Tàu Varyag của Ukraine và hành trình bí mật đến Trung Quốc
Vào ngày 25/9/2012, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh chính thức được hạ thủy và chuyển giao cho hải quân nước này, đánh dấu mốc lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có tàu sân bay.
Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ rằng, tàu sân bay Liêu Ninh mười năm trước thực chất là một con tàu bỏ hoang, cơ sở vật chất trên tàu đã bị tháo dỡ, thậm chí còn không có hệ thống điện.
Vậy câu hỏi đặt ra là con tàu không có hệ thống điện này đã được di chuyển đến Trung Quốc như thế nào? Sau khi đến Trung Quốc, làm sao nó biến thành “hòn ngọc” Liêu Ninh?
Về nguồn gốc, tàu Liêu Ninh đầu tiên không thuộc sở hữu của Trung Quốc mà thuộc sở hữu của Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và có tên là Varyag.
Trước khi Liên Xô tan rã, Ukraine là nước cộng hòa tập trung nhiều doanh nghiệp quân sự và công nghiệp nặng, chiếm khoảng 35% năng lực sản xuất quân sự của Liên Xô khi đó, bao gồm cả nhà máy đóng tàu Biển Đen, có năng lực đóng tàu sân bay.
|
Ảnh: Nhà máy đóng tàu Biển Đen, nơi từng đóng các tàu sân bay cho Hải quân Liên Xô. |
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, do quy mô nền kinh tế và quân sự của Ukraine tương đối nhỏ, nên họ không thể duy trì hoạt động của nhiều doanh nghiệp quốc phòng như dưới thời Liên Xô.
Đồng thời cả Mỹ và Nga tiếp tục gây áp lực lên Ukraine, và cuối cùng, Ukraine đã đình chỉ hầu hết các dự án quốc phòng đang triển khai.
Ukraine cũng đã phá hủy một số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược, máy bay vận tải cỡ lớn và các thiết bị chiến lược khác còn sót lại từ thời Liên Xô; và tàu sân bay Varyag, mặc dù đã hoàn thành 68%, đương nhiên cũng nằm trong số đó.
Để thanh lý tàu sân bay đang đóng dở này, năm 1995, phía Ukraine đã chuyển giao tàu Varyag cho Nhà máy đóng tàu Biển Đen để họ tự xử lý. Nhưng đối với loại thiết bị cấp chiến lược này, thực tế có rất ít khách hàng hỏi mua.
Vì vậy, sau khi không tìm được khách hàng thích hợp, nhà máy đóng tàu Biển Đen đã dần tháo dỡ các thiết bị có giá trị khỏi con tàu và để con tàu có lượng giãn nước vài chục nghìn tấn, nằm yên vị trên ụ và dần bị rỉ sét.
Năm 1997, Quân đội Trung Quốc đã bí mật tiến hành đàm phán mua Varyag với những quan chức Ukraine, dưới bình phong là công ty dân sự và với mục đích công khai là mua về để làm “sòng bạc nổi phục vụ du lịch”.
Năm 1998, Xu Zengping, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Chuanglu tại Ma Cao, đàm phán với các quan chức Ukraine mua tàu Varyag thành công.
Tàu Varyag cùng hàng chục tấn bản vẽ thiết kế và phụ tùng đặc chủng, được mua từ Nhà máy đóng tàu Biển Đen với giá 20 triệu USD và bắt đầu rời cảng về Trung Quốc bằng tàu lai dắt.
Tuy nhiên, ngay khi Varyag eo biển Bosphorus ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm tàu Varyag đi qua eo biển này với lý do gây nguy hiểm cho sự an toàn của các cơ sở ven biển.
Để tàu Varyag đi qua eo biển Bosphorus, Bắc Kinh đã đàm phán với phía Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần. Cuối cùng, sau nhiều lần tham vấn, năm 2001, phía Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã cho phép tàu Varyag đi qua eo biển này và trở ngại lớn nhất để tàu Varyag về Trung Quốc cuối cùng đã được giải quyết.
Sau hành trình 123 ngày với quãng đường biển 15.200 hải lý, cuối cùng Varyag đã cập cảng Đại Liên của Trung Quốc, chứ không phải là Ma Cao như tuyên bố ban đầu.
Từ đống sắt vụn biến thành tàu sân bay Liêu Ninh
Khi tàu Varyag cập cảng Đại Liên, lãnh đạo Quân đội Trung Quốc nói chung và Hải quân Trung Quốc nói riêng hết sức phấn khởi, vì chưa bao giờ họ có cơ hội sở hữu tàu sân bay gần đến như vậy.
Varyag ngay lập tức được đưa lên ụ nổi và các chuyên gia liên quan đã ngay lập tức bắt đầu kiểm tra trạng thái của con tàu.
Năm 2003, các chuyên gia nghiên cứu khoa học của Hải quân Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đã lên tàu Varyag và tiến hành kiểm tra thực tế con tàu.
Trong quá trình kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy rằng, do công nghệ gia công thép tuyệt vời của Liên Xô và thân tàu được xử lý chống ăn mòn rất tốt nên mặc dù Varyag bị bỏ hoang gần 10 năm nằm phơi nắng gió này, khi được tẩy rỉ sét, bên ngoài gần như mới tinh.
Ngoài thép chế tạo thân tàu còn như nguyên vẹn, Varyag không bị hư hại về kết cấu; đánh giá về chất lượng tổng thể là tuyệt vời.
