Ukraine thừa nhận EW Nga làm thay đổi tình hình chiến trường

Google News

Quân đội Ukraine xác nhận, các khí tài tác chiến điện tử (EW) của Nga, đã gây nhiễu hiệu quả các loại vũ khí dẫn đường bằng tín hiệu vệ tinh GPS của Mỹ như tên lửa cơ động cao HIMARS hoặc bom chiến thuật JDAM.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong
 Bộ ba khí tài tác chiến điện tử của Quân đội Nga tại Ukraine. Nguồn Topwar

Ukraine xác nhận, EW Nga gây nhiễu vũ khí dẫn đường của Mỹ

Tạp chí Bulgarial Military cho biết, khi cuộc xung đột Ukraine diễn ra ngày càng ác liệt, các nhà phân tích và chuyên gia quân sự ngày càng lo ngại những vũ khí dẫn đường do Mỹ sản xuất cung cấp cho Kiev được cho là đã mất tác dụng, do bị gây nhiễu điện tử của Nga; gây ra sự thay đổi đáng kể trên chiến trường.

Quân đội Ukraine đã bắt đầu một cuộc phản công rất được mong đợi vào tháng trước, đã xác nhận những lo ngại này. Các loại vũ khí dẫn đường hiện đại của Mỹ viện trợ cho Ukraine đang giảm độ chính xác.

Trong một cuộc phỏng vấn tiết lộ với tờ Financial Times (FT) của Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov thừa nhận rằng, các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga đã tìm cách làm giảm độ chính xác của đạn dẫn đường bằng tín hiệu vệ tinh GPS, như tên lửa cơ động cao HIMARS.

Mặc dù HIMARS có độ chính xác cao, nhưng các hệ thống vô tuyến điện tử của Nga đã biết cách tìm ra cách gây nhiễu chúng.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-2
Hệ thống tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga. Nguồn Topwar  

Như ông Reznikov đã bày tỏ thẳng thắn với FT: “Người Nga đưa ra những biện pháp đối phó và chúng tôi thông báo cho các đối tác của mình, để họ có biện pháp mới đối với biện pháp đối phó này”.

Tiết lộ này được đưa ra vào thời điểm Ukraine khẳng định đã giành lại một số lãnh thổ từ Nga, nhờ sử dụng vũ khí do các đồng minh phương Tây cung cấp.

Đầu tháng 5, các thông tin từ phương tiện truyền thông cho rằng, Nga đã liên tục vô hiệu hóa các cuộc tấn công của tên lửa tấn công cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất. Bằng cách sử dụng các thiết bị gây nhiễu điện tử, đã có thể gây “nhầm lẫn” cho hệ thống dẫn đường, sử dụng tín hiệu GPS của tên lửa, khiến nó đánh trượt mục tiêu.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-3
 Hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS của Mỹ. Nguồn Wikipedia

Bất chấp những kỳ vọng cao xung quanh việc Mỹ viện trợ tên lửa HIMARS, một hệ thống pháo binh được cho là có thể “thay đổi cuộc chơi” cho Ukraine, hiệu quả của nó đã phần nào chững lại trong thời gian gần đây.

HIMARS từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine vào tháng 9/2022, dẫn đến việc Ukraine tái tràn ngập Kherson. Tuy nhiên, tác động của nó lần này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Lâu nay, các chuyên gia quân sự đã gợi ý rằng, người Nga ban đầu bị HIMARS tấn công, sau đó đã điều chỉnh cách tiếp cận của họ để xử lý tốt hơn thách thức mới này.

