Trận chiến bắt đầu
Sau khi các lực lượng gián điệp, thám báo đã cắt đứt toàn bộ đường dây liên lạc của pháo đài và tụ quân tại các điểm chốt quan trọng như các đầu cầu, các giao lộ ngã ba, nga tư dẫn vào pháo đài dưới danh nghĩa các đơn vị tăng cường thì cũng là lúc những loạt pháo đầu tiên được bắn đi từ phía bên kia biên giới nhắm vào những vị trí trọng yếu nhất của pháo đài.
Trận chiến chính thức nổ ra vào hôi 3 giờ 15 phút sang ngày 22/6, một trận “mưa bom bão đạn” đã dội xuống pháo đài Brest, tiêu diệt mọi cứ điểm phòng thủ từ thô sơ đến kiên cố nhất. Cũng trong lúc những loạt đạn đầu tiên được dội xuống và trong khi những người lính Liên Xô còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì vừa xảy ra thì những đơn vị lính Đức cải trang với quân phục Liên Xô đã đánh phủ đầu các điểm giao thông trọng yếu dẫn vào trong thành, mọi việc diễn ra quá nhanh kèm theo đó là đường liên lạc bị gián đoạn do phá hoại khiến cho các sỹ quan chỉ huy không thể nắm được tình hình và ra chỉ thị cho các đơn vị ở phía dưới tiến hành phòng thủ. Những giây phút đầu tiên của cuộc chiến giữa Liên Xô và Đức đã chính thức bắt đầu, và trong những giây phút đầu tiên này, toàn bộ vùng biên giới Liên Xô nói chung và khu vực pháo đài Brest nói riêng đều chìm trong hoảng loạn, Liên Xô không bất ngờ khi bị Đức tấn công, họ bất ngờ vì thời điểm mà người Đức chọn để nổ súng.
|
Tranh vẽ lại cảnh trận chiến đấu khốc liệt bên trong Pháo đài Brest. Ảnh: Wikipedia.
|
Đến 3 giờ 45 phút sang, pháo binh Đức ngừng nã đạn và lực lượng bộ binh tràn lên, sau hơn 30 phút hoảng loạn đến tột độ và bị phủ đầu hoàn toàn, lực lượng bộ binh Hồng Quân trú bên trong pháo đài bị chia cắt mạnh, không có sự phối hợp và hiệp đồng với nhau mà tự tổ chức thành từng nhóm nhỏ phòng thủ rải rác trong những căn nhà, những hố bom dọc theo pháo đài. Phần lớn những nhóm lính này đều không được trang bị súng, họ không kịp hoặc không đủ bình tĩnh để băng qua làn mưa bom đến kho vũ khí và cũng không có đủ thời gian để làm việc đó sau khi phía Đức ngừng bắn, họ-những người lính Liên Xô quả cảm đã sử dụng dao găm, xẻng, bàn ghế hay thậm chí là những chiếc… chảo để giáp lá cà với kẻ địch khi phía Đức tiến đến đủ gần, sau đó tận dụng lại chính vũ khí của Đức để thiết lập một cụm đề kháng nhỏ lẻ bên ngoài pháo đài.
|
Phía Hồng Quân sẵn sàng giáp lá cà với kẻ địch để giữ vị trí và chiếm vũ khí (Hình minh họa). Ảnh: Belarus.
|
Những cụm đề kháng này khiến phía Đức mất rất nhiều thời gian và sinh mạng để đối phó, khi dẹp được những cụm đề kháng nhỏ lẻ ở phía ngoài pháo đài thì phía Đức lại vấp phải một vấn đề lớn hơn đó là những cụm đề kháng có hệ thống, có sự chỉ huy của những sỹ quan Liên Xô với đầy đủ trang bị vũ khí ở phía bên trong pháo đài. Các cụm đề kháng này có quân số lớn hơn, trang bị tốt hơn và được chỉ huy một cách bài bản chứ không hề tự phát, khiến quân Đức rất vất vả để có thể tiến công dù nắm trong tay lực lượng và hỏa lực vượt trội hơn.
|
Phía Hồng Quân còn tổ chức phản công ngược ra ngoài pháo đài (Hình minh họa). Ảnh: Belarus.
|
Thậm chí, những lực lượng đồn trú phòng thủ bên trong pháo đài còn tổ chức những đợt phản công ra ngoài, đánh bật quân Đức khỏi các đầu cầu, các ngã ba, ngã tư của các tuyến giao thông để chiếm vũ khí, đạn dược và sau đó rút ngược trở lại phía trong pháo đài. Nhiều cuộc tấn công của quân Đức nhằm vô hiệu hóa hệ thống đề kháng này trong ngày đầu tiên đã thất bại, dù rằng một số lính Đức đã cải trang thành sỹ quan chỉ huy Liên Xô với mục đích làm rối loạn hệ thống chỉ huy bên trong pháo đài nhưng cũng không thể giúp phía Đức giành được pháo đài trong những ngày đầu tiên.
