“Hy vọng lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm thực chất“

Google News

(Kiến Thức) - Ông Trần Quang Chương, Bí thư Chi bộ Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ với Kiến Thức về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo của Quốc hội.

Bỏ phiếu tín nhiệm để lấy lại lòng tin

Quốc hội đang chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt. Là một cử tri, ông có theo dõi thông tin này từ nghị trường?

Tôi theo dõi rất sát các vấn đề mà Quốc hội bàn, nhất là các phiên chất vấn. Việc lấy phiếu tín nhiệm là một việc tốt, thể hiện dân chủ và được lòng dân. Nhất là trong thời gian này, nạn tham nhũng trở nên phổ biến ở mọi nơi, làm thiếu hụt lòng tin của người dân. Việc lấy phiếu tín nhiệm lại càng trở nên cần thiết. 

"Nạn tham nhũng phổ biến", ông nói thế có hơi quá?

Ví dụ như việc làm sổ đỏ. Đất của người ta, nhà của người ta rõ ràng, mà để làm được cái sổ đỏ cũng không phải đơn giản. Phải qua nhiều cửa lắm, nhiều chi phí. Tiền để hối lộ để có được cuốn sổ đỏ từ phường lên đến thành phố, nhất là các thành phố lớn thì không biết bao nhiêu mà kể.  

Nhưng đó chỉ là một việc, đâu phải phổ biến?

Rồi việc lấn chiếm đất đai, việc tùy tiện thu hồi đất, đền bù không thỏa đáng, nhân dân rất khổ. Thế thì ai làm những chuyện đó? Phải là lãnh đạo thì mới có thẩm quyền để làm được những việc đó.

Hẳn là ông rất kỳ vọng vào việc lấy phiếu tín nhiệm lần này?

Tôi thấy không tin tưởng lắm. Vừa qua, chúng ta có đề ra chương trình làm thế nào để trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng thì chúng tôi vô cùng phấn khởi. Nhưng với thực tế diễn ra thì tôi cảm thấy thất vọng nhiều. Ngay ở phường tôi, có 4 - 5 cán bộ gặp những sai phạm, sai lầm, dân không tín nhiệm thế là họ lại được đưa lên trên quận. Dù thành phố bảo phải kiểm điểm những người đó, thế nhưng họ vẫn đương giữ những chức vụ quan trọng.

Nhiều người cũng hy vọng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm thực chất?

Dù không tin là sẽ làm được, nhưng vẫn chỉ còn cách hy vọng mà thôi. 

Ông Trần Quang Chương, Bí thư Chi bộ Phường Nghĩa Đô,
Cầu Giấy, Hà Nội.

Hiếm người bị kỷ luật vì tham nhũng

Nhưng Quốc hội là đại diện cho tiếng nói của dân, các đại biểu cũng cân nhắc nhiều trước khi bỏ phiếu chứ không phải thích bỏ cho ai thì bỏ?

Tất nhiên, nhưng qua thực tế diễn ra thì tôi có nhiều nghi ngại. Rất hiếm hoi có lãnh đạo tỉnh nào đó phải nhận kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng. Tôi được biết mới có lãnh đạo một tỉnh bị kỷ luật. Còn 63 tỉnh, thành khác thì không có động thái gì. 

Nếu thế thì chứng tỏ là những tỉnh đó không có vấn đề gì?

Làm gì có chuyện đó được. Tôi khẳng định là không có địa phương nào mà không có nhũng nhiễu tiêu cực. Không thể nào không có tham nhũng. Tôi không đi hết nhưng tôi có thể khẳng định thế. Từ chuyện đất đai, lấn chiếm, chính sách... cái gì động chạm đến tiền cũng dễ nảy sinh tiêu cực.

Ông nhìn nhận thế thì tiêu cực quá!

Thì đấy, ở Hà Nội đã từng có bà quan chức chỉ sau một năm mà tài sản kê khai đã nhiều gấp 5 - 7 lần năm trước rồi. Lương bổng thì vẫn thế, không tham nhũng thì làm gì mà ra số tài sản ghê gớm thế. 

Người nào vì dân vì nước thì tôi bỏ phiếu

Ông lo lắng gì về việc lấy phiếu tín nhiệm lần này?

