Dừng cấp phép biểu diễn cho Bà Tưng: Bộ VHTT&DL không sai

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, nếu Bộ VHTT&DL cấm biểu diễn đối với trường hợp bà Tưng mới là phạm luật. Còn "dừng cấp phép biểu diễn" không có gì sai.

Cục NTBD vừa ra công văn dừng cấp phép biểu diễn, kể cả trong quán bar cho “Bà Tưng” – Lê Thị Huyền Anh trên phạm vi cả nước, vì nhân vật này đã tung ra nhiều hình ảnh phản cảm. Dưới góc nhìn của Luật sư, anh thấy việc dừng cấp phép cho Bà Tưng này có đúng luật không?
Các hành vi của bà Tưng trong thời gian qua nếu chưa bị cơ quan chức năng nào xử phạt hành chính thì chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy Bà Tưng phạm luật. Nhưng công văn phía Cục NTBD đưa ra là "dừng cấp phép" cũng không có gì sai, vì “dừng” nghĩa là có thể xem xét cấp phép lại. Nếu Bộ đưa ra lệnh “cấm” thì mới phạm luật trong trường hợp này.
 Những hình ảnh phản cảm khiến Bà Tưng bị tẩy chay
Vậy anh cho biết trường hợp cụ thể nào “Bà Tưng” bị “cấm” trong hoạt động biểu diễn?
Theo Quyết định số 47/2004/QĐ BVHTT đã quy định tại Điều 3. Nếu Bà Tưng vi phạm các điều cấm này thì sẽ không được cấp phép biểu diễn.
Tại các quán bar, bất kể người khách nào cũng có thể hát hò, giao lưu. Nếu Bà Tưng lên hát như một vị khách, mà cơ quan chức năng can thiệp, liệu có phải là phạm luật?
Tại điều 9 của quyết định nêu trên thì Bà Tưng có quyền tham gia giao lưu trên các quán bar nhưng phải xét xem quán bar đó có được cấp phép biểu diễn hay không? Có phù hợp với quy định của quyết định 47 hay không? Bởi các quán bar không phải là nơi biểu diễn hay tổ chức các sự kiện văn hóa. Nếu không có giấy phép biểu diễn, việc “cấm” là đương nhiên. Còn nếu quán bar có giấy phép biểu diễn, nhưng ngày nào Bà Tưng cũng lên hát lại là câu chuyện khác, tới lúc đó cần phải xem xét về mục đích và động cơ của “khách hàng” này.
Xét trên khía cạnh đạo đức hành động của Bà Tưng khó lòng chấp nhận được. 
Cá nhân anh đứng trên cương vị của một người cha có con cũng ở tuổi của “Bà Tưng” anh nghĩ gì về hành động của “hot girl” này?
Trên cương vị một người cha sống trong xã hội phương Đông, tôi không khích lệ cho con mình hành động như Bà Tưng. Hành động đó tuy không xấu nhưng không phù hợp với nền văn hóa của chúng ta. Nó hủy hoại nét đẹp của văn hóa dân tộc. Trong khi đó, cô ấy có quyền lựa chọn cách khác, con đường khác để cống hiến và tìm kiếm sự thành công cho bản thân mình.
Anh cho rằng hành động của Bà Tưng không xấu?
Nói hành động không xấu vì hành động đó không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, xét trên khía cạnh đạo đức, thì hành động của Bà Tưng khó lòng chấp nhận được.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động NTBD
1. Biểu diễn và tổ chức biểu diễn chương trình, tiết mục, vở diễn có nội dung:
1.1. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
1.2. Kích động bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc;
1.3. Truyền bá tư tưởng phản động, văn hóa đồi trụy, hành vi tàn ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam;
1.4. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng;
1.5. Xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc;
1.6. Xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân.
2. Biểu diễn và tổ chức biểu diễn chương trình, tiết mục, vở diễn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
3. Quảng cáo mạo danh đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; quảng cáo, giới thiệu không đúng chương trình, tiết mục, vở diễn không đúng người, đúng tên diễn viên hoặc thành tích nghệ thuật, danh hiệu nghệ thuật được Nhà nước phong tặng; để người không có trách nhiệm lên sân khấu trong khi diễn viên đang biểu diễn.
4. Thực hiện trong khi biểu diễn:
4.1. Tự tiện thay đổi động tác diễn xuất, phong cách biểu diễn nghệ thuật, thêm, bớt lời ca, lời thoại khác với nội dung và hình thức thể hiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép công diễn mà gây hậu quả xấu;
4.2. Lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi hoặc phát ngôn không đúng với chương trình, tiết mục, vở diễn đã được duyệt, cấp phép;
4.3. Dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của mình;
4.4. Đối với loại hình nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc truyền thống, dân gian, xiếc, nghệ thuật cổ điển châu Âu: phục trang, hóa trang trái với thuần phong, mỹ tục, không phù hợp với đặc trưng loại hình nghệ thuật, không đúng với tính cách nhân vật và nội dung thể hiện giai đoạn lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật;
4.5. Đối với loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc hiện đại: hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù; trang phục hở hang, lộ liễu.”
(Theo Điều 3 quyết định số 47/2004/QĐ BVHTT)
Nguyệt Cát