Hiện nay, Quân đội Mỹ đang được biên chế 3 loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa gồm B-52 Stratofortress, B-1B Lancer và B-2 Spirit. Tuy nhiên, do được đưa vào sử dụng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và trong Chiến tranh Lạnh nên những máy bay này đang dần hết niên hạn sử dụng đồng thời các tính năng kỹ chiến thuật đã lạc hậu so với yêu cầu và đặc điểm tác chiến mới hiện nay. Chính vì vậy, Quân đội Mỹ đã triển khai một chương trình phát triển máy bay ném bom tầm xa chiến lược thế hệ mới là LRS-B.
Theo mục tiêu của kế hoạch, Quân đội Mỹ đang thúc đẩy các nhà thầu đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2037 loại máy bay này sẽ hình thành năng lực tác chiến đấu tiên.
|
Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit. Ảnh: Wikipedia |
Các yêu cầu phát triển máy bay ném bom LRS-B
Qua nhiều lần hội thảo và tham vấn, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng 3 yêu cầu thiết kế đối với loại máy bay ném bom thế hệ mới này đối với nhà thầu gồm:
- Có kích thước lớn hơn các máy bay ném bom thế hệ cũ và có thể mang các khoang chứa vũ khí và trang bị theo phương án linh hoạt, có thể mang theo các loại vũ khí hiện có cũng như trong tương lai của Quân đội Mỹ;
- Có khả năng hành trình bay xa, đáp ứng yêu cầu tấn công nhanh trên phạm vi toàn cầu;
- Đơn giá chi phí mua sắm khống chế trong mức 550 triệu USD/chiếc.
Để giành được dự án
máy bay ném bom LRS-B, các hãng chế tạo lớn như Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman đều đưa ra quan điểm và phương án thiết kế máy bay ném bom mới của riêng họ, với hy vọng giành được giấy phép chế tạo của giới quân sự, nhằm có được dự án máy bay ném bom kiểu mới. Sau khi tính toán, cân nhắc đối với phương án mà các hãng đưa ra, Quân đội Mỹ cho rằng, phương án thiết kế của công ty Northrop Grumman là tối ưu và hợp lý hơn cả nên đã quyết định chọn nhà thầu này.
|
Máy bay ném bom chiến lược B-1B. Ảnh: Wikipedia |
Các tính năng của máy bay ném bom thế hệ mới LRS-B
- Thiết kế khí động học. Do thân máy bay ném bom lớn hơn các máy bay tác chiến thông thường, vì thế có được thiết kế hình dạng khí động tối ưu là điều đặc biệt quan trọng. Xét từ phương án máy bay ném bom LRS-B mà hãng Northrop Grumman công bố, loại máy bay này áp dụng thiết kế tích hợp cánh - thân và bố cục kiểu cánh bay. Kiểu bố cục khí động này cũng được vận dụng vào nhiều máy bay tác chiến có người/không người lái như B-2, X-47B, Neuron của châu Âu. Bố cục khoang lái, đường hút khí và cánh máy bay tương tự như B-2. Ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của bố cục kiểu cánh bay chính là giảm bớt diện tích mặt cắt phản xạ radar của máy bay, nâng cao hiệu năng tàng hình, điều này giúp tăng cường năng lực đột phá phòng thủ của máy bay ném bom, tăng khả năng sống còn trên chiến trường.
- Tính năng tàng hình. Về mặt tàng hình radar, bố cục kiểu cánh bay không đuôi sử dụng kết cấu tích hợp cánh - thân, đường gấp khúc từ trung tâm đến phần cánh ngoài ít đi, kết cấu nổi bật rõ nét thể hiện trên phần thân máy bay. Ngoài ra, LRS-B áp dụng khoang đạn lắp trong, thiết kế tối ưu hoá đường hút khí và ống xả đuôi, điều này đã làm giảm thấp diện tích phản xạ radar trên mọi hướng. Ngoài tàng hình radar, LRS-B còn sử dụng nhiều cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa thiết kế cũng như các vật liệu mới nên cũng giúp nâng cao năng lực tàng hình.
- Năng lực nhận biết tình huống. So với B-2, LRS-B sẽ tăng cường hơn nữa năng lực trinh sát đối đất, do sẽ được lắp thêm các thiết bị điện tử mới nhất, hiện đại nhất. Điều này khiến cho LRS-B không những khó bị trinh sát phát hiện, mà còn tạo ra năng lực chế áp, gây nhiễu và đánh lừa mạnh mẽ đối với hệ thống phòng không, chỉ huy thông tin của đối phương, nâng cao năng lực sống còn và tấn công cho máy bay. Theo giới chuyên gia, LRS-B sẽ sử dụng hệ thống khẩu độ mở kiểu phân bố, bao gồm hệ thống xạ tần chủ động và quang điện thụ động, có thể thực hiện do thám tốc độ cao đối với mục tiêu trên không và mặt đất. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có thể dùng để thăm dò và trinh sát điện tử trên phạm vi rộng. Ngoài ra, LRS-B sẽ sử dụng đường truyền số hiện đại nhất, có thể tiếp nhận nhanh mệnh lệnh liên quan của người chỉ huy, thay đổi kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, tấn công mục tiêu mới, đồng thời truyền phát thông tin tốc độ cao lên cấp trên và với các đơn nguyên tác chiến khác.
|
Ý tưởng thiết kế LRS-B của Northrop Grumman. Ảnh: Wikipedia |
- Vũ khí mang theo và năng lực tấn công. LRS-B là máy bay ném bom tầm xa có năng lực sống còn cao, có thể đột phá môi trường “chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực - A2/AD” tương lai và tác chiến trong môi trường đó. Do sử dụng thiết kế kết cấu mở, cho phép LRS-B cập nhật, tích hợp các kỹ thuật mới để đối phó với những mối đe doạ tương lai và nâng cao cơ hội thực hiện cải tiến nâng cấp mang tính cạnh tranh trong suốt tuổi thọ phục vụ của máy bay.
Theo Không quân Mỹ, LRS-B kiểu mới có năng lực phóng các loại vũ khí hiện có trong biên chế cũng như trong tương lai của Quân đội Mỹ, bao gồm tên lửa điều khiển chính xác kiểu mới, bom tấn công điều khiển liên quân chủng (JDAM), tên lửa hành trình tàng hình phóng từ trên không kiểu mới, vũ khí chống hạm như tên lửa chống hạm tầm xa tốc độ cận âm LRASM-A và các loại vũ khí siêu thanh có khả năng được trang bị trong thời gian tới.
Giới chuyên gia nhận định, sau khi LRS-B được đưa vào sử dụng, có nhiều khả năng sẽ phối hợp tác chiến với F-22, thực hiện tác chiến hiệp đồng giữa hai loại máy bay tàng hình. Tuy số lượng bom đạn mang theo của LRS-B không bằng B-52, nhưng lại mang được nhiều loại vũ khí điều khiển chính xác, nên hiệu quả chiến đấu vượt trội so với các máy bay ném bom thế hệ cũ. Bên cạnh đó, do năng lực tàng hình của LRS-B vượt xa B-52, nên khi phối hợp tác chiến với F-22 sẽ tạo ra mối uy hiếp cực lớn đối với bất kỳ hệ thống phòng không nào trên thế giới hiện nay. Khi đó, năng lực tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ sẽ nâng lên rõ rệt.
Lam Ngọc