“Bụi đời Chợ Lớn” sẽ về đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Bị hoãn chiếu khi chuẩn bị ra rạp, dư luận “ném đá” tên tiếng Anh “Chinatown”… và những tranh luận quanh quy định kiểm duyệt là những lùm xùm quanh bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” suốt tuần qua.

Phim bị ngừng chiếu vì chứa bạo lực, tính dục?

Bụi đời Chợ Lớn được xác định là phim "bom tấn” của mùa phim hè năm nay, đơn vị sản xuất đã thông báo lịch chiếu bộ phim vào ngày 19/4. Thế nhưng, khi các kế hoạch quảng bá phim đang diễn ra hết sức rầm rộ thì nhà sản xuất phim nhận được quyết định chưa cấp phép phổ biến. Theo những gì phía đơn vị sản xuất cho biết, phim không hợp với văn hóa phương Đông nên bị Hội đồng Thẩm định phim truyện - Cục Điện ảnh VN yêu cầu sửa chữa.
 
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh thì ngày 26/10/2012, Cục Điện ảnh đã có văn bản giám định kịch bản phim truyện Bụi đời Chợ Lớn trả lời công ty Chánh Phương sau khi công ty này gửi Cục hồ sơ đề nghị xin phép hợp tác với đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện bộ phim trên. Theo đó, Cục yêu cầu Hãng Chánh Phương cần phải cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn hoặc phản cảm, loại bỏ một số lời thoại thô tục, có tính chất kích động bạo lực, cắt bỏ cảnh quan hệ tình dục giữa hai nam thanh niên... Đồng thời, khuyến cáo nhà sản xuất không đưa vào phim cảnh các băng đảng xã hội đen ngang nhiên dàn trận thanh toán nhau đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên nhiều đường phố, trong các ngõ hẻm ở TP.HCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ một lực lượng xã hội nào vì điều này không đúng với bản chất cuộc sống của thành phố.

 Một cảnh trong phim Bụi đời Chợ Lớn. Ảnh: Thanh niên

Tuy nhiên, đơn vị sản xuất đã không hồi âm, để rồi sau đó bản phim được trình duyệt sau này vẫn tồn tại những điều mà Cục Điện ảnh đã cảnh báo yêu cầu cắt bỏ hoặc cần sửa chữa.

“Chính từ sự phớt lờ yêu cầu trên của Cục Điện ảnh, đơn vị sản xuất phim đã tự đẩy tác phẩm của mình vào thế vi phạm những điều cấm quy định tại khoản 2 điều 11 Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-C”, đại diện Cục điện ảnh cho biết..

Để bộ phim có thể ra mắt công chúng, Cục Điện ảnh yêu cầu cắt bỏ những cảnh hai nhóm xã hôi đen dùng dao, kiếm chém giết nhau hỗn loạn; cắt bỏ cảnh hai nam thanh niên làm tình. Bộ phim cũng cần được bổ sung thêm vai trò của chính quyền, của xã hội trước những hành vi vi phạm pháp luật của các băng nhóm xã hội đen.

Ngoài ra, theo phía Cục Điện ảnh, nhà sản xuất và phát hành phim Bụi đời Chợ Lớn đã vi phạm Luật Điện ảnh khi quảng cáo và đặt lịch chiếu trước khi phim được cấp phép phổ biến. 

Không chỉ xoay quanh quyết định của Hội đồng thẩm định Cục Điện ảnh, mới tựa đề tiếng Anh ban đầu của phim có tên là Chinatown càng gây tranh cãi kịch liệt hơn. Tuy nhiên, ngay sau khi cái tên này bị rò rỉ, đạo diễn Charlie Nguyễn lên tiếng; “Cái tên Chinatown không dịch nôm thành… thị trấn của Trung Quốc, hay có ý chỉ một khu phố Tàu như nhiều người nghĩ. Và cái tên này chỉ xuất hiện trong nội bộ khâu biên tập kịch bản, từ khi bộ phim Bụi đời chợ Lớn chưa bấm máy. Charlie Nguyễn khẳng định, anh và nhóm làm phim của mình chưa bao giờ có ý định lấy tên Chinatown để đặt tên tựa tiếng Anh cho bộ phim”.

