Cuộc chiến ở Syria bắt đầu ra sao?
|
Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ, dần dần trở thành cuộc chiến quốc tế hoá - Ảnh: Reuters. |
Ngay trước khi cuộc chiến Syria xảy ra, trong nội bộ quốc gia này đã có nhiều bất ổn, nguy hiểm nhất là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nền chính trị bất ổn dần do những xu hướng dân chủ xuất hiện và sự thiếu nhạy bén trong nội trị dưới thời Tổng thống Syria Bashar al-Assad - người kế nhiệm cha của mình là cựu Tổng thống Syria Hafez al-Assad đã qua đời vào năm 2000.
Tháng 3/2011, phong trào Dân chủ đã biến thành một cuộc biểu tình quy mô lớn ở thành phố Deraa nằm ở miền nam nước này, cuộc biểu tình này được cho là lấy cảm hứng từ phong trào "Mùa xuân Ả Rập" từng diễn ra ở các nước láng giềng.
|
Ảnh: BBC. |
Khi chính quyền sử dụng vũ lực để trấn áp cuộc biểu tình ở Deraa - khi này đã lan rộng ra các khu vực lân cận, phong trào biểu tình chống chính phủ đã lan rộng ra khắp Syria, buộc chính phủ nước này phải giải tán.
Tình trạng bất ổn lan rộng và chính quyền Syria cũng mạnh tay hơn trong việc trấn áp. Những người ủng hộ phe đối lập đã sử dụng vũ khí để chống lại chính quyền.
Những cuộc xung đột giữa phe đối lập và chính quyền Syria lan rộng và biến thành một cuộc nội chiến.
Bao nhiêu người đã thiệt mạng?
|
Ảnh Zing News. |
Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria được thành lập ở Anh với mạng lưới nguồn tin rộng khắp trung đông đã công bố tài liệu về số người thiệt mạng kể từ khi nội chiến Syria nổ ra tới nay. Cụ thể, tổng cộng đã có 364.371 người Syria thiệt mạng trong đó có 110.613 dân thường.
Đây là số liệu thống kê tính đến tháng 8/2018 và là số liệu mới nhất tính tới thời điểm này.
Tuy nhiên, số liệu nói trên không bao gồm 56.900 người được cho là đã mất tích. Ngoài ra, tài liệu này cũng khẳng định có khoảng 100.000 nạn nhân khác đã thiệt mạng nhưng được ghi chép lại đầy đủ.
Trong khi đó, một tài liệu khác được công bố hồi tháng 6/2018 của Tổ chức Tài liệu Bạo lực lại chỉ ra những hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc tấn công vào dân thường và nêu rõ có khoảng 189.654 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở Syria và 121.933 dân thường thiệt mạng.
Nội chiến Syria hay cuộc chiến tranh ủy nhiệm?
Hiện tại, cuộc chiến tranh Syria đã không chỉ là cuộc chiến giữa phe đối lập và chính quyền Tổng thống Assad như mục đích ban đầu mà nó nổ ra.
|
Ảnh: pbs.org. |
Rất nhiều tổ chức, quốc gia - với những mục đích riêng - đã đặt chân tới quốc gia này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Có thể kể ra một vài lực lượng đang tham chiến ở Syria như tổ chức Khủng bố Hồi giáo IS hay thậm chí là sự xuất hiện của al-Qaeda.
Ngoài ra, người Kurd ở Syria cũng muốn thành lập một chính phủ riêng của mình và chấm dứt sự ủng hộ với Tổng thống Assad khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp.
Những quốc gia nào đang có mặt tại Syria?
|
Sơ đồ các quốc gia và tổ chức tham chiến hoặc hậu thuẫn tại Syria. Ảnh: Business Insider. |
Những quốc gia ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad trong cuộc chiến Syria là Nga và Iran. Trong khi đó Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ả Rập Xê Út lại là các quốc gia "chống lưng" cho lực lượng quân nổi dạy.
- Nga đã có căn cứ quân sự ở Syria từ trước cuộc nội chiến ở quốc gia này xảy ra nhưng chỉ chính thức tham gia vào cuộc chiến này từ năm 2015. Sự can thiệp của Nga chủ yếu diễn ra với lực lượng Không quân.
- Iran được cho là đã điều hàng trăm lính và chi hàng triệu USD giúp Tổng thống Assad giữ vững chính quyền của mình.
Ngoài ra Iran còn giúp huấn luyện và trang bị cho nhiều lực lượng khác đang tham chiến ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad bao gồm cả lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Quân đội Iraq, Afghanistan và Yemen cũng chiến đấu sát cánh cùng quân chính phủ Syria.
- Liên minh Mỹ, Anh, Pháp và các nước phương Tây khác đều có sự trợ giúp bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau cho các lực lượng nổi dậy đòi dân chủ ở Syria.
Các cuộc không kích vào Syria được liên minh phương Tây thực hiện từ năm 2014 đã giúp "Lực lượng Dân chủ Syria" - cái tên mà phương Tây đặt cho lực lượng đối lập ở Syria - chiếm được nhiều vùng lãnh thổ dù phải đối đầu với quân chính phủ tinh nhuệ và hiện đại hơn nhiều lần.
