Với chiến lược quốc phòng tập trung vào lực lượng mặt đất, Liên Xô vật lộn với kế hoạch phát triển hạm đội tàu sân bay trong phần lớn lịch sử và các kế hoạch phát triển siêu tàu sân bay đã chết theo sự sụp đổ của Liên Xô.
Nga kế thừa một tàu sân bay hạng trung vào cuối Chiến tranh Lạnh và vẫn còn hoạt động đến hôm nay. Dù có nhiều dự án phát triển tàu sân bay, Liên Xô trước đây và Nga hiện nay chưa bao giờ có hạm đội tàu sân bay hoạt động tích cực.
Lịch sử hàng không hải quân Liên Xô
Liên Xô đã có nhiều nỗ lực phát triển sớm các tàu sân bay trong lịch sử. Tuy nhiên, Moscow thiếu nguồn lực cần thiết, kết hợp với địa lý nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng mặt đất nên tàu sân bay không được đầu tư một cách nghiêm túc.
Những năm đầu Chiến tranh Lạnh, tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô là Moskva và Leningrad, một cặp tàu sân bay trực thăng được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Các tàu này có thiết kế lai giữa chiến hạm và tàu sân bay với lượng choán nước hơn 17.000 tấn. Mỗi tàu có thể mang theo 18 trực thăng.
|
Tàu sân bay lớp Kiev của Liên Xô bên cạnh tàu chở dầu trong một nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Moskva được đưa vào hoạt động từ năm 1967, Leningrad hoạt động từ năm 1969. Tiếp nối thành công ban đầu, Liên Xô phát triển tiếp tàu sân bay lớp Kiev, một thiết kế gần gũi hơn với hàng không mẫu hạm đúng nghĩa. 4 tàu lớp Kiev được chế tạo, mỗi tàu lại có thiết kế hơi khác nhau một chút. Lớp Kiev có lượng choán nước 45.000 tấn và có thể mang theo 30 máy bay các loại.
Những tàu lớp Kiev đều bị loại bỏ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. 2 tàu lớp Kiev được bán cho Trung Quốc làm bảo tàng. Một tàu được bán cho Ấn Độ và hoán cải thành tàu sân bay INS Vikramaditya.
Trong những năm 1980, Liên Xô bắt tay xây dựng 2 tàu sân bay đúng nghĩa lớp Kuznetsov, dù chỉ có một tàu được hoàn thành khi trước khi Liên Xô sụp đổ. Một tàu đang đóng dang dỡ thuộc quyền sở hữu của Ukraine, sau đó bán lại cho Trung Quốc và trở thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Một tàu sân bay duy nhất
Hiện tại, Hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động là Đô đốc Kuznetsov. Tuy nhiên, con tàu thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật. Kuznetsov có thiết kế đường băng kiểu “nhảy cầu”, lượng choán nước khoảng 60.000 tấn. Tàu có thể mang theo 40 máy bay các loại.
Tiêm kích trên hạm chủ lực của Kuznetsov là Su-33 và MiG-29K cùng các máy bay trực thăng cho nhiệm vụ săn ngầm, cảnh báo sớm và vận tải. Giống các tàu sân bay trước đó, Kuznetsov được vũ trang với tên lửa chống hạm hạng nặng.
|
Tiêm kích trên hạm Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Thật không may, Kuznetsov thường xuyên gặp trục trặc gây khó khăn cho các phi công. Con tàu trải qua nhiều sự cố liên quan đến động cơ và hệ thống cáp hãm đà. Những lỗi kỹ thuật này phần lớn bắt nguồn từ sự suy thoái kinh tế thời hậu Xô Viết, dẫn đến thiếu kinh phí cho hoạt động bảo trì. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là kết quả không thể tránh khỏi của sự thiếu kinh nghiệm trong phát triển tàu sân bay.