Quy định kiểm duyệt, tạo rào cản, làm khó nhà làm phim?

Nói những lý do HDDP (Hội đồng duyệt phim) đưa ra cũng như hướng khắc phục những yêu cầu của Cục Điện ảnh, đạo diễn phim Bụi đời Chợ Lớn Charlie Nguyễn cho biết, câu chuyện phim diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn từ khoảng 1h sáng đến 4 - 5h sáng lại là phim hành động đặc thù, ít tuyến nhân vật nên để bổ sung thêm vai trò của chính quyền, của xã hội trước những hành vi vi phạm pháp luật của các băng nhóm xã hội đen là khá nan giải.

 Đạo diễn Charlie Nguyễn

Hơn nữa, đạo diễn Bụi đời Chợ Lớn cho biết, phim đã đóng máy, các diễn viên và ê kíp sản xuất đã giải tán. Hiện, mỗi người ở một nơi tham gia vào các dự án làm phim khác. Do đó, để tập hợp họ lại trong thời điểm hiện tại là chưa thể.

“Tôi nói thật lòng, tôi mong phim được công chiếu đến mức giờ ai mà ra điều kiện nếu muốn phim được công chiếu thì phải chiếu miễn phí tôi sẽ là người giơ tay đầu tiên. Nhà đầu tư cần thu hồi vốn. Còn tôi, tôi chỉ muốn phim mình làm được chiếu cho khán giả coi. Tôi tự hỏi, tại vì HĐDP không nhìn vào chất lượng phim mà cứ lấy công văn thẩm định kịch bản ngày trước ra và bắt phải làm theo. Mà làm theo là làm theo như thế nào? Chỉnh sửa kiểu thẩm định gửi về thì khác nào kêu làm lại bộ phim mới? Từ hôm giờ, chi phí cho việc chỉnh sửa đã lên tới con số 500 triệu. Bên phía làm phim rất mong được đối thoại với HĐDP, nhưng điều đó quả thật không dễ dàng”, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ trên Thanh Niên. 

Trước những lùm xùm quanh bộ phim đang bị “treo” diễn này, 2h sáng ngày 21/4, nam diễn viên chính của Bụi đời Chợ Lớn Johnny Trí Nguyễn đã viết "tâm thư" để bày tỏ suy nghĩ, tình cảm và mong mỏi của anh về tác phẩm.

Trong thư có đoạn: “Việc đem phim qua cửa duyệt không phải là chuyện của tôi. Mình vốn chỉ là một nghệ sĩ làm công như hàng trăm nghệ sĩ khác trong đoàn phim, quay xong, dựng xong, lãnh lương, hết chuyện. Chỉ vì quá tha thiết với cái "chủ trương phát triển nền điện ảnh nước ta" nên phải nhọc thân nghiên cứu và trình bày. Đến đây, tôi đã nói xong những gì muốn nói. Xin đừng ai cho tôi xem thêm những văn bản yếu lý hay những bài báo ngờ u nữa. Vận mệnh của một tác phẩm điện ảnh đậm đà nhất từ trước đến nay của các anh em trong đoàn phim chúng tôi đang nằm trong tay của Cục Điện ảnh. Tôi mong rằng Cục sẽ có những quyết định sáng suốt để "phục vụ nhân dân" mà ở đây là khán giả.

