Thu nhập ngoài lương: “Phong bì đi họp là con số nhỏ“

Google News

(Kiến Thức) - “Có những cái thu nhập gấp tỷ lần so với cái đi họp. Ví dụ, ông bộ trưởng được tặng 1 cái đồng hồ trị giá 40 nghìn đô, cái đó không phải ngoài thu nhập thì là cái gì", nhà xã hội học Nguyễn Khắc Lịch nói.

Kết quả khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, 80% người có chức vụ, quyền hạn có thu nhập ngoài lương. Trong đó, gần 83% số người được hỏi cho biết khoản thu nhập ngoài lương thấp hơn 50% lương; 11% bằng một nửa đến ngang với tiền lương, còn lại là cao hơn. Một số người có thu nhập cao hơn 5-10 lần, thậm chí hơn 10 lần tiền lương.

Các khoản thu nhập ngoài lương đến từ nhiều nguồn. Trong số những người có thu nhập ngoài lương, 65% thu nhập thêm do tiết kiệm được các khoản theo mức khoán quy định, 55% có tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp, dưới 10% có tiền được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng...

 80% cán bộ có chức, có quyền hạn có thu nhập ngoài lương? Ảnh minh họa

Trao đổi với Kiến Thức, PGS.TS xã hội học Nguyễn Khắc Lịch cho rằng, việc cán bộ thu nhập ngoài lương không cần điều tra xã hội học ai cũng biết, nó là chuyện phổ biến, vấn đề là từ đâu, mức độ thế nào.

Thực tế, tỷ lệ người có thu ngoài lương hiện nay có thể ở mức trên 90%. Thu nhập ngoài lương từ phong bì đi họp cũng có nhiều loại. Phong bì đi họp theo quy định nhà nước chỉ 50.000 đồng nhưng những ông có chức có quyền đi dự những cuộc họp với vai trò là khách mời thì phong bì lên đến vài triệu, 5-10 triệu đồng. Hơn nữa, với một số quan chức, thu nhập bằng phong bì họp chỉ là con số nhỏ, “không ý nghĩa gì” so với những nguồn thu khác.

“Có những cái thu nhập gấp tỷ lần so với cái đi họp. Ví dụ, ông bộ trưởng được tặng 1 cái đồng hồ trị giá 40 nghìn đô, cái đó không phải ngoài thu nhập thì là cái gì. Vì vậy, muốn đánh giá cho đúng thu nhập ngoài lương của các công chức có chức có quyền hiện nay thì phải tiến hành điều tra theo từng cấp, từng hệ thống và các loại, hình thức thu nhập khác nhau”, ông Lịch nói. 

Không ngạc nhiên trước thông số của cuộc khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới vừa công bố nhưng ông Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, con số này “chẳng giải quyết được vấn đề gì”.

“Những người lao động có nguồn thu nhập chính và thu nhập thêm, kể cả cán bộ có chức có quyền nhưng những cái đó không bao giờ phát sinh tham nhũng. Điều tra xã hội học để chống tham nhũng thì không có hiệu quả.

Ví dụ, tôi đến ông hiệu trưởng trường A, mất phong bì nhưng phong bì bao nhiêu, nếu nhiều mới là tham nhũng, mới gây nguy hiểm chứ ít chỉ là phiền hà cho xã hội thôi. Thanh tra Chính phủ đưa ra con số này với hy vọng nếu khắc phục được thì chống được tham nhũng nhưng không phải như thế. Thăm dò không phải không tốt nhưng chỉ chi phối được những người làm công ăn lương thôi chứ không chi phối được tham nhũng. Muốn chống tham nhũng phải dùng cơ quan điều tra”, ông Khiển thẳng thắn.

Trước đó, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cũng cho biết thực tế số người không có thu nhập ngoài lương còn có thể thấp hơn 20%.  Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan đến tham nhũng, như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu (tặng).

Theo ông Hùng, kết quả khảo sát này sẽ là cơ sở để Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ đề án kiểm soát thu nhập cá nhân ngay trong năm 2013. Tuy nhiên, ngay trong nghiên cứu cũng đã nêu rõ những khó khăn trong việc kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức. 

TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Thanh Lan