Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo
Trong giai đoạn từ năm 2003 - 2007, Quân đội Mỹ tập trung nghiên cứu phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường chuyên thực hiện nhiệm vụ tấn công nhanh trên phạm vi toàn cầu (PGS). Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường là loại vũ khí lý tưởng nhất để nâng cao năng lực tấn công chính xác các mục tiêu trên phạm vi toàn cầu cho Quân đội Mỹ.
Tháng 4/2003, ba tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ là Boing, Northrop Grumman và Lookheed Martin đã đồng ý tham gia chương trình. Trong đó, Boing và Lookheed Martin đã đề xuất phương án sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường để thực hiện nhiệm vụ PGS. Đầu năm 2004, Ủy ban khoa học quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Báo cáo nghiên cứu về biện pháp thực hiện nhiệm vụ PGS, trong đó nhấn mạnh, tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường hoàn toàn có khả năng trong thời gian 1 giờ đồng hồ có thể tấn công chính xác, tốc độ cao, uy lực sát thương lớn đối với bất kỳ mục tiêu nào trên phạm vi toàn cầu.
|
Tên lửa đạn đạo Minuteman III. Nguồn ảnh: Boeing |
Cũng trong năm 2004, Không quân Mỹ đã đề xuất chương trình nâng cấp đối với tên lửa xuyên lục địa Minuteman III và Peacekeeper bằng cách trang bị thêm cho hai loại tên lửa này các đầu đạn thông thường. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2006, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết ngân sách đối với chương trình phát triển, nâng cấp này.
Đầu tháng 3/2006, Hải quân Mỹ công bố kế hoạch cải tiến đối với tên lửa Trident CTM. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành nâng cấp các tên lửa Trident CTM được trang bị trên 12 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Sau khi cải tiến, mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio sẽ được trang bị 24 quả tên lửa Trident CTM. Trong đó sẽ có 2 quả tên lửa được cải biến thành tên lửa Trident CTM thông thường, mỗi quả CTM sẽ mang 4 đầu đạn thông thường thay vì đầu đạn hạt nhân như trước đây. Trident CTM là loại tên lửa có tầm bắn lên tới 2.400km, mang được đầu đạn nặng 900kg, với sai số chỉ là 5m.
Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị bay siêu âm
Từ năm 2008 đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung nhiều nguồn tài nguyên hơn vào các chương trình phát triển thiết bị bay siêu âm với mục đích biến các thiết bị bay này thành công cụ chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ PGS. Bởi vì, các thiết bị bay siêu âm có quỹ đạo bay theo chiều ngang nên sẽ giảm thiểu những đánh giá nhầm lẫn cho rằng đó là tên lửa hạt nhân qua đó giảm nguy cơ xung đột.
|
Hình ảnh giả định LRS-B. Ảnh: Vietnamdefence.com |
Năm 2008, nhằm đẩy mạnh hơn nữa chương trình nghiên cứu phát triển đối với thiết bị bay siêu âm, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi ngân sách khoảng 56 triệu USD. Khoản ngân sách này được dùng cho việc chế tạo và hoạt động thử nghiệm đố với thiết bị bay siêu âm HTV-2. Chương trình phát triển thiết bị bay siêu âm HTV-2 do Cục kế hoạch nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) khởi động từ năm 2003. Trong các năm 2009, 2010 và 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi lần lượt 42 triệu USD, 90 triệu USD và 51,8 triệu USD cho chương trình này. Trong năm 2010 và 2011, thiết bị bay siêu âm HTV-2 đã bay thử nghiệm thành công với tốc độ bay đo được lên tới gần 20 Mach.
Năm 2014, DARPA và Không quân Mỹ đã cùng nhau khởi động dự án thiết bị bay hỗ trợ chiến thuật (TBG). Dự án TBG là dự án kéo dài của chương trình phát triển HTV-2. Mục tiêu là trên cơ sở thiết bị bay HTV-2, TBG sẽ đột phá về kỹ thuật khí động học và khắc phục hạn chế của vật liệu chế tạo qua đó tiến tới phát triển thiết bị này có thể bố trí trên không và trên hạm.
Chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa
Năm 1999, Quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ Quốc phòng và lực lượng Không quân phải xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa cho tương lai. Trong bối cảnh đó, tháng 3/1999, Không quân Mỹ đã công bố Lộ trình phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Lộ trình này xác định việc nâng cấp, cải tiến đối với các máy bay ném bom chiến lược như B-1, B-2 và B-52. Các hạng mục xác định được nâng cấp, cải tiến bao gồm: hệ thống nhận biết tình hình chiến trường SA, năng lực sinh tồn, năng lực duy trì tác chiến.
Trong giai đoạn 2001 - 2004, Mỹ chủ yếu tập trung cải tiến, nâng cấp đối với các loại máy bay ném bom chiến lược có trong biên chế. Không quân Mỹ cho rằng, thông qua các biện pháp nâng cấp này sẽ kéo dài niên hạn sử dụng đối với các máy bay ném bom tới năm 2040 qua đó đáp ứng một phần nhu cầu tấn công tầm xa.
|
Hình ảnh giả định LRS-B. Ảnh: Vietnamdefence.com |
Năm 2007, Không quân Mỹ đã công bố Sách trắng tấn công tầm xa. Sách trắng đề xuất 3 giai đoạn phát triển biên đội máy bay ném bom theo hướng hiện đại hóa gồm: Giai đoạn 1 sẽ tiến hành nâng cấp, cải tiến đối với các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H, B-1B và B-2A; giai đoạn 2 sẽ tiến hành phát triển máy bay ném bom thế hệ mới (NGB), đây là giai đoạn quá độ để hình thành các máy bay ném bom thế hệ mới, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành năng lực IOC; giai đoạn 3 sẽ phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa hoàn toàn mới. Đây là loại máy bay mới hoàn toàn, mang tính cách mạng và có nhiều đột phá về công nghệ, phấn đấu đến năm 2037 sẽ hình thành năng lực IOC.
Năm 2011, Không quân Mỹ đã khởi động chương trình phát triển máy bay ném bom tấn công tầm xa (LRS-B), dự kiến Không quân Mỹ sẽ mua khoảng 100 chiếc loại này đồng thời phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành năng lực IOC. So với chương trình NGB, chương trình LRS-B có một số đặc điểm chủ yếu sau: Yêu cầu cao hơn đối với phạm vi tác chiến và phải giảm được tối đa giá thành sản phẩm; là một bộ phận quan trọng của Hệ thống Family of systems (hệ thống này gồm các thành phần như tên lửa hành trình thế hệ mới đang trong giai đoạn phát triển và máy bay tàng hình không người lái).
Tháng 6/2014, Không quân Mỹ tiếp tục công bố thư mời thầu chương trình LRS-B đối với Tập đoàn Northrop Grumman, Công ty Boing và Tập đoàn Lookheed Martin. Ngày 27/10/2015, Không quân Mỹ tuyên bố Tập đoàn Northrop Grumman đã trúng thầu đối với chương trình LRS-B với giá trị bản hợp đồng lên tới 21,4 tỷ USD. LRS-B sẽ thay thế cho các máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ cũ của Không quân Mỹ, với năng lực tác chiến mạnh hơn, khả năng sinh tồn tốt hơn, bán kính hoạt động xa hơn và có đủ khả năng xuyên thủng hệ thống A2/AD.
Lam Ngọc