Tôi xin trở về với sự thanh thản của một nghệ sĩ và sự nhẹ nhàng của một người học võ đây…”

 “Bỏ khâu kiểm duyệt, điện ảnh sẽ loạn”

Theo đạo diễn Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, những điều được cho là nhạy cảm thường xuất hiện trong phim như bạo lực, tình dục… đều gắn kết với cuộc sống con người và mang đến ý nghĩa xã hội và đó là hiệu quả của một tác phẩm nghệ thuật. Cách hay nhất mà thế giới đều làm là phân loại phim cho phù hợp với các đối tượng khán giả. Nhưng ở nước ta, có những yếu tố quan trọng mà các nhà kiểm duyệt rất khó khoanh vùng: đó là những vấn đề nhạy cảm về ý đồ tư tưởng của bộ phim”.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng, thực tế, ở những nước có nền điện ảnh phát triển, phim không phải chịu bất cứ hệ thống kiểm duyệt nào, mà chỉ cần gắn mác phân loại theo độ tuổi. Chẳng hạn như trên 18 tuổi, công chúng có quyền tự quyết định tiếp nhận nghệ thuật như thế nào và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 

“Cánh cửa kiểm duyệt đã cho thấy sự hạn chế, tự do trong sáng tạo. Trong khi bản chất sáng tạo của các nhà làm phim là đi đến tận cùng suy nghĩ, và hầu hết tạo ra những tác phẩm thách thức cho công chúng. Tôi nghĩ có lẽ đến 50-60% các bộ phim đoạt giải thưởng tại LHP Cannes khó có thể qua vòng kiểm duyệt của Việt Nam”, ông Di nói.

Trên Thanh Niên, PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN cho rằng, điều kiện duyệt cần phải mở rộng nếu nó là rào cản, bởi tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng với tình hình hiện nay ở VN không thể bỏ qua khâu kiểm duyệt phim, bởi sẽ loạn.

Cũng theo ông Kim, hiện tại vấn đề kiểm duyệt phim đã thông thoáng nhiều hơn rồi. Hội đồng chỉ duyệt phần nội dung tư tưởng của phim, xem phim có vấn đề gì về chế độ, tôn giáo, chính trị… và phần chủ yếu là duyệt về khía cạnh văn hóa như bạo lực, tình dục… 

Ai cũng muốn phim ảnh của nước mình hiện đại hơn, muốn một bộ phim hành động, kinh dị phải “ra ngô ra khoai”, nhưng tình hình xã hội hiện tại chưa thể, vì tội phạm còn nhiều, chủ yếu là giới trẻ còn nhận thức thấp. Nếu tình hình đang như vậy mà bung những bộ phim dạng đó ra, thì người làm phim sẽ thấy thích, khán giả cũng thích, nhưng chắc chắn sẽ có một bộ phận khán giả phản ứng không đồng tình. Trách nhiệm của người quản lý là phải xem xét, kiểm duyệt; còn trách nhiệm xã hội của một nghệ sĩ thì phải biết dừng đúng chỗ. Giới hạn này không thể nói cụ thể ra sao, nhưng phụ thuộc vào sự “nhạy cảm” của từng nghệ sĩ.

“Tôi nghĩ nên phân loại phim bởi giờ không làm thì sau này cũng phải làm việc ấy thôi vì đó là xu hướng chung của thế giới. Liệu các rạp có bán vé đúng như quy định độ tuổi hay vượt rào để tăng thêm lợi nhuận, trong khi lực lượng đi kiểm tra không đủ? Nếu các rạp, các cơ quan khác cùng chung tay thực hiện tốt việc kiểm tra, bán vé đúng đối tượng mà phim phân loại, tôi sẽ là người đầu tiên ủng hộ xúc tiến sớm việc này”, ông Kim đề xuất.

Như vậy, tới thời điểm này, để biết "Bụi đời chợ Lớn" sẽ cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực, cảnh nóng thế nào và khi nào sẽ ra mắt.... chúng ta vẫn phải đợi.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh 

(Điều 9, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện ảnh số 31/2009/QH12)

1. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo.

2. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.

3. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục.

4. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái.

5. Đặt tên phim gây phản cảm, thô tục.

6. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết có nội dung trái pháp luật mà không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 điều này, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này
 
Thuần Lương (T.H)