Những điểm yếu chí tử của tên lửa hành trình Tomahawk

Google News

(Kiến Thức) - Được Mỹ đưa vào trang bị từ năm 1983 tới nay, tên lửa hành trình Tomahawk đã tham gia rất nhiều trận đánh và để lộ không ít điểm yếu của mình.

Tomahawk được coi là một trong các loại tên lửa hành trình nổi tiếng nhất thế giới, nó không chỉ được sử dụng như một biểu tượng sức mạnh của Mỹ trong các chiến dịch lớn với vai trò là một loại vũ khí phủ đầu đối phương, nó còn được xuất hiện rất nhiều trên phim ảnh với vai trò một “xứ giả của thần chết”.

Tuy vậy, dù có hiện đại và nổi tiếng đến đấu thì tên lửa hành trìnhTomahawk vẫn có một loạt các điểm yếu chí tử của mình và nhất là không thể nào khắc phục được.

Nhung diem yeu chi tu cua ten lua hanh trinh Tomahawk
 Tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: Thaimilitary.

Các thông số kỹ thuật cơ bản của tên lửa hành trình Tomahawk bao gồm: Khối lượng 1,3 tấn, chiều dài 6,25 mét (kèm với tầng khởi tốc), đường kính khoảng 0,52 cm. Tên lửa Tomahawk sử dụng động cơ phản lực cánh quạt đẩy và nhiên liệu rắn để phóng, nó có một sải cánh gấp trong thân có độ dài tổng cộng 2,67 mét, sau khi xuất phát được khoảng 10 giây, sải cánh này sẽ bật ra và bắt đầu chỉnh hướng bay của tên lửa. Tầm hoạt động của Tomahawk vào khoảng từ 1.300 tới 2.500 km với tốc độ cận âm khoảng 880 km/h và sử dụng hệ thống điều khiển GPS, TERCOM, DSMAC hỗn hợp.

Tên lửa “mù đường”

Điểm yếu đầu tiên của loại tên lửa này đó là hệ thống dẫn đường của nó không thể hoạt động được khi phải tìm mục tiêu ở các khu vực phức tạp.

Cơ chế dẫn đường tốt nhất của tên lửa hành trình Tomahawk là TERCOM, cơ chế này đòi hỏi các bản đồ vệ tinh về đường bay và mục tiêu cần phải nạp sẵn vào hệ thống máy tính của tên lửa trước khi nó được phóng đi. Tuy nhiên ở những khu vực hoang vu hẻo lánh, ảnh vệ tinh thường có độ nét không cao, thời gian cập nhật lâu và có sai số lớn so với thực tế. Chính điều đó có thể khiến cho các quả tên lửa Tomahawk bay nhầm đường do thông tin tình báo từ các hình ảnh vệ tinh sai dẫn đến các tham số về tọa độ, góc bay sai so với thực tế và khiến quả tên lửa trị giá 1,6 triệu USD này không bao giờ đến được mục tiêu.

Cơ chế dẫn đường DSMAC cũng không khá khẩm hơn là bao, cơ chế này cho phép tên lửa cập nhật hành trình và tọa độ mục tiêu liên tục trong quá trình bay, khiến các tham số được nạp vào tên lửa theo thời gian thực có tính chính xác cao. Tuy nhiên cách thức dẫn đường này lại đòi hỏi hệ thống liên kết dữ liệu có tốc độ cao và việc truyền nhận hình ảnh sẽ có độ trễ khoảng 1-2 giây. Mặc dù vậy nhược điểm lớn nhất của hệ thống này đó là nó dễ bị đánh lừa bởi các hệ thống ngụy trang gây nhiễu và các thiết bị làm nhiễu hồng ngoại có thể khiến quả tên lửa bị trục trặc trong quá trình bay.

Ngoài ra phương pháp dẫn đường DSMAC cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như điều kiện thời tiết bên ngoài, trong điều kiện thời tiết mưa gió hoặc bão, nó có thể làm cản trở tín hiệu dẫn đường được truyền và gửi liên tục tới tên lửa khiến quá trình điều chỉnh quỹ đạo đường bay bị gián đoạn, dẫn đến việc thiếu chính xác khi đến mục tiêu.

