Nghịch lý bán trường học... để trả nợ

Google News

(Kiến Thức) - Tuyển sinh không được, giá thuê đất cao… thu không đủ chi khiến một số trường ngoài công lập đã phải bán trường để trả nợ, đối phó với nguy cơ giải thể.

Tình trạng bi đát

Đây là câu chuyện của trường trung cấp Trường Sơn - trường hoạt động theo mô hình xã hội hóa đầu tiên tại Đắk Lắk trong những ngày đầu năm mới khiến những người quan tâm đến giáo dục không khỏi chạnh lòng.

Theo lãnh đạo nhà trường, tình thế hiện nay của trường rất khó khăn. Toàn trường còn 13 cán bộ công nhân viên đang làm việc và khoảng 300 học viên ở các khóa. Năm vừa rồi, trường rao tuyển hàng trăm chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 31 học viên. Từ cuối tháng 12/2012, lãnh đạo nhà trường đã phải lên kế hoạch bán cơ sở cho một trường trung cấp khác đóng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, đến việc bán trường cũng không hề đơn giản. Dù thủ tục đã cơ bản hoàn tất nhưng sau khi xem xét các mặt, mới đây đơn vị nhận mua lại Trường trung cấp Trường Sơn đã rút ý định mua ngôi trường này.

Nguyên nhân dẫn đến tình thế bi đát của trường là do tại thành phố Buôn Ma Thuột có quá nhiều trường đào tạo trung cấp, lượng tuyển sinh đầu vào của trường hằng năm teo tóp dần. Trong khi đó, giá tiền thuê đất quá cao, nợ ngân hàng ngày càng nhân lãi. 

Trước đó, ĐH Văn Hiến TP HCM cũng tiến hành thương thảo, chuyển đổi nhà đầu tư chiến lược mới để cứu trường khỏi bị giải thể với giá bèo.

Các cơ sở đào tạo của Trường ĐH Văn Hiến đều phải thuê mướn.
Ảnh minh họa:Dân Trí

Thực tế Trường ĐH Văn Hiến gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém, tuyển sinh mấy năm qua èo uột... Trường đã bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỉ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Hiện nhà trường chỉ còn đào tạo 3.000 sinh viên với 200 cán bộ nhân viên.


Những thông tin này khiến nhiều nhà giáo dục lo ngại về sự bền vững của các trường ngoài công lập. Với cách làm hiện nay, giáo dục ở các trường ngoài công lập dường như đang trở thành một hình thức kinh doanh đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Bởi lẽ, nếu không tuyển được học viên, các chủ trường sẽ nghĩ đến chuyện chuyển nhượng, giải thể và rao bán trường như bán các mặt hàng khác. 

Kinh doanh là chính?

Trao đổi với Kiến Thức, ông Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch hội khuyến học Việt Nam cho rằng những câu chuyện bán trường để trả nợ là hệ quả tất yếu của việc không chín muồi ngay từ khi các nhà đầu tư giáo dục có ý tưởng mở trường cũng như khâu kiểm định, đặt bút ký quyết định cho phép thành lập trường của các cơ quan chủ quản.

“Ngay từ khi có tư tưởng thị trường hóa giáo dục đã phải tính đến chuyện nếu phá sản học sinh sẽ đi đâu? Đầu tư vào giáo dục không giống doanh nghiệp, doanh nghiệp nếu phá sản, thiệt hại chỉ ở phạm vi hẹp mang tính nội bộ. Trong khi đó, giáo dục liên quan đến cả nghìn gia đình, nếu phá sản thì giải quyết thế nào? 

Trường học trước hết phải đảm bảo mục tiêu đào tạo của Nhà nước. Muốn vậy, trước hết phải có đủ điều kiện mở. Sự thẩm định nếu chỉ dựa trên giấy tờ mà không giám sát thực tế thì Nhà nước rất dễ bị lừa vì họ có thể mượn sổ tiết kiệm, sổ đỏ của người khác để khai vống cho đủ điều kiện. Do đó, cơ quan chức năng kiểm tra không cẩn thận ắt sẽ dẫn đến những hậu quả tất yếu và sẽ giải quyết thế nào?”, ông Dong phân tích.

Ngoài ra, ông Dong cho rằng, đã cho lập ra một trường, rồi lại để nó chết thì liên đới trách nhiệm của cơ quan cho phép. Về việc các nhà đầu tư tự rao bán trường khi gặp khó khăn, cơ quan chủ quản của ngành giáo dục cần xem xét, quy định cụ thể, chặt chẽ. Bởi lẽ, một trường học không thể chuyển nhượng dễ dàng như một cửa tiệm kinh doanh bình thường khi gặp khó khăn về kinh phí. 

“Cơ sở đào tạo giáo dục không thể nhượng từ anh này sang anh khác một cách dễ dàng được vì nếu không cẩn thận sẽ tiếp tục hỏng, số phận của những người học sẽ thế nào? Đầu tư vào giáo dục không giống như một cửa hàng kinh doanh ăn uống: hôm nay bán cà phê không đông khách thì chuyển sang món ăn buổi trưa, không được nữa thì chuyển sang cái khác …”, ông Dong bức xúc.

Mặc dù hiện nay chưa có một số liệu cụ thể nào để căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng ngoài công lập nhưng PGS Phạm Tất Dong cho rằng, hầu hết các trường ngoài công lập thường chọn những lĩnh vực đào tạo không cần nhiều phòng thí nghiệm, không cần nhiều điều kiện kỹ thuật vật chất và bỏ qua những điều kiện phục vụ các hoạt động văn hóa giải trí, thể dục thể thao. Chỉ có thế họ mới đủ vốn để làm và thực tế rất nhiều các trường ngoài công lập phải thuê mướn địa điểm, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu thốn, quy mô đào tạo rất nhỏ. Ngay từ khi hoạt động, những trường này đã phải “lấy mỡ nó rán nó”.

Theo đó, nếu cứ để mô hình trường ngoài công lập tồn tại như hiện nay thì sẽ không tạo được điều gì đặc biệt về chất lượng đào tạo. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo mà ngành giáo dục đề ra.

“Nên xét lại loại hình trường ngoài công lập, cho mở ít thôi. Với những trường được mở, Bộ GD - ĐT cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ bởi các trường này cũng đào tạo nguồn nhân lực cho Nhà nước chứ không phải đào tạo cho riêng họ. Nếu cấp phép mở ào ào,  Bộ GD – ĐT cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Dong đề xuất.

Ngoài việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu, cộng tác viên, phải đảm bảo yêu cầu đào tạo, các trường phải tăng sự đoàn kết trong nội bộ và liên kết đào tạo với các trường khác để khắc phục những khó khăn phát sinh có thể xảy ra. 

“Một số trường lẽ ra chưa đến mức đổ bể nhưng do ăn chia không cẩn thận, nội bộ đấu nhau nên mới xảy ra cơ sự. Mở trường cũng là hình thức kinh doanh nên các nhà đầu tư quan tâm đến lợi nhuận là điều tất yếu nhưng cũng phải vì mục đích đào tạo. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, anh nào bỏ vốn anh ấy dùng thì các trường không thể liên kết lại với nhau, vượt qua những lúc khó khăn. Khi đó ắt sẽ phải bán trường, giải thể. Vì thế, cơ quan chủ quản cần chặt chẽ hơn trong việc ký giấy "khai sinh" các trường ngoài công lập cũng như giám sát, hỗ trợ các trường hoàn thành công tác đào tạo”, ông Dong nói.


Khánh Tường