Báo Mỹ: Vật liệu trên Su-57 được dùng để sản xuất F-16

Google News

Tạp chí National Interest vừa chỉ ra những điểm lạc hậu trên tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga so với chiến đấu cơ Mỹ.

Báo Mỹ cho rằng, các công nghệ được sử dụng để chế tạo máy bay chiến đấu Nga thế hệ thứ năm đã trở nên lỗi thời. Đặc biệt, là vật liệu composite mới được sử dụng cho tiêm kích Su-57 "tăng gấp đôi khả năng hấp thụ sóng radar và giảm bớt tầm nhìn radar của cabin máy bay thêm 30%".
Nhưng theo báo Mỹ, công nghệ này đã được sử dụng trong hơn 30 năm qua. Đặc biệt, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ bắt đầu sử dụng công nghệ này vào những năm 1980 trong quá trình sản xuất máy bay F-16 theo chương trình Have Glass.
Bao My: Vat lieu tren Su-57 duoc dung de san xuat F-16
Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga. 
Cùng với sự lạc hậu về vật liệu, báo Mỹ còn nghi ngờ chất lượng tính năng tàng hình của máy bay tiêm kích Su-57. Nga đã cố gắng để bán tiêm kích Su-57 cho Ấn Độ dưới dạng máy bay tiêm kích-tàng hình thế hệ 5. Tuy nhiên, Ấn Độ đã từ chối mua tiêm kích này với lý do nhiều tính năng kỹ thuật của chúng không đạt yêu cầu.
Với việc không đạt được hợp đồng này, Moscow buộc phải giảm kế hoạch sản xuất Su-57 xuống còn 10 chiếc trong giai đoạn đến năm 2025. Trong khi đó Không quân Mỹ tuyên bố hằng năm sẽ mua hàng chục chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 mới F-35, còn Trung Quốc cũng đã thành lập phi đội máy bay tiêm kích J-20 đầu tiên.
Một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ từ chối hợp đồng này đó là tính năng tàng hình của tiêm kích Su-57. Tính năng này phụ thuộc vào cấu tạo, dạng vật liệu và lớp sơn phủ bên ngoài. Chúng có tác dụng hấp thụ sóng radar và triệt tiêu nhiệt phá ra từ động cơ hoặc ma sát với không khí trong quá trình hoạt động.
Trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5/2018, những hình ảnh chi tiết về Su-57 được các chuyên gia quân sự đặc biệt chú ý và nghi ngờ tính năng tàng hình của tiêm kích Su-57. Trên cơ sở các bức ảnh, tạp chí Mỹ đã đưa ra các vấn đề chính của Su-57 có liên quan đến khả năng tàng hình của chúng.
Đầu tiên là các phần nối giữa hai cánh của máy bay trên một mặt phẳng lớn, điều này làm tăng diệt tích phản xạ radar. Trên tiêm kích F-22 của Mỹ, ngay cả cánh tà sau của máy bay ở phần cuối có các đường nối rất nhỏ gọn chắc chắn và tất nhiên điều này khiến chúng có diện tích phản xạ radar ít hơn.
Thứ hai, đuôi đứng phía sau của Su-57 có khe hở rộng cũng làm tăng diện tích phản xạ radar. Thứ ba, hình dạng mặt cắt của tiêm kích không phù hợp với tính năng tàng hình. Tiếp theo là ở phần mũi của Su-57 có nhiều đường nối đáng chú ý bao bọc xung quanh, chúng không làm tăng khả năng tàng hình. Trong khi đó F-35 và F-22 có phần mũi dốc và xiên.
Và cuối cùng là phần mặt dưới của máy bay được ghép nối bằng đinh tán và có cạnh sắc nhọn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng tàng hình của máy bay. Theo chuyên gia Mỹ, với kết cấu như thế này cho dù Nga có nâng cấp hay sử dụng các biện pháp khác để nâng cao khả năng tàng hình cũng kém xa so với Mỹ và thậm chí kém hơn cả các tiêm kích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù bị giới chuyên gia Mỹ chỉ ra hàng tá lỗi trong thiết kế cũng như vật liệu chế tạo lạc hậu nhưng hiện nay, Lầu Năm Góc vẫn phải bắt đầu cho lực lượng của mình huấn luyện không chiến với dòng chiến đấu cơ này bằng mô hình sơn ngụy trang từ tiêm kích F-16.
Theo Tuấn Vũ/báo Đất Việt