Theo thông tin từ năm nguồn liên kết với Mỹ, Anh và Ukraine, được chia sẻ với hãng tin Mỹ CNN, những nỗ lực gây nhiễu toàn diện của Nga đã dần làm suy yếu hiệu quả của các hệ thống này trong những tháng gần đây.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-4
 Hệ thống gây nhiễu Pole-21 của quân đội Nga. Ảnh TASS

EW tại chiến trường Ukraine: Trò chơi mèo vờn chuột

Theo lời của một quan chức Lầu Năm Góc, cuộc chiến áp chế điện tử ở chiến trường Ukraine, đã phát triển thành một “trò chơi mèo vờn chuột” liên tục, khi bên này cố gắng đánh lừa bên kia trong trận chiến gây nhiễu và chống nhiễu. Thời hạn và kết quả cuối cùng của cuộc cạnh tranh chiến lược này, vẫn chưa chắc chắn.

Vấn đề Nga sử dụng EW gây nhiễu tên lửa HIMARS của Ukraine là đặc biệt cấp bách; xét đến sự phụ thuộc nặng nề của Quân đội Ukraine vào hệ thống này, để tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần của Nga.

Trên thực tế, việc triển khai tên lửa HIMARS đã buộc Nga phải rút thiết bị của mình ra xa tiền tuyến hơn. Sự thay đổi chiến lược này cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống pháo binh này trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-5
Một hệ thống HIMARS ở miền Đông Ukraine vào ngày 1/7/2022. Ảnh: Getty Images 

Trong bối cảnh các cuộc phản công gia tăng, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã công khai thừa nhận sức mạnh ghê gớm của hệ thống gây nhiễu điện tử của Nga. Điều này có thể đặt ra một thách thức đáng kể cho quân đội Ukraine khi họ cố gắng chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Nga gây nhiễu thành công vũ khí tấn công chủ lực của Mỹ: Bom JDAM

Trước đây, các tài liệu bí mật của Lầu Năm Góc đã bị rò rỉ, tiết lộ rằng các lực lượng Nga đang làm gián đoạn chức năng của bom thông minh JDAM do Mỹ viện trợ cho Ukraine. Sự can thiệp này đã làm giảm đáng kể hiệu quả của tên lửa và bom dẫn đường của Ukraine, như các quan chức Mỹ giấu tên đã lưu ý.

Mỹ đã trang bị cho Không quân Ukraine những quả bom lượn tầm xa có điều kiển (JDAM-ER). Loại bom này có khả năng tấn công các mục tiêu lớn của Nga, bao gồm cả cầu và các công trình kiên cố, từ cự ly tối đa tới 70 km.

Các thông tin về việc quân đội Ukraine sử dụng những quả bom JDAM-ER do Mỹ cung cấp bắt đầu lan truyền vào đầu tháng 3.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-6
 Bom lượn có điều khiển JDAM của Mỹ. Ảnh Pentapostagma

Bom JDAM truyền thống phụ thuộc vào sự kết hợp của hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và dẫn đường GPS cùng với chế độ lái tự động. Sự kết hợp này điều khiển hướng bay của quả bom, bằng cách sử dụng cánh đuôi để điều chỉnh.

Việc gây nhiễu tín hiệu GPS, khiến những quả bom JDAM mà Mỹ viện trợ cho Ukraine, chỉ còn hệ thống dẫn đường quán tính (INS) điều khiển bom, khiến bom bay lệch mục tiêu đến vài trăm mét.

Những khí tài tác chiến điện tử đáng gờm của Nga

Một thông tin gần đây của tổ chức tư vấn Anh là “Viện nghiên cứu dịch vụ thống nhất Hoàng gia (RUSI)”, đã nhấn mạnh một thực tế đã được chứng minh rõ ràng rằng, các lực lượng trên bộ của Nga đã triển khai một số hệ thống tác chiến điện tử (EW).

Đáng chú ý trong số đó là hệ thống tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel, được Quân đội Nga sử dụng ở cấp độ chiến thuật, dùng để phá vỡ tín hiệu GPS.

