Binh chủng Vũ trụ Mỹ của Tổng thống Trump "hữu danh vô thực"

Google News

(Kiến Thức) -  Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh thành lập binh chủng Vũ trụ, một nhánh quân sự độc lập và là binh chủng thứ 6 của Quân đội Mỹ, thế nhưng trên thực tế kế hoạch này khó có thể mà thực hiện.

Theo thừa nhận của chính các thành viên thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, hiện tại, họ vẫn chưa xác định chính xác những nhiệm vụ cụ thể cũng như thành phần cơ cấu tổ chức và số lượng quân số của binh chủng Vũ trụ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thành lập.
Binh chung Vu tru My cua Tong thong Trump
 Tổng thống Mỹ Donald Trump Trump và sắc lệnh thành lập binh chủng Vũ trụ. Ảnh: Reuter
Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế cho rằng, tiến trình thành lập vẫn đang trong lộ trình và còn nhiều khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự thế giới nhận định, sẽ có 2 mô hình cho lực lượng mới để chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn đó là:
Phương án đầu tiên: Binh chủng Vũ trụ sẽ được thành lập bên trong lực lượng Không quân Mỹ. Theo đó, lực lượng tác chiến vũ trụ sẽ có cơ chế ngang hàng với Không quân, tức là có quyền tự chủ ra quyết sách một cách độc lập nhưng vẫn nằm trong Bộ Không quân.
Cơ chế này giống với cơ chế hiện nay của lực lượng Hải quân và Hải quân  đánh bộ Mỹ - cùng thuộc Bộ Hải quân. Tuy nhiên, Hải quân đánh bộ vẫn có vai trò tương đương với các quân chủng khác và là một quân chủng độc lập trong đội hình biên chế của Quân đội Mỹ. 
Nếu như Mỹ quyết định xây dựng lực lượng tác chiến vũ trụ theo mô hình của Bộ Hải quân, thì các căn cứ không quân, hệ thống chỉ huy giám sát sẽ được sử dụng chung cho cả Không quân và Tác chiến vũ trụ, trong khi đó các cơ sở vật chất trang bị thuộc lĩnh vực chi viện tác chiến cũng như trang bị tiến công trực tiếp đường không sẽ thuộc quyền quản lý của lực lượng tác chiến vũ trụ.
Như vậy, lực lượng tác chiến vũ trụ sẽ giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động như trinh sát đường không vũ trụ, quản lý nguồn tài nguyên vũ trụ, hoạt động tác chiến không gian và xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, phương án đề xuất này đang bị Hạ viện, Bộ Quốc phòng và Bộ Không quân Mỹ phản đối và không biết có được thông qua hay không.
Binh chung Vu tru My cua Tong thong Trump
Các quân chủng hiện có trong biên chế Quân đội Mỹ. Ảnh: Wikipedia 
Phương án thứ hai, đó là xây dựng một binh chủng Vũ trụ độc lập, nằm ngoài Bộ Không quân. Theo đó, quân chủng mới được thành lập sẽ độc lập hoàn toàn với Không quân Mỹ. Bên cạnh đó, để thực hiện theo phương án này thì có thể Mỹ sẽ phải thành lập Bộ Tác chiến vũ trụ để nó có vai trò tương đương với 3 bộ là Bộ Hải quân, Bộ Lục quân và Bộ Không quân.
Tuy nhiên, nếu như áp dụng theo mô hình tổ chức này thì sẽ gây ra nhiều xung đột với các quân chủng còn lại, bên cạnh đó nó còn khiến gia tăng nhiều cơ cấu tổ chức cũng như nguồn ngân sách quốc phòng.
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có quyết định cuối cùng là sẽ lựa chọn phương án tổ chức nào, tuy nhiên cho dù lựa chọn phương án nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất đó chính là việc người đứng đầu quân chủng mới phải có một chân trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thì việc thành lập quân chủng mới này mới có ý nghĩa thực tế. 
Với cơ chế như hiện nay, các ghế trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sẽ gồm Tham mưu trưởng Lục quân, Tham mưu trưởng Hải quân, Tư lệnh Hải quân đánh bộ, Tham mưu trưởng Không quân. Chính vì thế, chính phủ của ông Trump muốn thành lập lực lượng mới đồng thời muốn Tư lệnh hoặc Tham mưu trưởng của lực lượng tác chiến vũ trụ mới sẽ có một chân trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân để có thể tham gia vào các quyết sách quan trọng nhất của cơ quan quyền lực này.

Mời độc giả xem video: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu vì sao nước Mỹ cần tới binh chủng vũ trụ. (nguồn CNN)


Lam Ngọc