Nhà văn Tô Hoài ra đi tạo một khoảng trống lớn trên văn đàn. Bởi nói như nhà văn Tạ Duy Anh: "Ông là người ghi nhớ giúp chúng ta nhiều sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian là bước đệm của sự chuyển tiếp giữa quá khứ và hiện tại, những thứ dễ bị lãng quên. Ông cũng là người truyền cảm hứng khám phá sự bí ẩn của tiếng Việt cho người đọc, cả về âm thanh và các tầng ý nghĩa".
Kiến Thức trân trọng giới thiệu những đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc về người đồng nghiệp vừa tạ thế:
"Tô Hoài là nhà văn đương đại lớn nhất còn sống đến bây giờ. Anh là nhà văn đã đi qua những giai đoạn văn hóa quan trọng nhất của nền văn học hiện đại. Ông viết rất sớm, từ thời chống Pháp, qua chống Mỹ và cả sau chiến tranh, và đặc biệt luôn bền bỉ.
|
Nhà văn Tô Hoài. |
Trong cuộc đời cầm bút của Tô Hoài, anh luôn hết sức chăm chỉ. Tôi biết, suốt nhiều năm anh làm tổ trưởng tổ dân phố. Tôi cho rằng, không có vị trí nào có thể hiểu được đời sống người dân sâu sát bằng vị trí này. Anh đã sống, quan sát và viết bằng chính sự khám phá đó của mình. Anh từng nói: Tôi như người thợ mộc suốt ngày đục đẽo. Người thợ mộc chăm chỉ sẽ làm ra ngày chiếc bàn, ngày chiếc ghế và thỉnh thoảng mới được một tác phẩm mĩ nghệ. Nghề viết cũng vậy, chăm chỉ may ra mới cho ra đời một tác phẩm hay.
Tô Hoài thành công từ rất sớm với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký. Có thể nói đây là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Nhà văn có một điều quan trọng nhất phải giữ được, đó là sự ngạc nhiên và tò mò trước hiện thực cuộc sống. Tâm hồn của Tô Hoài luôn trẻ ở chính việc anh có thể luôn ngạc nhiên, tò mò trước đời sống, dù tôi tin rằng anh luôn sâu sắc và thâm thúy. Những tác phẩm sau này của anh như Cát bụi chân ai, Chiều chiều luôn có sự ngạc nhiên ấy củaDế mèn phiêu lưu ký.
|
Nhà văn Nguyên Ngọc. |
Tôi có một kỷ niệm về sự cần mẫn đáng ngạc nhiên của anh Tô Hoài trong một lần sang Nga. Lần đó, nước Nga có tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn của nhiều quốc gia. Hôm đó là một buổi tọa đàm cũng không thực sự quan trọng. Ngồi bên cạnh anh, tôi cứ thấy anh tay bút, tay giấy cần mẫn ghi ghi chép chép. Lấy làm lạ, tôi bảo: “Có gì mà anh ghi chép miệt mài vậy” thì nhận được câu trả lời từ phía anh: “Không, tôi đang viết tiểu thuyết”.
Anh Tô Hoài từng nói, cần mẫn là lương tâm của người cầm bút. Và thực sự anh đã tẩn mẩn kể hết chuyện này đến chuyện khác. Nhìn vào sự nghiệp của anh, tôi nhận ra, sách anh viết cao hơn con người anh. Tác phẩm của anh có tác phẩm xuất sắc, có tác phẩm đọc được, có tác phẩm chưa thực hay, nhưng quan trọng hơn cả, nó đã ghi lại đời sống xã hội của nước mình gần 100 năm qua. Việc anh Tô Hoài ra đi là một sự kiện quan trọng của đời sống văn hóa xã hội của chúng ta."
NV Nguyên Ngọc (An Thủy ghi)