Đi sâu vào các khả năng của hệ thống R-330Zh, nó cung cấp các khả năng tấn công và phát hiện tín hiệu vô tuyến trải rộng trên các dải sóng từ 100 MHz đến 2 GHz. Một số nguồn thông tin cho rằng, công nghệ này có thể phát nguồn tín hiệu gây nhiễu với công suất khủng khiếp là 10 kW.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-7
Một hệ thống EW R-330Zh Zhitel của Quân đội Nga ở chiến trường Ukraine. Nguồn Topwar 

Các vệ tinh GPS của Mỹ, được coi là “huyết mạch” của bom JDAM, truyền tín hiệu trên dải sóng từ 1.164GHz đến 1.575GHz. Điều thú vị là chúng rơi trực tiếp vào khu vực phá sóng của hệ thống R-330Zh. Các tài liệu chính thức của RUSI cho thấy, phạm vi gây nhiễu của R-330Zh lên tới 30 km, một cự ly đáng kinh ngạc.

Sức mạnh gây nhiễu của R-330Zh mạnh hơn rất nhiều so với tín hiệu GPS được truyền từ không gian. Báo cáo của RUSI nhấn mạnh rằng, bộ thu GPS càng gần ăng-ten gây nhiễu của R-330Zh thì tín hiệu gây nhiễu càng mạnh.

Nga giải mã đường truyền vô tuyến của Ukraine theo thời gian thực

Đánh giá của RUSI khẳng định rằng, lực lượng tác chiến điện tử của Nga không những có khả năng chế áp, mà còn có khả năng đánh chặn và giải mã các đường truyền vô tuyến của Ukraine thành thạo.

Đã có một trường hợp họ xâm nhập và giải mã thành công một đường truyền vô tuyến, được mã hóa từ những người lính Ukraine trong thời gian thực. Điều này cho phép các chỉ huy Nga đưa ra "cảnh báo" kịp thời cho quân đội của họ.

Thiết bị gây nhiễu điện tử của Nga không chỉ là trở ngại đối với tên lửa HIMARS và bom JDAM mà còn đối với các cuộc tấn công bằng UAV, hiện đang được Ukraine sử dụng nhiều.

Ukraine thua nhan EW Nga lam thay doi tinh hinh chien truong-Hinh-8
Vệ tinh radar không gian Kondor-FKA của Nga có thể quan sát thấy lãnh thổ Ukraine hai lần một ngày. Ảnh NPO Mashinostroyeniya 

Trang tin EurAsian Times của Ấn Độ đã đưa tin vào tháng 5 rằng, các hệ thống EW của Moscow đã chứng minh tính hiệu quả của nó bằng cách bắn hạ tới10.000 UAV của Ukraine mỗi tháng, tương đương khoảng 333 UAV mỗi ngày. Một con số đáng kinh ngạc.

Trong quá trình hiện đại hóa quân đội, đã thúc đẩy Nga tăng cường khả năng tác chiến điện tử và có những thành tựu làm phương Tây phải “thán phục”.

Các phương tiện truyền thông phương Tây đã làm sáng tỏ nhiều loại thiết bị được sử dụng bởi lực lượng tác chiến điện tử (EW) của Nga, để ngăn cản các hoạt động của Ukraine, chống lại mọi thứ từ UAV và thông tin liên lạc đến tín hiệu định vị vệ tinh và vệ tinh.

Báo cáo gần đây của RUSI tuyên bố rằng “Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS GNSS của Nga truyền tín hiệu tương tự như GPS”. Nhưng Quân đội Ukraine dường như thường ít quan tâm đến việc gây nhiễu tín hiệu GLONASS của Quân đội Nga.

Mặc dù bị gây nhiễu, bom JDAM vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tương lai. Báo cáo của RUSI ví tác chiến điện tử với “một ván cờ vua”, trong đó mọi nước đi đều gặp phải một nước phản công; phản ánh bản chất của cuộc xung đột.

Trước những xung đột hiện tại, các kỹ sư Mỹ có thể cần xem xét lại cách họ bảo vệ vũ khí dẫn đường bằng tín hiệu vệ tinh của họ, khỏi các cuộc tác chiến điện tử trong tương lai, báo cáo của RUSI cho biết. 

Tiến Minh (theo BM, Financial Times, Eurasiatimes)