Các thương vụ mua xe tăng Nga
Hiện tại, ngoài 2.400 xe tăng T-72 thế hệ cũ và khoảng 1.070 chiếc T-90 (nhập khẩu và sản xuất trong nước), Ấn Độ đang sở hữu 124 chiếc Arjun do chính nước này sản xuất. Từ năm 2001 đến 2013, Ấn Độ đã đầu tư không ít kinh phí để mua của Nga tổng số 640 xe tăng T-90S, 347 T-90M nâng cấp và sản xuất 235 xe tăng T-90SM với sự chuyển giao công nghệ của Nga. Ấn Độ cũng đã sản xuất mẫu T-90 "Bhisma" với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp và Nga.
|
Xe tăng Ấn Độ Ajun Mk 2. Ảnh: reddit.com. |
Theo một số nguồn tin, Ấn Độ muốn cho đến năm 2020, có trong biên chế 21 trung đoàn xe tăng T-90 và 40 trung đoàn T-72 nâng cấp, và dự kiến triển khai tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc 6 trung đoàn tăng T-90SM với tổng cộng 354 chiếc, vì thiết kế của phiên bản này tỏ ra phù hợp với điều kiện của khu vực đó; T-90 sẽ là nòng cốt của lực lượng Tăng thiết giáp Ấn Độ, với số lượng là 1.657 chiếc.
Xe tăng Arjun Mk2 được phát triển từ năm 2012 dựa trên nền tảng Arjun Mk, có khả năng bắn tên lửa LAHAT do Israel phát triển qua pháo chính, hệ thống cảnh giới laser tăng cường phòng thủ trước tên lửa của đối phương và hệ thống giáp với nhiều thành phần phức hợp từ thép, gốm và composite được gia cường. Nó được nâng cấp về hỗ trợ quan sát ảnh nhiệt, hệ thống giáp chủ động, thiết bị phá mìn, hệ thống cảm biến laser cảnh báo tên lửa phóng tới và hệ thống dẫn đường hỗn hợp.
Arjun phiên bản mới cũng được trang bị tháp pháo thu gọn hơn và hệ thống trao đổi thông tin hiện đại, một động cơ diesel công suất 1.500 mã lực, có thể đạt tốc độ tối đa 65km/h dù nặng tới 68 tấn. So với phiên bản Arjun tiêu chuẩn, Mk II có 80 thành phần được nâng cấp hoặc cải tiến, được đánh giá ngang ngửa với những dòng xe tăng hàng đầu như Leopard 2A7 của Đức, M1A2 Abrams của Mỹ hay T-90MS của Nga, thậm chí còn trên cơ T-90S mua từ Nga và AI-Khalid của Pakistan nếu đối đầu.
Mới đây, Ấn Độ đã bất ngờ quyết định chi 1,93 tỷ USD để sở hữu 464 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS do Nga sản xuất. Trong những năm qua, mức giá cao của T-90S so với các mẫu xe của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến việc Nga bị thất bại trong nhiều cuộc đấu thầu. Tuy nhiên, sau màn thể hiện hiệu quả trong Nội chiến Syria năm 2015, nhiều quốc gia đã tỏ ra quan tâm tới T-90. Với việc đặt mua một số lượng lớn xe tăng T-90MS từ Nga, dự án Ajun Mk2 đứng trước nguy cơ bị đóng lại?
Xung quanh việc Ấn Độ “kết” dòng tăng T-90 của Nga
Mới đây, theo truyền thông khu vực, Islamabad đang có kế hoạch mua 600 xe tăng chủ lực T-90 của Nga để tăng cường sức mạnh dọc Giới tuyến Kiểm soát (LoC) giữa Pakistan - Ấn Độ tại Jammu và Kashmir. Việc Pakistan mua số lượng T-90 lớn như vậy được coi là rất bất ngờ, bởi vì cách đây không lâu họ đã công bố ý định đặt hàng khoảng 100 chiếc VT4 của Trung Quốc. Rất nhiều khả năng Pakistan sẽ mua biến thể mới nhất T-90M Proryv-3, hoặc T-90MS nhằm tạo ưu thế vượt trội trước T-90 của Ấn Độ.
|
Đơn vị xe tăng Ấn Độ trong cuộc tập trận Akraman II. Ảnh: reddit.com. |
Có thể Pakistan quyết định tạo ra ưu thế trước láng giềng nhưng cũng không loại trừ khả năng đây chỉ là "đòn gió" nhằm gây nghi ngờ giữa Nga và Ấn Độ, với mong muốn New Delhi hủy hợp đồng T-90MS khi có thể đối thủ của họ cũng sẽ được trang bị dòng tăng này. Ngoài vài trăm chiếc T-80UD mua từ Ukraine, trong biên chế Quân đội Pakistan, xe tăng Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn, họ còn được cấp giấy phép để lắp ráp tại chỗ, vì vậy, việc mua số lượng lớn T-90 như trên là đáng ngờ. Sẽ có lý hơn nếu quốc gia Nam Á này mua VT4, vì gần như chắc chắn họ sẽ được hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật để sản xuất một số chi tiết ngay tại chỗ - điều gần như không thể nếu lựa chọn T-90.
Trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận kinh tế, chiến phí tại Syria cũng đang tốn kém, khoản ngoại tệ từ 600 xe tăng T90 sẽ là khoản tiền không nhỏ đối với Nga, tuy vậy, chấp thuận bán cho Pakistan số xe tăng đó, Nga có thể mất khách hàng số 1 là Ấn Độ. Với mối quan hệ khăng khít Islamabad - Bắc Kinh, rất có thể Pakistan sẽ chuyển một vài chiếc cho Trung Quốc để nghiên cứu sao chép. Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga với Pakistan thời gian qua đã có nhiều bước tiến vượt bậc, chính sách của Moscow đã thay đổi khi New Delhi giảm khối lượng vũ khí mua của họ.
Nga đã cung cấp cho Pakistan các máy bay trực thăng tấn công Mi-35 lợi hại, có thể gây thiệt hại lớn cho xe tăng Ấn Độ nếu xảy ra giao tranh. Ngay sau khi biết tin Ấn Độ không tiếp tục đặt mua chiến đấu cơ của mình, Nga đã chào hàng Pakistan tiêm kích Su-35S, đồng thời để ngỏ khả năng chế tạo riêng cho họ một biến thể từ Su-37. Tuy nhiên các hợp đồng vũ khí giữa Nga và Pakistan hầu hết mới chỉ cung cấp số lượng nhỏ, nếu thương vụ T-90 được thực thi thì sẽ là bước ngoặt lớn.
Sputnik ngày 7/5 đưa tin, Ấn Độ có kế hoạch triển khai 464 xe tăng chiến đấu T-90 do Nga sản xuất đến bang Tamil Nadu giáp biên giới Pakistan, từ năm 2022 - 2026. Sau khi xuất hiện thông tin Ấn Độ chuẩn bị đưa xe tăng tới biên giới Pakistan, phiên bản xuất khẩu T-90SM lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. T-90MS nặng 48 tấn, dài 6,8 m, rộng 3,5 m, cao 2,3 m, sử dụng động cơ diesel công suất 1.130 mã lực và hộp số tự động kiểu mới; tốc độ tối đa có thể đạt được 72 km/giờ trên đường nhựa; tầm hoạt động 550 km; trọng lượng dưới 50 tấn.
|
Xe tăng T-90MS do Nga sản xuất. Ảnh: bastion-opk.ru. |
Biến thể này được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực, bao gồm camera ảnh nhiệt thế hệ 2, kính ngắm cho pháo thủ, kính ngắm toàn cảnh tích hợp hệ thống ảnh nhiệt thế hệ ba dành cho trưởng xe. Ngoài ra, T-90MS cũng được trang bị một động cơ phụ, hoạt động khi động cơ chính được tắt nhằm giảm thiểu hao phí nhiên liệu, đồng thời giảm lượng nhiệt phát ra để tránh bị phát hiện bởi các thiết bị theo dõi hồng ngoại.
T-90MS sử dụng pháo chính cỡ nòng 125mm có khả năng bắn nhiều loại đạn và cả tên lửa chống tăng có lái dẫn bằng laser; súng phòng không 12,7mm cùng hệ thống điều khiển từ xa; được tích hợp hệ thống ngắm bắn mới, có khả năng "khóa" và tự động theo dõi mục tiêu; giáp phản ứng nổ Relikt có khả năng chống đạn xuyên phá APFSDS và đạn nổ kép HEAT; hệ thống phát hiện và đối phó với vũ khí dẫn lái bằng laser... Nó là bản tinh chỉnh của T-90M từ kinh nghiệm thực chiến ở Syria.
Ấn Độ muốn xây dựng lực lượng tăng thiết giáp mạnh và tiềm năng phòng thủ liên tục được nâng cao. Dù Lục quân Ấn Độ có nhu cầu siêu tăng Ajun Mk 2, nhưng năng lực sản xuất trong nước hạn chế, các thông số kỹ thuật chưa được hoàn chỉnh, kích thước lớn và quá nặng nề - điều khiến chúng kém cơ động; giá thành quá cao - gần gấp đôi T-90MS do Nga sản xuất.
Mối quan tâm của New Delhi về dòng tăng T-90 tăng lên sau khi khả năng chiến đấu của nó được kiểm nghiệm tại Trung Đông. Trong bối cảnh xung đột với Pakistan và mối quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua khí tài này của các quốc gia khác. Trên thị trường vũ khí Ấn Độ, Nga cạnh tranh với Mỹ và Pháp, và rõ ràng, vấn đề ở đây không chỉ là cung cấp vũ khí đơn thuần, mà còn là cạnh tranh về chính trị.
Theo Lê Ngọc/VOV