Mỹ đang che giấu kho vũ khí chiến lược?
Nga cáo buộc Mỹ đang lặng lẽ tái phân loại các hệ thống vũ khí hạt nhân trong một động thái nhằm che giấu quy mô thực sự của kho vũ khí chiến lược mà Mỹ sở hữu, vốn trước đó bị hạn chế bởi Hiệp ước giữa 2 quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị Chính sách Hạt nhân Quốc tế Carnegie 2019, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson đã thể hiện sự phản đối ngày 11/3 với quan điểm cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump "không hứng thú" với việc mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 (START). Hiệp ước này là sự mở rộng của START I năm 1991 được thiết lập nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, bà Thompson cũng cho biết "chúng tôi vẫn còn 2 năm để đưa ra quyết định về sự mở rộng này".
|
Nga cáo buộc Mỹ che giấu các vũ khí hạt nhân. Ảnh: Department of Defense |
Bộ Ngoại giao Nga với cáo buộc Mỹ không mấy mặn mà với việc gia hạn Hiệp ước START vào năm 2021 đã bày tỏ phản ứng ngày 13/3 trong một tuyên bố rằng "sự mở rộng Hiệp ước START mới không chỉ là một thủ tục mang tính hình thức" và "Mỹ sẽ phải hoàn thành mọi nghĩa vụ được quy định trong Hiệp ước này" trước khi hai nước bước vào các cuộc đàm phán.
"Chúng tôi phải khẳng định rằng mặc dù Washington luôn khẳng định họ tuân thủ Hiệp ước nhưng thực tế thì họ đã đạt được các mức độ cắt giảm vũ khí thông qua những con số không đáng tin. Họ đạt được các mức độ cắt giảm theo thỏa thuận không phải chỉ qua việc cắt giảm đơn thuần mà còn qua sự tái phân loại đơn phương và bất hợp pháp của chính họ đối với một trăm hệ thống tấn công chiến lược. Đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết trước khi bất kỳ cuộc thảo luận nào về sự mở rộng Hiệp ước diễn ra", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Các điều khoản trong Hiệp ước START I được ký kết bởi Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã hạn chế số lượng vũ khí mà 2 nước được triển khai xuống còn 6.000 đầu đạn hạt nhân và 1.600 bệ phóng. Những loại vũ khí này bao gồm 4.900 đầu đạn dành cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm dưới biển (SLBM); 1.540 đầu đạn cho không quá 154 tên lửa ICBM hạng nặng và 1.100 đầu đạn cho các tên lửa ICBM di động.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Dmitry Medvedev đã ký lại Hiệp ước START mới vào năm 2010 và thỏa thuận này đã tiến xa hơn khi giới hạn Mỹ và Nga chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn cho các loại tên lửa ICBM, SLBM và các loại máy bay ném bom hạng nặng.
Cả hai Hiệp ước START đều bắt buộc 2 bên phải trao đổi dữ liệu hạt nhân để đảm bảo quá trình tuân thủ Hiệp ước. Số liệu gần đây nhất do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào tháng 9/2018 cho thấy Mỹ hiện sở hữu 1.398 đầu đạn. Trong khi đó, số liệu các đầu đạn của Nga là 1.420.
Nga lo ngại nguy cơ “chạy đua vũ trang”
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần khẳng định với Nga về việc Washington luôn tuân thủ Hiệp ước nhưng các quan chức Nga vẫn bày tỏ lo ngại về tính chính xác từ các số liệu của Mỹ. Tháng 4/2018, một phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc nhận định rằng "các số liệu mà Mỹ công bố không chỉ đạt được qua việc cắt giảm vũ khí thực sự mà còn được thực hiện qua nhiều "mánh khóe" không phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cảnh báo về nguy cơ của một cuộc "chạy đua vũ trang" nếu Hiệp ước START mới sụp đổ. Ông cũng cho biết mặc dù Nga đã nhiều lần thảo luận với Mỹ về Hiệp ước này nhưng không nhận được sự phản hồi nào từ Washington.
"Do đó tôi tin là có một nguy cơ đang gia tăng trong bối cảnh chính quyền Mỹ tiếp tục một cách có chủ ý khi thảo luận về vấn đề này như thể chúng ta còn nhiều thời gian và không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu Hiệp ước này hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021, đó sẽ là một cú sốc đáng kể với hệ thống kiểm soát vũ khí trên thế giới", ông Ryabkov cho biết.
Những bình luận của ông Ryabkov được đưa ra vào thời điểm 2 tuần sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Nga tăng lên khi Nhà Trắng rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà 2 nước ký kết với nhau năm 1987. Nga và Mỹ đều cáo buộc nhau đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, đồng thời phủ nhận các cáo buộc từ phía đối phương.
Sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ tăng cường đưa ra "các lựa chọn phản ứng quân sự của riêng mình" và hợp tác với NATO cùng với các đồng minh và các đối tác để ngăn cản Nga phát triển khả năng quân sự bất hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cảnh báo, Nga không chỉ có khả năng nhắm vào các địa điểm đặt tên lửa của Mỹ ở châu Âu mà "những trung tâm ra quyết định" nhằm ứng phó với Mỹ chỉ cần mất vài phút để thực hiện một cuộc tấn công như vậy.
Theo Kiều Anh/VOV.VN