Học thêm: Tử tế - không tử tế!

Google News

(Kiến Thức) - "Đi học thêm có khi kiến thức chỉ được thêm một ít nhưng lại làm hỏng cả con người. Học sinh không nói ra nhưng nó hiểu: Đi học sẽ được điểm cao hơn bạn không học thêm".

Trước thông tin Đà Nẵng chính thức triển khai quyết định "nói không với chuyện dạy thêm học thêm trong các trường công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước", TS Nguyễn Viết Chứcnguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cái khó là phân biệt thế nào là học thêm tử tế và không tử tế; tránh đồng loạt nói "không" với việc dạy thêm học thêm (DTHT) vì nhu cầu là có thật.

Từ xưa đã có hoạt động DTHT


Theo quyết định của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, nếu cán bộ, giáo viên vi phạm lần thứ nhất sẽ bị kiểm điểm, khiển trách trong nhà trường, vi phạm lần thứ 2 sẽ bị cảnh cáo trong toàn ngành, lần thứ 3 có thể bị xem xét thôi việc. Cá nhân ông thấy việc này có mạnh tay?

Tôi ngồi ngoài Hà Nội, không nắm được tình hình cụ thể của địa phương nên không muốn đánh giá quyết định của địa phương. Chuyện DTHT, từ Quốc hội khoá XI đã nói rõ: Chống DTHT sai chứ không phải cấm tất cả mọi hình thức DTHT. Nên nhớ, từ xưa đã có hoạt động DTHT. Việc dạy thêm đó không phải vì tiền, mà để học sinh học kém theo kịp các bạn khác. Những em học giỏi, có dấu hiệu tài năng cũng được bồi dưỡng thêm. 

Vậy, ý ông là...

Xác định mục đích và mục tiêu của học thêm là rất quan trọng. Nếu mục đích, mục tiêu để các cháu học yếu theo kịp lớp để chất lượng đồng đều thì rất tốt. Với học sinh có năng khiếu, có dấu hiệu trở thành tài năng... mà thầy lại dạy thêm thì thầy giáo đó có trách nhiệm đối với đất nước, với thế hệ trẻ. DTHT kiểu đó rất đáng khuyến khích.

Phản cảm

Sự thực bây giờ, ở các thành phố lớn, hiếm có học sinh nào không học thêm. Và với các thầy cô giáo dạy môn được coi là môn chính, không nhiều thầy cô không dạy thêm...

Đúng thế. Việc DTHT đang gây phản cảm. Tại sao? Tại vì đáng lẽ việc học ấy phải diễn ra ở trong nhà trường thì với nhiều lý do khác nhau, người ta lại tổ chức dạy thêm và học sinh đua nhau đi học thêm. Lại thêm hiện tượng: Đến học thêm thì cho đầu bài, cho biết những điều ngày mai sẽ kiểm tra. Sự thực, học sinh đi học thêm chưa chắc trình độ đã khá hơn nhưng điểm bao giờ cũng tốt hơn... Đi học thêm có khi kiến thức chỉ được thêm một ít nhưng lại làm hỏng cả con người. Học sinh không nói ra nhưng nó hiểu: Đi học sẽ được điểm cao hơn bạn không học thêm. Người thầy nào dạy thêm kiểu vụ lợi ấy rất đáng bị lên án. Và ngành giáo dục nói "không" với hiện tượng này phải quyết liệt. 

Việc nói "không" với DTHT đã được phát động từ lâu, nhưng chưa thực hiện được. Theo ông tại sao việc quản lý DTHT lại khó khăn đến thế? 

Khó ở chỗ phân biệt thế nào là học thêm tử tế, thế nào là DTHT không tử tế. Để tránh cái khó thì làm cái dễ nhất là đồng loạt nói "không" với DTHT. Tôi e rằng việc đồng loạt nói "không" không dễ thực hiện, bởi vì trong xã hội có nhu cầu thật. Theo tôi, tốt nhất nên có quy định cho những trường hợp đặc biệt. Điều này buộc nhà quản lý phải theo dõi thế nào là đặc biệt, cá biệt. 

Bản thân ông, ông có cho con mình đi học thêm?

Đã có nhà báo hỏi tôi câu này. Câu trả lời là: Có. Tôi chọn con đường cho con học thêm vì nó liên quan đến chuyện thi cử. Nếu không cho đi học thêm, nhỡ nó thi trượt, tôi phải đi xin xỏ thì còn tệ hại, xấu hổ, vi phạm hơn. 

