Theo đánh giá của Mỹ, hơn 130.000 quân được Nga triển khai vẫn còn quá ít để tấn công toàn bộ Ukraine.
Tính toán của Nga
Tuy nhiên, việc triển khai của Nga mang lại cho các chỉ huy của họ những lợi thế đáng gờm. Chúng bao gồm khả năng thực hiện các cuộc tấn công nhanh chóng về phía thủ đô của Ukraine, chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ, nắm quyền chỉ huy bầu trời và phong tỏa nhiều cảng của đất nước, giới chức Mỹ cho biết.
“Họ có thể di chuyển nhanh chóng, sử dụng các hệ thống pháo cũng như tên lửa có tầm bắn xa và tốc độ bắn lớn để nhắm vào cơ sở quân sự, phòng không, đơn vị lục quân”, Dara Massicot, chuyên gia về quân sự Nga tại Rand Corp, cho biết.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các khí tài quân sự bổ sung đã được chuyển đến khu vực Kursk ở miền Tây nước Nga. Ảnh: Maxar.
|
Tuy nhiên, bà Massicot cho biết theo thời gian, các nhiệm vụ sẽ trở nên phức tạp hơn đối với Nga, chẳng hạn việc bao vây những thành phố lớn. Chiến tranh ở đô thị đòi hỏi nhiều nhân lực, và theo bà, Nga không huấn luyện lực lượng với quy mô đó.
Vào ngày 13/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Nga đã đẩy nhanh việc xây dựng quân đội và một cuộc tấn công "về cơ bản có thể xảy ra bất cứ lúc nào".
Về phần mình, Moscow khẳng định không có ý định tấn công Ukraine, nhưng có thể thực hiện các biện pháp quân sự trả đũa đối với điều mà ông Putin gọi là “bước đi không thân thiện”.
Lực lượng của Ukraine, với số lượng khoảng 260.000 người, đã được cải thiện kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập khu vực Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai ở phía đông.
Nhiều nhà phân tích quân sự cho biết các lực lượng đó sẽ bị kéo mỏng, nếu họ phải phòng thủ trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga trên nhiều phương diện.
Lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine được bố trí ở Donbas, nơi cuộc chiến chống lại phe ly khai thân Nga đã diễn ra kể từ năm 2014. Tuy nhiên, những lực lượng đó có thể dễ bị bao vây nếu quân Nga tấn công từ phía bắc và phía nam.
Mỹ và các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gửi vũ khí chống tăng, tên lửa phòng không Stinger và một số hệ thống khác tới Ukraine.
Tuy nhiên, những lô vũ khí mà Mỹ và các đối tác cung cấp không bao gồm hệ thống phòng không tinh vi hoặc tên lửa chống hạm, từ đó cản trở khả năng tự vệ của Ukraine trước quân đội hiện đại hơn của Nga.
Ben Hodges, người từng là chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết bằng cách bao vây Ukraine ở ba phía, Điện Kremlin có thể đang cố gắng gây thiệt hại cho nền kinh tế của Ukraine và làm suy yếu chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong khi vẫn để mở các lựa chọn quân sự.
Một số doanh nghiệp đang hoãn kế hoạch mở rộng kinh doanh, hãng hàng không Hà Lan KLM đã đình chỉ các chuyến bay và Mỹ cũng rút các chuyên viên huấn luyện quân sự khỏi Ukraine.
"Các lực lượng Nga như con trăn siết Ukraine. Nếu Điện Kremlin có thể gây ra sự sụp đổ, họ sẽ không phải tấn công hay lo lắng về các lệnh trừng phạt”, ông Hodges nói.
Lợi thế đáng gờm của Nga
Giới chức Moscow cho biết các lực lượng của họ đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung với Belarus, trong khi Hải quân Nga diễn tập trên Biển Đen.
Giới phân tích phương Tây cho biết cuộc tập trận ở Belarus tạo cơ hội cho lực lượng Nga tinh chỉnh chiến thuật và huấn luyện cho một cuộc tấn công tiềm tàng.
Theo đánh giá của Mỹ, điểm nổi bật trong khả năng của Nga là các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn đã được triển khai gần Ukraine, bao gồm cả ở Belarus. Những đơn vị này sở hữu những người lính chuyên nghiệp và được tăng cường sức mạnh với pháo binh, hệ thống phòng không,...
Đầu tháng này, chính quyền ông Biden cho biết quân đội Nga đã bố trí gần Ukraine tổng cộng 83 "nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn". Kể từ đó, số lượng cũng dần tăng lên, giới chức Mỹ cho biết.
|
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf gây chú ý trong cuộc tập trận Nga - Belarus. Ảnh: AP.
|
Các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn có khả năng cơ động nhanh trên địa hình rộng mở, bao gồm cả việc tiến về phía Kiev, giới chức Mỹ cho biết, nhưng cũng quá nhỏ để bảo vệ các khu vực rộng lớn.
Nếu Nga ra lệnh tấn công, các trung đoàn và lữ đoàn truyền thống của nước này có thể sẽ theo sau để củng cố những gì đã đạt được, giới chức Mỹ cho biết. Các máy bay trực thăng của Nga cũng có thể được sử dụng để đưa thêm lính dù, đồng thời bắn vào lực lượng tiếp viện của Ukraine đang di chuyển ra mặt trận.
Bổ sung vào hỏa lực của Nga là các lữ đoàn tên lửa đất đối đất Iskander, theo Phillip Karber của Potomac Foundation, một tổ chức nghiên cứu chính sách. Cùng với tên lửa hành trình Kalibr được triển khai trên các tàu ở Biển Đen, tên lửa Iskander có thể tấn công các sân bay, kho chứa đạn dược, hệ thống phòng không, căn cứ quân đội và trung tâm chỉ huy trên khắp Ukraine.
Nếu Nga tấn công, các máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không S-400 mà Moscow đã triển khai ở Belarus sẽ mang lại cho họ lợi thế trên bầu trời.
"Các hệ thống này sẽ giúp Nga đạt được ưu thế trên không so với không quân Ukraine trong vòng vài ngày kể từ khi bắt đầu một cuộc tấn công", các nhà nghiên cứu quân sự tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. Chúng cũng sẽ ngăn cản máy bay do thám và chở hàng của Mỹ cũng như đồng minh hoạt động trong không phận Ukraine.
Những tàu chiến đã tiến đến Biển Đen cũng mang lại cho Moscow khả năng phong tỏa các cảng của Ukraine.
Ông Philip Breedlove, người từng giữ chức tư lệnh NATO giai đoạn 2013-2016, cho biết việc gây áp lực quân sự lên Kiev mà không tiến vào thành phố nằm trong số lựa chọn của Tổng thống Putin.
Theo Vân Đinh/Zing