Ca ngợi MiG-35, Tổng thống Putin cố cứu vớt Tập đoàn MiG

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Vladimir Putin đích thân dự hội nghị trực tuyến giới thiệu về tiêm kích MiG-35, một nỗ lực nhằm cứu vãn dây chuyền sản xuất của tập đoàn MiG.

MiG-35 - đứa con tinh thần của tập đoàn MiG tiếp tục đối mặt với tương lai bất định. Sau thất bại tại cuộc đấu thầu cung cấp máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, tương lai của nó cũng như tập đoàn MiG càng mờ mịt hơn. Không quân Nga liên tiếp trì hoãn hợp đồng mua tiêm kích MiG-35, cho dù tập đoàn này liên tục nhắc khéo.

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình, tập đoàn MiG đã tổ chức hội nghị trực tuyến với người đứng đầu điện Kremlin. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được tập đoàn MiG thông báo về chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tiêm kích MiG-35, phiên bản mới nhất. Tổng thống Putin chúc mừng chuyến bay thử nghiệm thành công của MiG-35 cũng như nhà sản xuất.

Người đứng đầu điện Kremlin ca ngợi đặc tính kỹ thuật của MiG-35 và hy vọng tiêm kích mới sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng cường sức mạnh Không quân Nga, cũng như tiềm năng xuất khẩu lớn cho các quốc gia đang sử dụng máy bay Nga. Hội nghị được tổ chức khá công phu.

Ca ngoi MiG-35, Tong thong Putin co cuu vot Tap doan MiG
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các quan chức tập đoàn MiG tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Điện Kremlin 

Đánh giá về sự kiện này, nhà phân tích quân sự Dave Majumdar nhận xét, về cơ bản MiG-35 là phiên bản nâng cấp của tiêm kích trên hạm MiG-29KR. Máy bay không có động cơ kiểm soát vector lực đẩy, radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA).

Việc MiG-35 thiếu radar AESA là một vấn đề về chi phí từ quan điểm mua sắm chứ không phải vấn đề kỹ thuật. Ông Majumdar đặt vấn đề, tại sao đích thân Tổng thống Putin dự hội nghị trực tuyến với tập đoàn MiG về một máy bay chỉ là phiên bản nâng cấp từ MiG-29K. Câu trả lời chỉ có thể là vì vấn đề “marketing”.

Toàn bộ dự án MiG-35 nhằm mục tiêu giữ dây chuyền sản xuất cho công ty MiG, tương tự dự án Su-30M2 để duy trì dây chuyền của nhà máy KnAAPO.

Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga nói: Máy bay chiến đấu MiG-35 chỉ để duy trì dây chuyền sản xuất cũng như xuất khẩu. Thông số kỹ thuật là yếu tố thứ cấp, Bộ quốc phòng Nga muốn nó càng rẻ càng tốt nhằm hướng đến các khách hàng nước ngoài, những quốc gia đang mua chiến đấu cơ không có radar AESA do vấn đề chi phí”.

Ca ngoi MiG-35, Tong thong Putin co cuu vot Tap doan MiG-Hinh-2
 MiG-35 đang đối mặt với tương lai bất định. Ảnh: Wikipedia

Trong buổi hội nghị, đích thân ông Putin giới thiệu về radar mới trên MiG-35 có thể theo dõi 10-30 mục tiêu cùng lúc, có thể hoạt động trên đất liền, trên biển. Đây là một máy bay độc đáo và đầy tiềm năng, chiến đấu cơ thế hệ 4++, có thể nói gần đạt tiêu chuẩn thế hệ 5.

Ông Majumdar nhận định, MiG-35 sẽ được trang bị cho Không quân Nga, nhưng máy bay này chủ yếu hướng đến khách hàng nước ngoài. Việc ông Putin đích thân giới thiệu MiG-35 là phương thức quảng cáo hữu hiệu nhất. Trong khi đó, Không quân Nga quan tâm nhiều hơn đến các phiên bản của gia đình Flanker.

Sergei Korotkov, phó chủ tịch kiêm giám đốc thiết kế tập đoàn MiG cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống đa quang phổ tích hợp vào các hệ thống vũ khí và cài đặt trên MiG-35, cùng với các hệ thống khác. Chúng tôi đã phát triển các công nghệ thế hệ 4++ phức tạp cho MiG-35. Chúng tôi hy vọng sau khi thử nghiệm, Bộ Quốc phòng sẽ mua máy bay và các khách hàng nước ngoài sẽ ký hợp đồng với chúng tôi”.

Hội nghị trực tuyến với Tổng thống Putin dường như là một hy vọng cho Phòng thiết kế Mikyan trong bối cảnh họ đang bị Sukhoi áp đảo hoàn toàn. Phiên bản mới của máy bay MiG-35 có thể giúp hồi sinh tập đoàn MiG hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Quốc Minh