- Thổ Nhĩ Kỳ tuy ủng hộ lực lượng nổi dạy nhưng lại sử dụng lực lượng quân nổi dậy Syria như một công cụ để đàn áp người Kurd ở Syria.
- Ả Rập Xê-út cung cấp tài chính và trang bị để vũ trang cho quân nổi dậy Syria
- Israel vin vào cớ phản đối sự ủng hộ của Iran cho chính quyền Assad và tiến hành nhiều đợt không kích vào lãnh thổ Syria nhắm vào lực lượng quân chính phủ.
Syria bị ảnh hưởng như thế nào?
|
Ảnh Vox. |
Bên cạnh hàng trăm nghìn người thiệt mạng, cuộc
nội chiến Syria còn để lại một gánh nặng cực kỳ lớn khi nó khiến khoảng 1,5 triệu người bị tàn phế, trong đó có khoảng 86.000 người tàn phế hoàn toàn - nghĩa là mất chi - không còn khả năng lao động.
Ít nhất khoảng 6,6 triệu người Syria đã mất nhà cửa trong khi đó 5,6 triệu người phải rời bỏ đất nước đi tị nạn ở nước ngoài.
Những quốc gia láng giềng như Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải "gánh" một lượng người tị nạn nhiều nhất trong lịch sử hàng thế kỷ qua. Tính tới tháng 5/2018, đã có khoảng 13 triệu người cần cứu trợ nhân đạo - trong đó bao gồm 5,2 triệu người "thực sự cần" sự trợ giúp. Số còn lại, tị nạn vì mục đích kinh tế.
Thái độ của các bên tham chiến ở Syria còn làm cho tình hình tồi tệ hơn, ví dụ như việc cản trở hoạt động của các cơ quan nhân quyền khi các tổ chức này tìm cách tiếp cận và hỗ trợ những người có nhu cầu. Tổng cộng có khoảng 1,5 triệu người Syria hiện đang rất cần sự trợ giúp nhưng bản thân họ lại đang bị kẹt ở khu vực giao tranh và không thể tiếp cận được (tính đến tháng 7/2018).
Người Syria đang đi đâu?
Người dân Syria hiện cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tới các dịch vụ y tế. Theo báo cáo của Tổ chức Nhân quyền thế giới, đã có tổng cộng 492 cuộc tấn công vào 330 cơ sở y tế (tính đến hết năm 2017). Hậu quả là có tới 847 nhân viên y tế thiệt mạng.
Ngoài ra còn có rất nhiều di sản văn hoá của Syria bị phá huỷ hoàn toàn (nếu không muốn nói là gần như toàn bộ). Toàn bộ 6 di sản văn hoá được Unesco công nhận là Di sản Thế giới đã bị phá huỷ hoặc bị hư hại nghiêm trọng.
Toàn bộ các quốc gia láng giềng với Syria đều đã đóng cửa biên giới trên bộ với quốc gia này.
Syria đang bị phân chia?
|
Ảnh: Vox. |
Quân chính phủ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Assad đã chiếm lại được phần lớn quyền kiểm soát Syria, trong đó bao gồm các thành phố lớn nhất. Mặc dù vậy diện tích chiếm đóng của lực lượng phiến quân và quân nổi dậy vẫn còn quá lớn.
Thành trì cuối cùng ở phía Tây Nam của quân nổi dậy chính là tỉnh Idlib - nơi chuẩn bị diễn ra cuộc tấn công tổng lực - trận chiến cuối cùng của các bên.
Liên Hiệp Quốc đã đưa ra cảnh báo về một cuộc "tắm máu" nếu quân chính phủ Syria tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào tỉnh này - nơi đang có khoảng 2,9 triệu dân sinh sống trong đó có hàng triệu trẻ em.
Hàng trăm nghìn người dân bên trong Idlib hiện tại cũng đang khốn khổ khi sống trong tình trạng thiếu các yêu cầu cơ bản như điện, nước thậm chí là lương thực.
Cuộc chiến này liệu có kết thúc?
Có thể khẳng định rằng cuộc chiến nào rồi cũng sẽ đến hồi kết, tuy nhiên ở Syria, hồi kết có thể còn đang ở rất xa. Mặc dù vậy phần lớn các quốc gia trên thế giới đều đồng tình rằng, vấn đề bạo lực ở Syria không thể giải quyết được bằng bạo lực mà chỉ có thể sử dụng biện pháp chính trị, ngoại giao.
Năm 2012, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các bên thực hiện Hiệp định Geneve với mục đích để thành lập một chính quyền quá độ được sự ủng hộ của các bên.
Sau chín vòng đàm phán hoà bình trung gian gọi là Tiến trình Geneva II kể từ năm 2014 tới nay đã cho thấy, dường như giải pháp này cũng không có tiến triển.
Cụ thể, Tổng thống Bashar al-Assad dường như không muốn đàm phán với phe đối lập. Trong khi đó lực lượng nổi dậy vẫn khăng khăng đòi chính quyền Assad phải giải tán và coi đây là một trong những điều khoản quan trọng nhất trong thoả thuận.
Các cường quốc phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Pháp,... đều cáo buộc Nga đã tác động tiêu cực vào bàn đàm phán khiến cho quá trình thiết lập hoà bình ở quốc gia này không thể tiến triển được qua ngần ấy năm.
Mời độc giả xem Video: Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa.
Tuấn Anh