Quá mệt mỏi với việc phải tấn công vào từng điểm hỏa lực, lùng sục từng căn nhà để tiêu diệt từng người lính Hồng Quân một, phía Đức đã huy động hỏa lực pháo binh hạng nặng tấn công vào từng căn nhà mà họ nghi ngờ có lính Liên Xô ở bên trong.
Thậm chí các sỹ quan Đức còn cho rằng cách tốt nhất là sử dụng hỏa lực thật mạnh để san phẳng toàn bộ Brest, khi đó người Đức sẽ dễ dàng chiếm được nó hơn là phải vật lộn với những người lính Hồng Quân trong từng căn nhà một.
Một tuần sau khi cuộc chiến nổ ra, phía Đức đã huy động những khẩu đại bác cỡ nòng 600mm bắn ra những viên đạn nặng tới 1,25 tấn với mục tiêu sản phẳng tất cả mọi thứ bên trong Brest. Khẩu pháo này có khả năng tạo ra những hố bom khổng lồ rộng tới 30 mét chỉ với một phát bắn đã cầy nát toàn bộ pháo đài trước khi đợt tấn công cuối cùng của Đức diễn ra, tiêu diệt toàn bộ căn cứ chỉ huy dã chiến của lực lượng Hồng Quân phòng thủ bên trong pháo đài.
Mặc dù vậy, phải mất tới hai ngày sau phía Đức mới hoàn toàn kiểm soát được khu vực này sau khi dọn sạch được những ổ đề kháng nhỏ lẻ và cực kỳ cứng đầu của những người lính Hồng Quân còn sống sót.
Người Liên Xô biết tới pháo đài anh hùng qua lời kể của… lính Đức
Do mọi đường dây liên lạc bị đã bị phá hủy, thêm vào đó là quy mô của cuộc tấn công mà Đức nhắm vào Liên Xô trên toàn tuyến biên giới là quá lớn đã khiến cho trận Pháo đài Brest chỉ đơn giản là một chấm nhỏ trên bản đồ tác chiến chiến lược tại Moscow. Không ai đoái hoài gì tới việc chi viện cho pháo đài vì đơn giản trên toàn tuyến biên giới lúc đó hoặc Hồng Quân đang bị thảm sát hoặc Hồng Quân đang rút lui. Không có một kế hoạch phản công nào được vạch ra và cũng không ai biết rằng trận Pháo đài Brest chính là nơi đầu tiên khiến người Đức phải “mất thời gian” trong khi thực hiện kế hoạch Babarossa của mình.
Chỉ đến mãi sau này, khi những người lính Hồng Quân bắt được những người lính Đức đã từng tham chiến tại khu vực của Pháo đài Brest họ mới biết đến sự quả cảm của những người Liên Xô đầu tiên đã cầm chân được lực lượng chủ lực tinh nhuệ của Đức trong một tuần đầu của cuộc chiến.
Trớ trên thay, chiến công lẫy lừng đó chỉ được người Liên Xô biết tới qua lời kể của những binh lính Đức, mọi nhân chứng về cuộc chiến tại pháo đài Brest bao gồm rất nhiều dân thường, phụ nữ và trẻ em đều đã bị bắt sau khi pháo đài thất thủ và bị đưa đến các trại tập trung của Đức. Mãi đến khi chiến tranh kết thúc người Liên Xô mới có cơ hội được nghe kể lại câu chuyện về pháo đài Brest anh hùng qua lời kể của chính những người trong cuộc, những người đã chiến đấu, thất bại và bị bắt làm tù binh ngay từ ngày đầu của cuộc chiến tranh.
|
Tượng đài với hình ảnh người lính Hồng quân đang vươn tay múc nước được chọn là biểu tượng cho cuộc chiến trong pháo đài Brest, dù rất thiếu nước và khát nhưng nước luôn được ưu tiên sử dụng cho súng máy trước, rồi đến thương binh, cuối cùng mới là binh lính. Ảnh: Belarus.
|
Tổng cộng, trong hơn một tuần cầm chân địch tại tiền đồn biên giới này, phía Hồng quân Liên Xô đã mất khoảng 8.000 lính trong đó có khoảng 2000 người thiệt mạng và hơn 6000 người bị bắt làm tù binh, phía Đức có hơn 400 người chết và khoảng 1.000 người bị thương.
Mãi đến tận sau chiến tranh các nhà khảo cổ học, sử học Liên Xô mới tìm được các tài liệu và các nhân chứng sống chứng minh cho câu chuyện về trận pháo đài Brest anh hùng này. Đến ngày 8/5/1965, pháo đài Brest được phong tặng danh hiệu Pháo đài Anh hùng nhân kỷ niệm 20 năm ngày Liên Xô đánh bại Phát-xít Đức và pháo đài còn được tặng thưởng Huân chương Lenin.
Tuấn Anh