Cuối cùng là cơ chế dẫn đường bằng GPS, dạng này đơn giản và đáng tin cậy trong điều kiện thử nghiệm. Trong điều kiện chiến đấu thực tế, dẫn đường bằng GPS có thể dễ dàng bị gây nhiễu thậm chí bị chặn khiến tên lửa mất tín hiệu dẫn đường từ vệ tinh làm cho nó bay liên tục đến bao giờ hết nhiên liệu sẽ tự rơi và chắc chắn không thể đến được mục tiêu.

Độ chính xác cao, nhưng vận tốc quá chậm

Dù tên lửa hành trình Tomahawk có tốc độ 800 km/h tương đương với tốc độ của một máy bay chở khách thông thường. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn là quá chậm khiến nó có thể dễ dàng bị đánh chặn bởi pháo phòng không hay tên lửa vác vai. Thêm vào đó là chiến thuật phóng một lúc nhiều tên lửa hành trình Tomahawk với quỹ đạo bay đồng loạt giống nhau của Mỹ khiến việc đánh chặn loại tên lửa này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đối phương có đủ thông tin tình báo và thời gian để thiết lập một hệ thống phòng không nhiều tầng.

Nhung diem yeu chi tu cua ten lua hanh trinh Tomahawk-Hinh-2
 Tên lửa hành trình Tomahawk thường được phóng đồng loạt với số lượng lớn để đạt hiệu xuất "phủ đầu" ở mức tối đa. Ảnh: Vice.

Ví dụ như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tổng cộng có 288 quả tên lửa Tomahawk được phía Mỹ bắn đi nhưng có tới 29 quả tương đương với khoảng 10% đã bị quân đội Iraq đánh chặn được. Hay như trong năm 1999, lực lượng phòng không Nam Tư đã bắn hạ được khoảng 40 quả tên lửa hành trình Tomahawk, đạt tỉ lệ 20%, trong đó có rất nhiều tên lửa Tomahawk đã bị bắn hạ bởi các máy bay tiêm kích đánh chặn của Không quân Nam Tư.

Rõ ràng, để có được độ chính xác gần như tuyệt đối (sai số chệch mục tiêu dưới 5 mét) thì các kỹ sư thiết kế tên lửa Tomahawk đã phải đánh đổi tốc độ của nó, điều này cũng đồng nghĩa với việc một số lượng lớn các tên lửa hành trình có thể sẽ bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không – không quân đối phương hay thậm chí các loại vũ khí bộ binh thông thường trong một điều kiện lý tưởng nào đó hoàn toàn có thể bắn hạ được những quả tên lửa trị giá triệu rưỡi USD này một cách dễ dàng.

Cuối cùng là vấn đề giá thành

Tên lửa hành trình Tomahawk có giá thành quá cao, lên tới 1,6 triệu USD cho mỗi quả (đơn giá năm 2014). Chính vì vậy, để sử dụng loại tên lửa này một cách có lãi cần đòi hỏi nguồn tin tình báo chính xác để có thể tiêu diệt được các mục tiêu giá trị cao của đối phương.
Ví dụ như trong đợt tấn công vừa rồi với 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ phóng vào Syria, phía Bộ Quốc Phòng Nga cho hay chỉ có 22 quả tên lửa Tomahawk bay đến được mục tiêu gây thiệt hại 9 máy bay, 1 trạm dụng cụ  và khiến 2 người mất tích, 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương. So với cái giá cả trăm triệu USD mà Mỹ chi ra để phóng 59 quả tên lửa thì rõ ràng thiệt hại của phía đối phương là không đáng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các lực lượng phiến quân và khủng bố có lối đánh du kích rất khó chịu thì dường như các thông tin tình báo mà Mỹ có được trong tay hoàn toàn là không đủ để có thể kiếm được một mục tiêu nào có giá trị tương đương với quả tên lửa này.
Nhật Vi