Có lẽ các vị phụ huynh khác cũng nghĩ như ông...

Có lẽ vậy. Tôi cho rằng biện pháp nói không với DTHT phải đi kèm với việc thi cử như thế nào. Yêu cầu thi cử đầu vào quá cao mà không học thêm, nhỡ nó thi trượt thì sao? Vấn đề là ngăn cấm DTHT với mục đích sai trái, cụ thể là mục đích kiếm tiền. Đáng lẽ việc đó phải dạy ở trong giờ chính khóa thì lại không dạy, hoặc dạy rất qua loa, đến lúc ra ngoài dạy thêm, lại dạy kỹ càng. Cái này dứt khoát phải chống vì nó thuộc về đạo đức. Tôi tin Đà Nẵng nói "không" là không với kiểu DTHT như thế. 

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục,
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội.

Đừng để đau khổ cho nhân dân

Theo quy định của Đà Nẵng, vẫn được DTHT nhưng giáo viên không được tự ý DTHT mà là do nhà trường phân công và quyết định; để mở lớp dạy thêm phải đến Sở GD&ĐT để làm thủ tục, đăng ký, tức là phải được Sở GD&ĐT cho phép...

Đà Nẵng làm thế là đúng. Chuyện DTHT phải được phép của nhà trường, của Sở GD&ĐT. Nhưng quản lý phải đúng nghĩa quản lý chứ không phải quản lý để lấy tiền. Đừng để xảy ra chuyện: Đã quản lý, ăn lương quản lý, nhưng sinh ra cái gì cũng phải xin phép... lại chạy chọt, tiêu cực. Nếu cấm cái tiêu cực này lại dẫn tới cái tiêu cực khác thì thật là đau khổ cho nhân dân. 

Gần đây, Đà Nẵng được dư luận hoan nghênh vì nhiều quy định, trong đó có việc không vứt rác ra đường, xe ngoại tỉnh đi vào Đà Nẵng nếu lỡ sai phạm cũng không bị phạt... Lần này, với quy định về giáo dục, chủ quan của mình, ông có tin Đà Nẵng sẽ làm được? 

Tôi tin ở Đà Nẵng. Nhiều năm gần đây họ làm việc có sáng tạo, tuân thủ pháp luật nhưng đồng thời có những quy định, quy chế hợp lòng người... Nhưng với việc này, tôi cho là một việc khó, bởi vì con em Đà Nẵng cũng phải thi theo điểm chuẩn quốc gia, giả sử nếu không DTHT, chất lượng không đảm bảo thì cũng đáng lo. Nhưng dù sao tôi vẫn ủng hộ Đà Nẵng. Đầu óc của con trẻ không phải cái thùng hay cái bao tải để người lớn tùy tiện nhồi nhét kiến thức. Các cháu phải được chơi; vừa học, vừa nghỉ ngơi thì mới tiếp thu được. 

Tôi thấy Bộ GD&ĐT phát động nói không với DTHT từ rất lâu rồi nhưng chưa thực hiện được, việc DTHT vẫn tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn...

Bộ GD&ĐT thấy khó. Các Sở GD&ĐT cũng thấy khó. Bây giờ có Đà Nẵng đi đầu. Cá nhân tôi nếu ở Bộ, tôi sẽ phối hợp với Đà Nẵng để gỡ cái khó này, mục đích để thí điểm. Nếu được thì có thể nhân rộng ra cả nước. Có một địa phương đi đầu trong việc này thì tại sao không chớp lấy việc này ủng hộ họ, cùng với họ làm? Sau khi làm sẽ thấu hiểu khó - dễ ở cái gì, cái gì làm được và không làm được, cái nào khả thi và không khả thi, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Tôi nghĩ đây là một cơ hội rất tốt cho Bộ GD&ĐT. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng vừa chính thức triển khai quyết định "nói không với chuyện dạy thêm học thêm trong các trường công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước". Theo đó, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, nếu cán bộ, giáo viên các trường phổ thông vi phạm quy định về dạy thêm học thêm lần thứ nhất sẽ bị kiểm điểm, khiển trách trong tập thể sư phạm nhà trường, không xem xét các danh hiệu thi đua trong năm học đó; lần thứ hai sẽ bị cảnh cáo trong toàn ngành và kéo thời gian nâng lương thêm 1 năm so với quy định; lần thứ ba sẽ điều chuyển công tác và xem xét cho thôi việc.

Hoài Hương (Thực hiện)