Khi kiểm tra các hệ thống bên trong của tàu Varyag, các chuyên gia cũng nhận thấy rằng, ngoại trừ một số đường dây bị hư hỏng, hệ thống động lực của tàu gồm các động cơ nguyên bản như 4 tổ máy tua-bin hơi dẫn động bánh răng hàng hải rT3A-674, nồi hơi đốt dầu 8 KBr-4 và các phụ kiện máy bơm tăng áp THA-4 đều được bảo quản tốt.
Có thể nói, chiếc tàu sân bay Varyag đóng dở và hàng tấn tài liệu đi kèm, đã đặt nền móng cho ngành đóng tàu sân bay Trung Quốc; giúp nước này rút ngắn ít nhất 20 năm phát triển.
Vào ngày 26/4/2005, tàu Varyag đã được kéo vào bến tàu 300.000 tấn ở Nhà máy đóng tàu Đại Liên và việc cải tạo tàu Varyag chính thức bắt đầu.
Tại nhà máy đóng tàu này, Varyag đã được tẩy rỉ sét và sơn lại; các thiết bị khác nhau như hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, cùng nhiều hệ thống khác mà Xưởng đóng tàu Biển Đen tháo dỡ trước đó, giờ được lắp đặt lại.
Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản nhất này, Varyag đã thay đổi từ một con tàu bỏ hoang không thể hoạt động, thành một con tàu bình thường có thể hoạt động.
Sau khi đảm bảo Varyag hoạt động bình thường, việc cần làm tiếp theo là cài đặt các hệ thống chiến đấu, có vai trò rất quan trọng cho Varyag.
Trước hết, với nhiệm vụ là một tàu sân bay, Varyag phải có khả năng cho các máy bay trên tàu sân bay có thể cất cánh và hạ cánh bình thường.
Sau đó Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt vũ khí trang bị trên tàu sân bay Varyag, bao gồm hệ thống phòng không tầm gần Hồng Kỳ 10 và pháo phòng không tầm gần 1130.
So với vũ khí của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga (là anh em với tàu Varyag), thì vũ khí trên Varyag chỉ bằng “một góc” Kuznetsov. Lý do là Hải quân Trung Quốc tập trung cho Varyag theo đúng nghĩa là một tàu sân bay, chủ yếu để chở máy bay, không có khả năng phóng tên lửa từ dưới sàn tàu như chiếc Kuznetsov.
Vào ngày 27/4/2009, tàu Varyag rời bến tàu ban đầu và đi đến bến tàu loại 300.000 tấn, mới được xây dựng bởi Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Đại Liên.
Tại bến tàu mới này, tàu Varyag được đổi tên mới thành tàu Liêu Ninh; cũng có nghĩa là tàu Varyag chính thức nói lời tạm biệt với quá khứ. Từ đó đến nay, trên thế giới chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Vào ngày 10/8/2011, Liêu Ninh bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật trên biển đầu tiên và sau nhiều lần thử nghiệm, vào ngày 25/9/2012, tàu Liêu Ninh với số hiệu "16" chính thức được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc; đánh dấu mốc Trung Quốc chính thức sở hữu tàu sân bay.
Ảnh hưởng của tàu sân bay Liêu Ninh đối với sự phát triển của hải quân Trung Quốc?
Tầm quan trọng của tàu sân bay Liêu Ninh, đối với sự phát triển của hải quân Trung Quốc là tạo bước nhảy vọt về chất.
Trước hết, việc hạ thủy tàu sân bay Liêu Ninh chính thức bù đắp cho những thiếu sót trong hoạt động biển xa của hải quân Trung Quốc, tăng thêm cự ly hoạt động gần 2.000 km.
Điểm thứ hai là Liêu Ninh cung cấp một cơ hội học tập quý giá cho hải quân Trung Quốc. Qua quá trình đóng tàu sân bay Liêu Ninh, ngành đóng tàu quân sự Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc đóng tàu sân bay.
Dựa vào những kinh nghiệm này, Trung Quốc đã tránh được nhiều vấn đề trong quá trình đóng tàu sân bay trong nước, đặc biệt là chiếc tàu sân bay thứ hai (chiếc Sơn Đông), về thiết kế, tính năng và thời gian đóng đã hơn hẳn chiếc Liêu Ninh.
Ngoài việc cung cấp kinh nghiệm đóng tàu sân bay, việc hạ thủy tàu Liêu Ninh còn giúp đào tạo thêm nguồn nhân lực cho Hải quân Trung Quốc.
Điểm thứ ba là tàu sân bay Liêu Ninh đóng vai trò định hướng cho con đường phát triển Hải quân Trung Quốc.
Trước Liêu Ninh, tàu hải quân Trung Quốc chủ yếu theo đuổi tính toàn diện về khả năng tác chiến; tuy tính toàn diện này có thể phát huy tối đa công dụng của tàu, nhưng khó có thể phát huy hết những ưu điểm vượt trội của một con tàu.
Sau khi tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế, hướng phát triển của tàu chiến Trung Quốc cũng chuyển từ theo đuổi tính toàn diện của khả năng tác chiến tàu, sang hướng phát triển tập trung vào các nhóm tác chiến tàu sân bay theo mô hình của Hải quân Mỹ.
Chính nhờ có tàu Liêu Ninh mà sự nghiệp hải quân của Trung Quốc mới phát triển như hiện nay, đồng thời giúp hải quân Trung Quốc có thể từng bước tiến vào đại dương xanh và thậm chí vượt trội về quân số so với Hải quân Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Tiến Minh