Trong gần 30 năm phục vụ, tàu sân bay Kuznetsov mới chỉ triển khai chiến đấu một lần duy nhất tại Syria vào năm 2016. Sau cuộc hải trình đến Địa Trung Hải gây nhiều chú ý cho phương Tây, Kuznetsov đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong 2 tháng.
Giới phân tích cho rằng hoạt động của tàu sân bay Kuznetsov mang tính chất quảng bá nhiều hơn là hiệu quả quân sự. Một MiG-29K và Su-33 bị rơi trong quá trình làm nhiệm vụ. Kuznetsov đang được đại tu tại nhà máy đóng tàu ở Murmansk, dự kiến kéo dài trong 3 năm.
Tái thiết
Liên Xô đã lên nhiều kế hoạch chế tạo siêu tàu sân bay nhưng chúng lần lượt bị hủy bỏ. Trong những năm 1970, Liên Xô lên kế hoạch đóng mới tàu sân bay lớp Orel với lượng choán nước 72.000 tấn. Nhưng các nhà hoạch định chiến lược Liên Xô đã chọn thiết kế ít năng lực hơn là lớp Kiev, cuối cùng phát triển thành Kuznetsov.
Năm 1988, Liên Xô bắt tay đóng mới siêu tàu sân bay lớp Ulyanovsk, lượng choán nước 80.000 tấn. Tuy nhiên, con tàu mới chỉ thực hiện được 20% khối lượng công việc khi Liên Xô tan rã. Ukraine sau đó đã “xẻ thịt” nó để bán sắt vụn.
|
Siêu tàu sân bay hạt nhân của Nga vẫn là một mô hình ở trong tủ kính. Ảnh: Sputnik. |
Các nhà hoạch định quốc phòng Nga thường công bố các dự án đóng mới tàu sân bay như một phương tiện để xây dựng uy tín, chứ không phải là một phần của kế hoạch cụ thể. Trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 2008-2012, Tổng thống Dmitri Medvedev từng tuyên bố Nga sẽ đóng mới và vận hành 6 tàu sân bay vào năm 2025. Rõ ràng điều đó đã không xảy ra khi chưa có dự án nào được khởi động.
Moscow cũng từng công bố kế hoạch đóng mới siêu tàu sân bay hạt nhân Project 23000E, lượng choán nước tới 100.000 tấn, sử dụng máy phóng điện từ và một loạt công nghệ hiện đại khác. Tiêm kích chủ lực của siêu hàng không mẫu hạm này là MiG-29K. Tuy nhiên, trong kế hoạch sản xuất quốc phòng 10 năm 2018-2027, được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt không đề cập đến Project 23000E.
Robert Farley, nhà phân tích quân sự kỳ cựu, giảng viên cao cấp tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson, Mỹ nhận xét năng lực hàng không hải quân Nga đang lửng lơ như một sợi chỉ. Đô đốc Kuznetsov thì cũ nát, nghèo nàn và không có tàu sân bay mới nào đang được xây dựng. Hạm đội tàu chiến mặt nước của Nga không nhận được nhiều sự quan tâm trong các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng.
Gần 30 năm từ khi Liên Xô sụp đổ, công nghiệp đóng tàu Nga chưa từng đóng mới chiến hạm lớn cỡ Kuznetsov. Điều đó nói lên rằng Kremlin dường như chưa xem tàu sân bay là một đóng góp quan trọng cho uy tín quốc gia.
Hải quân Nga dường như đã nhận ra sự thiếu sót lớn của Kuznetsov cũng như tầm quan trọng của tàu sân bay trong nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên ở Syria. Đô đốc Kuznetsov vội vã được đưa vào nhà máy để tái thiết lớn cho thấy sự bối rối của Moscow.
Nếu Nga muốn có một tàu sân bay để theo kịp với Anh, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc, Moscow cần bắt đầu nghiêm túc xem xét làm thế nào để xây dựng một con tàu như vậy.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn