và khoảng 50 chiếc F-5. Nước này cũng đang nâng cấp 126 máy bay chiến đấu F-CK-1 do Đài Loan tự sản xuất và 145 máy bay chiến đấu F-16A/B, đồng thời yêu cầu Mỹ bán thêm máy bay F-16 mới. Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra lừng khừng do e ngại ảnh hưởng quan hệ vốn đang không mấy mặn mà với Bắc Kinh.
Song song đó, Đài Loan bắt đầu đưa vào sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hùng Phong 2E và đang phát triển nhiều loại tên lửa chống tàu mới. Tuy nhiên, nỗ lực của Đài Loan, theo chuyên gia quân sự Douglas Barrie tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Anh, có thể gặp thách thức lớn bởi khả năng phát hiện mục tiêu bay ở tầm thấp của Su-35.
|
Tiêm kích F-16 hay F-CK-1 không bao giờ có thể là đối thủ của Su-35. |
Chuyên gia Douglas Barrie cho rằng, khoảng cách tìm kiếm 400 km của radar IRBIS-E có thể bù đắp một số hạn chế của máy bay cảnh báo bớm của Không quân Trung Quốc.
“Còn có một việc cần phải làm rõ, đó là máy bay chiến đấu Su-35S sẽ trang bị tên lửa không đối không như thế nào”, ông Douglas Barrie nói.
Chuyên gia Lance Gatling tại Công ty tư vấn quốc phòng Nexial Research (Tokyo, Nhật Bản) cũng nhận định, tên lửa S-400 và Su-35 trang bị radar IRBIS-E đều có khả năng tăng cường thực lực quân sự của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc tích hợp máy bay cảnh báo sớm trên không của Trung Quốc với tên lửa S-400 và radar IRBIS-E.
Bên cạnh đó, chuyên gia ngành công nghiệp quân sự Đài Loàn cho biết Đài Loan có thể sử dụng khả năng can thiệp của radar cảnh báo sớm mới triển khai tại căn cứ Lạc Sơn (thuộc huyện Tân Trúc, tây bắc Đài Loan) để vô hiệu hóa hệ thống radar của Trung Quốc. Radar triển khai tại Lạc Sơn Đây được xem là một trong những hệ thống radar mạnh nhất trên thế giới, nó có thể truyền dữ liệu trực tiếp cho quân đội Mỹ để Mỹ giám sát hoạt động tên lửa và máy bay của Trung Quốc.
Bằng Hữu