Tặng Myanmar tàu ngầm, Ấn Độ muốn giành lại ảnh hưởng từ Trung Quốc

Google News

Việc Ấn Độ tặng tàu ngầm lớp Kilo cho Myanmar được các chuyên gia đánh giá là nỗ lực nhằm đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Tàu ngầm Ấn Độ mới chuyển giao cho Myanmar chạy bằng năng lượng disel và từng được biên chế trong lực lượng hải quân nước này từ 1988 với tên hiệu INS Sindhuvir. Tàu được tân trang trước khi bàn giao cho quốc gia láng giềng Đông Nam Á.
Với lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn, độ sâu hoạt động tối đa ở 300 m, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ, đây sẽ là tàu ngầm đầu tiên của Myanmar, theo Nikkei Asia.
Tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh
"Hợp tác trên biển là một phần trong các hoạt động hợp tác đa dạng và ngày càng được củng cố với Myanmar", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết.
Ông Srivastava tuyên bố việc chuyển giao tàu ngầm cho Myanmar phù hợp với tầm nhìn "an ninh và phát triển cho toàn khu vực". Đây cũng là động thái thể hiện cam kết của New Delhi giúp củng cố năng lực và tự chủ của các quốc gia láng giềng, ông Srivastava nói.
Tang Myanmar tau ngam, An Do muon gianh lai anh huong tu Trung Quoc
Tàu ngầm UMS Minye Theinkhathu. Ảnh: AP.
Tuần qua, tàu ngầm Kilo Ấn Độ chuyển giao đã được Myanmar ra mắt trong một hoạt động của lực lượng Hải quân. Con tàu nay mang tên UMS Minye Theinkhathu, tên một anh hùng trong lịch sử Myanmar.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, đại tướng Min Aung Hlaing, nhấn mạnh nước này sẽ tăng cường năng lực của lực lượng tàu ngầm, nhằm hiện đại hóa Hải quân.
Tuyên bố của ông Aung Hlaing được đưa ra sau chuyến thăm Myanmar của Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane và Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla hôm 4-5/10. Làm việc với hai quan chức Ấn Độ là các lãnh đạo cấp cao Myanmar, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Ấn Độ và Myanmar đã nhất trí củng cố quan hệ đối tác bằng các dự án kết nối, thương mại, và trao đổi quốc phòng ở cả ba binh chủng hải, lục và không quân.
Myanmar là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có chung đường biên giới với Ấn Độ. Biên giới trên đất liền giữa hai nước kéo dài hơn 1.600 km, trong khi biên giới trên biển dài khoảng 725 km trên vùng biển vịnh Bengal.
Trong tầm nhìn của Ấn Độ, Myanmar được coi là cửa ngõ dẫn tới Đông Nam Á, khu vực New Delhi đang tìm kiếm sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn, thông qua chính sách "Hành động hướng Đông".
Myanmar đồng thời là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh ASEAN cần đóng vai trò trung tâm tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm tạo ra thế cân bằng trước một Trung Quốc ngày càng lấn át ở khu vực.
"Quyết định chuyển giao tàu ngầm cho Myanmar có vẻ như là chiến lược đã có tính toán kỹ lưỡng", Shamshad Ahmad Khan, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở ở New Delhi, đánh giá.
Bằng cách trang bị vũ khí quốc phòng quan trọng như vậy cho Myanmar, Ấn Độ rõ ràng đang tìm cách củng cố năng lực quốc phòng của láng giềng phía đông nhằm cân bằng sức mạnh trước Trung Quốc, ông Khan nói.
Trong bối cảnh đối đầu căng thẳng ở biên giới Ấn - Trung đã kéo dài nhiều tháng, dường như Ấn Độ "đang ngày càng quan tâm tới quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh" từ các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với Hải quân Trung Quốc, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhận định.
Myanmar bắt đầu cảnh giác
N.C. Bipindra, nhà phân tích quốc phòng và đối ngoại của hãng tin Defence.Capital đánh giá việc Ấn Độ chuyển giao tàu ngầm cho Myanmar là "đòn phản công đối với Trung Quốc", khi Bắc Kinh từ lâu xâm nhập vào nền kinh tế và quốc phòng Myanmar.
Ông Bipindra cho biết Myanmar có kế hoạch mua thêm tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Lô tàu ngầm này dự kiến được chuyển giao sau vài năm.
Trong khi đó, tàu ngầm INS Sindhuvir sẽ được Myanmar sử dụng trong công tác đào tạo, giúp binh sĩ nước này sẵn sàng vận hành các tàu ngầm được chuyển giao từ Nga.
Đáng chú ý, kế hoạch mua tàu ngầm từ Nga được công bố sau khi quốc gia láng giềng là Bangladesh tiếp nhận hai tàu ngầm diesel lớp Ming do Trung Quốc sản xuất.
"Bangladesh tình cờ có kế hoạch xây dựng một căn cứ tàu ngầm với sự trợ giúp của Trung Quốc", ông Bipindra nói.
Myanmar dường như không muốn tiếp tục coi Trung Quốc là nhà cung cấp trang thiết bị quốc phòng duy nhất. "Không thể phủ nhận Bắc Kinh sẽ khó chịu trước động thái này", Pankaj Jha, giáo sư quân sự và nghiên cứu chiến lược của Đại học O.P. Jindal Global, nhận xét.
Ông Jha cho rằng, với việc đa dạng hóa nguồn cung cấp, Myanmar có thể dễ dàng tiếp cận các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn, so với việc chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tang Myanmar tau ngam, An Do muon gianh lai anh huong tu Trung Quoc-Hinh-2
Một nhóm vũ trang kiểm soát khu vực Pansang tại biên giới Myanmar - Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Việc củng cố quan hệ quốc phòng với Myanmar là một phần trong chiến lược lớn hơn của Ấn Độ, giáo sư Đại học O.P. Jindal Global nói.
"Ấn Độ đã có hợp tác an ninh hàng hải với Sri Lanka và Maldives, New Delhi nay quan tâm tới cơ chế tương tự với Myanmar và Thái Lan, qua đó giúp họ bảo vệ vịnh Bengal", ông Jha nói.
Vịnh Bengal nằm ở Đông Bắc Ấn Độ dương, nơi có tuyến đường vận tải biển trọng yếu đối với Ấn Độ đi qua. New Delhi hiện đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với các nước ở khu vực.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực thúc đẩy chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm" của nhóm Bộ Tứ. Mục tiêu của chiến lược này là kiềm tỏa ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ở Myanmar, Trung Quốc đang thúc đẩy một dự án xây dựng cảng nước sâu tại Kyauphyu. Cảng này sẽ được kết nối với tỉnh Vân Nam bằng hệ thống đường bộ và đường sắt kết hợp.
Kyauphyu là cái gai trong mắt Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, lo ngại cảng này sẽ bị Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.
Bất chấp hợp hợp tác quốc phòng với Trung Quốc đã có lịch sử hàng chục năm, từ giai đoạn bị phương Tây ghẻ lạnh vào thập niên 1990 và 2000, giới lãnh đạo quân sự Myanmar hiểu rõ tham vọng và "chiêu trò" của Bắc Kinh.
Trung Quốc duy trì những quan hệ không chính thức với nhiều nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới hai nước. Myanmar coi các nhóm vũ trang này là mối đe dọa tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tháng trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á David Stilwell từng lên tiếng cảnh báo về sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho các nhóm vũ trang ở Myanmar.
"Chúng tôi quan ngại trước nhiều báo cáo thống nhất về tình trạng vũ khí Trung Quốc rơi vào tay các nhóm vũ trang ở Myanmar, điều này khiến bất ổn khu vực càng thêm nghiêm trọng", ông Stilwell cho biết.
Theo Duy Anh/Zing