Thừa nhận thất bại của F-35, NATO bắt tay chế tạo chiến đấu cơ mới

Google News

(Kiến Thức) - Dù F-35 còn chưa được biên chế đầy đủ cho Quân đội Mỹ cũng như quân đội nhiều nước khác trên thế giới, thế mà mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu được cho là kẻ thay thế nó đã lộ diện.

Theo Sputnik đưa tin, mùa xuân vừa rồi, hãng sản xuất máy bay của Pháp là Dassault Aviation đã ký bản thoả thuận với European Aerospace Airbus để cùng nghiên cứu chế tạo một mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới, có khả năng thay thế cho các chiến đấu cơ Rafale, Eurofighter và F-18 Hornet trong biên chế của nhiều nước châu Âu hiện tại.
 Hình minh hoạ: Sputnik.
Loại chiến đấu cơ thế hệ mới được gọi là "Tổ hợp tác chiến trên không tương lai" viết tắt là FCAS lần đầu tiên được nhắc tới từ năm 2012. Đây là tổ hợp được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ thiết bị bay không người lái do BAE Systems của Anh và Dasault của Pháp. Tuy nhiên, với việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu khiến cho nỗ lực hợp tác này đi vào bế tắc vì Paris không rõ liệu London có rút luôn khỏi việc hợp tác xây dựng tổ hợp FCAS này hay không.
Mọi nghi ngờ đã được đập tan khi cuối tuần vừa rồi, London đã cho BAE Systems được phép ký hợp đồng một năm để hợp tác nghiên cứu FCAS cùng Pháp. Dù truyền thông không được phép tiếp cận những điều khoản chi tiết của hợp đồng này tuy nhiên, nhiều nguồn tin khẳng định rằng bản hợp đồng này chắc chắn là "đèn xanh" cho việc BAE Systems nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu cùng với Daussault trong tương lai.
 Mô hình của FCAS được Anh trưng bày. Ảnh: Sputnik.
Theo các nguồn tin được truyền thông phương Tây đăng tải, rất có thể tới năm 2025 tới đây, chuyến bay thử đầu tiên của loại chiến đấu cơ thế hệ 6 do châu Âu tự chế tạo này sẽ được thực hiện. Châu Âu cũng dự tính, tới khoảng năm 2040, FCAS sẽ được gia nhập vào biên chế quân đội các nước trong NATO hiện tại. Tuy nhiên, đây chỉ là khoảng thời gian ước chừng, quá trình nghiên cứu chế tạo có thể kéo dài hơn hoặc nhanh hơn tuỳ tình hình.
Kẻ thế chân cho F-35?
Lockheed Martin F-35 Lightning II là loại chiến đấu cơ tàng hình, đa năng được Mỹ chế tạo với sự hợp tác và góp vốn của rất nhiều quốc gia khác, trong đó phần nhiều nhất thuộc về Anh, Italia, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với sự tham gia góp vốn nghiên cứu và chế tạo như vậy, trong tương lai F-35 Lighting II chắc chắn sẽ thành loại chiến đấu cơ chủ lực của không ít quốc gia trên thế giới, ít nhất là những quốc gia tham gia quá trình góp vốn để đầu tư cùng Mỹ. Tuy nhiên, góp vốn và sở hữu là một chuyện, việc F-35 có được chuyển giao công nghệ để chế tạo tại Anh hay Italia hay không lại là một điều hoàn toàn khác.
Đứng trước vấn đề sở hữu chiến đấu cơ siêu hiện đại nhưng không có khả năng tự chủ, nhiều nước châu Âu chắc chắn sẽ bắt tay vào tự nghiên cứu một chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo, ít nhất là một loại chiến đấu cơ có thể chế tạo được tại châu Âu trong bối cảnh Mỹ càng ngày càng xa rời NATO như hiện nay.
 Mô hình FCAS được Pháp trưng bày. Ảnh: Sputnik.
Mặc dù vậy, việc FCAS chỉ có thể gia nhập biên chế vào năm 2040 làm nhiều người hoài nghi rằng chương trình nghiên cứu này thực chất mới chỉ đang nằm trên giấy và những nguyên mẫu của nó thậm chí còn chưa được hoàn thiện.
Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ, Trung Quốc và Nga là ba nước duy nhất trên thế giới có khả năng tự chế tạo chiến đấu cơ thế hệ năm với F-35 và F-22 của mỹ, J-20 của Trung Quốc cùng Su-57 của Nga. Bên cạnh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ cũng từng lên tiếng xác nhận về chương trình chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu hiện đang được khởi động. Nga cũng từng khẳng định về sự ra đời của chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu, hiện đang được phát triển song song cùng MiG-41.

Mời độc giả xem Video: Những chiến đấu cơ thế hệ năm loại F-35B đầu tiên của Anh được chuyển giao từ Mỹ.

Tuấn Anh