Tàu sân bay Liêu Ninh: Vũ khí hiện đại hay "hổ giấy"

Google News

(Kiến Thức) - Tàu sân bay Liêu Ninh được coi là biểu tượng cho sự lớn mạnh của Bắc Kinh nhưng vẫn còn kém xa so với hạm đội Mỹ.

Trong một bài xã luận đăng trên Global Times (tờ báo thuộc Nhân dân nhật báo), tái khẳng định những gì các nhà phân tích quân sự đề cập trong nhiều năm qua. Trung Quốc muốn phát triển tàu sân bay duy nhất thành lực lượng lớn nhằm cạnh tranh với Mỹ.

Bài xã luận đăng vào ngày 25/12, thời điểm tàu sân bay Liêu Ninh rời cảng lần đầu tập trận ở tây Thái Bình Dương cảnh báo Mỹ về những gì có thể xảy ra tiếp theo. “Sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ tiến đến đông Thái Bình Dương. Một ngày nào đó, khi hạm đội tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển Mỹ”, trích bài xã luận đăng trên Global Times.

Cuộc tập trận xa khơi lần đầu của tàu sân bay Liêu Ninh không nhằm khiêu khích Mỹ, cũng không tái định hình cấu trúc chiến lược hàng hải. Nhưng nếu hạm đội Trung Quốc có thể tiến vào khu vực mà Mỹ có lợi ích cốt lõi, khi đó, các tình huống Mỹ đơn phương áp đặt lên Trung Quốc sẽ thay đổi.

Bài xã luận kêu gọi quân đội Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ đóng mới tàu sân bay trong nước để hình thành khả năng chiến đấu. Ngoài ra, Trung Quốc cần nghĩ đến việc thiết lập điểm cung cấp cho hải quân ở Nam Mỹ.

Vũ khí hiện đại?

Nhận xét về tàu sân bay Liêu Ninh cũng như tham vọng của hải quân Trung Quốc, nhà phân tích quân sự Dave Majumdar cho rằng, kể từ khi Thế chiến II kết thúc, hạm đội tàu sân bay Mỹ thống trị mọi đại dương. Ngay cả Liên Xô ở thời kỳ thịnh vượng nhất cũng chưa thực sự đủ khả năng thách thức Mỹ.

Tau san bay Lieu Ninh: Vu khi hien dai hay
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik 

Tuy vậy, hải quân Trung Quốc (PLAN) ngày càng tạo ra nhiều mối lo ngại về khả năng thách thức Mỹ. Những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô chủ yếu tập trung vào chiến lược “xua đuổi trên biển” bằng cách sử dụng kết hợp máy bay ném bom hàng hải Tu-22 Backfire, tàu ngầm và tàu chiến mặt nước mang tên lửa hành trình tầm xa.

PLAN dường như cũng áp dụng chiến lược tương tự nhưng Trung Quốc nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng hải quân nước xanh, để một ngày nào đó có thể thách thức hải quân Mỹ trên các đại dương.

Nhằm rút ngắn thời gian, Trung Quốc chọn giải pháp tân trang lại tàu sân bay Varyag (cùng lớp với hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov của Nga) đang đóng dỡ của Liên Xô trước đây. Con tàu được tái trang bị và đưa vào sử dụng với tên gọi Liêu Ninh.

Trung Quốc nhiều lần khẳng định, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ phục vụ cho mục đích đào tạo, nhằm phát triển những kỹ năng vận hành tàu sân bay trong tương lai. Đó là một kỹ năng mà hải quân Mỹ phải mất nhiều thập kỷ để làm chủ.

Bắc Kinh được cho là mua lại nguyên mẫu T-10K của tiêm kích trên hạm Su-33 do Liên Xô chế tạo từ Ukraine để phát triển thành J-15. Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển máy bay hỗ trợ để sử dụng trên tàu sân bay tương lai.

Hiện tại, Liêu Ninh có thể mang theo 24 tiêm kích trên hạm J-15, 6 trực thăng chống ngầm Z-18F, 4 trực thăng cảnh báo sớm Z-18J và 2 trực thăng cứu hộ Z-9C.

Năng lực hạn chế

Trong báo cáo của Lầu Năm Góc về sức mạnh hải quân Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh cũng phi đội của nó với cấu hình như hiện tại không đủ khả năng triển khai sức mạnh tầm xa, thậm chí khi đi vào hoạt động đầy đủ.

Liêu Ninh quá nhỏ và chỉ phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ hạm đội, mở rộng phạm vi phòng không cho các hoạt động xa bờ. “Liêu Ninh không cho phép triển khai sức mạnh tầm xa tương tự như siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Mỹ”, trích báo cáo của Lầu Năm Góc.

J-15 được cho là có khả năng cơ động tốt hơn so với tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet của Mỹ. Tuy nhiên, Liêu Ninh sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” dẫn đến máy bay phải hạn chế tải trọng vũ khí và nhiên liệu.

Tau san bay Lieu Ninh: Vu khi hien dai hay
Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: SCMP 

Trung Quốc cũng thừa nhận hạn chế này và đang lên kế hoạch đóng mới tàu sân bay sử dụng máy phóng hơi nước. Tàu sân bay mới sẽ cho phép tiêm kích J-15 hoạt động với tải trọng nhiên liệu và vũ khí đầy đủ.

Tuy vậy, Trung Quốc sẽ tốn khá nhiều thời gian để xây dựng hạm đội tàu sân bay đủ khả năng thách thức Mỹ. Hải quân Mỹ vốn có nhiều kinh nghiệm xây dựng và vận hành tàu sân bay cũng phải mất hơn một thập kỷ để xây dựng siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz.

Trong khi đó, Trung Quốc không có kinh nghiệm đóng mới các tàu chiến cỡ lớn, ngay cả tàu sân bay hạng trung như Liêu Ninh được hoàn thành cấu trúc khung tại nhà máy đóng tàu ở bán đảo Crimea.

Ngay cả khi Trung Quốc đóng mới thành công tàu sân bay, điều đó vẫn chưa đủ để thách thức hải quân Mỹ. Super Hornet có thể không phải là chiến đấu cơ nhanh hoặc cơ động nhất nhưng nó sở hữu hệ thống cảm biến tuyệt vời.

Mạng điều khiển hỏa lực hàng hải tích hợp (NIFC-CA) cho phép kết hợp cảm biến của tiêm kích F/A-18, máy bay tác chiến điện tử EA-18G, máy bay cảnh báo sớm E-2D và các tàu chiến thành một thể thống nhất giúp nâng cao hiệu suất tác chiến.

Ông Majumdar kết luận, Trung Quốc cần nhiều thập kỷ để xây dựng hạm đội tàu sân bay đủ khả năng thách thức Mỹ.

Quốc Minh