Tôi lo chuyện này nhưng không biết nó có xảy ra không. Ấy là người tốt, người làm thật, thẳng thắn trung thực nhưng phiếu ít. Người bợ đỡ, nịnh nọt thì lại được phiếu cao. Tôi rất lo điều đó.

Vì sao ông lại lo lắng điều đó?

Thì thực tế xung quanh tôi đã diễn ra như thế. Tôi đã thấy những chuyện đó. Người bợ đỡ được đánh giá cao, người trung thực thẳng thắn lại bị đánh giá thấp. Thẳng thắn thì hay bị mất lòng. Sai là nói ngay thì dễ đụng chạm. Còn người sai hay đúng cũng không nói thì người ta lại thích.

Qua cách nói của ông, tôi cảm giác ông còn nhiều lo lắng khác?

Tôi lo những mối quan hệ tình cảm sẽ chi phối vào trong lá phiếu. Là con người, ai chẳng có những mối quan hệ cá nhân, góc độ tình cảm, anh em bạn bè.

Thế thì niềm tin của ông vào vị đại biểu Quốc hội mà ông bỏ phiếu như thế nào?

Nói chung tôi cũng chỉ tin vừa vừa thôi. Còn thời điểm người ta bỏ phiếu thì người ta cũng phải chịu nhiều áp lực này nọ, nhiều mối quan hệ này nọ. Nên trước khi bỏ phiếu thì chưa thể nói được điều gì. 

Nếu được trực tiếp bỏ phiếu thì ông sẽ bỏ phiếu cho lãnh đạo ngành nào?

Ngành nào làm tốt thì tôi bỏ phiếu, người nào vì dân vì nước thì tôi bỏ phiếu. Bỏ phiếu hoàn toàn là theo nhận thức và lương tâm của mình thôi. Ai tốt thì tôi bỏ phiếu, không tốt thì tôi gạch đi thôi.

Liệu có khi nào, biết người nào đó không tốt nhưng vẫn bỏ phiếu cho họ không?

Có đấy, nhiều chứ. Tôi biết nhiều trường hợp đã từng bỏ phiếu kiểu đó. Nghĩa là con người ta dù có xấu xa, có tham nhũng, có tiêu cực, có tội lỗi đến thế nào thì cũng có những mối quan hệ tình cảm nhất định. Với người này thì là xấu, nhưng với người khác thì lại không xấu là bởi người ấy đổi xử tốt với họ, họ có những mối lợi nhất định trong quan hệ đó. Thế nên họ vẫn bỏ phiếu. 

Nhưng tôi nghĩ ở một nghị trường lớn như Quốc hội thì khó có chuyện đó?

Nó không chừa ai đâu, không chừa cấp nào. Là con người mà, ai chẳng có các mối quan hệ chứ. Cấp nào chẳng có xu nịnh, cấp nào chẳng có tham nhũng, cấp nào chẳng có quan tham. 

Lãnh đạo nói chỉ để lấy lòng

Theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội, ông có để ý theo dõi lời hứa của các bộ trưởng không?

Tôi theo dõi kỹ lắm. Kỳ họp nào tôi cũng chăm chú theo dõi từng lời hứa, từng phát ngôn và so sánh nó với hành động trong thực tiễn. Thực sự là tôi thấy chán rồi. Các vị ấy nói thì hay nhưng làm thì dở lắm. 

Nhưng họ cũng phải giữ chữ tín cho mình trong mắt người dân chứ?

Nhiều khi nó cũng có cái khó, cá nhân họ muốn thế nhưng những người khác không muốn thì sao? Tôi có nghe một người kể rằng mỗi khi có lãnh đạo cấp trên xuống thăm, kiểm tra, đôn đốc là lãnh đạo của đơn vị đó lại phải quán triệt nhân viên: Ông ấy bảo gì cũng vâng, cũng gật. Cứ vâng đi. Không ai cãi lại gì cả. Còn làm như thế nào là việc của tôi. Làm hay không làm là do tôi.

Ông đánh giá thế nào về chữ tín của lãnh đạo hiện nay?

Chữ tín bây giờ của lãnh đạo giảm lắm, so với trước đây. Trước đây lãnh đạo nói thế nào là làm thế, một là một hai là hai. Bây giờ thì khác. Họ chỉ nói để lấy lòng, để tuyên truyền thôi, còn làm thì khó lắm. Ví dụ, giờ làm việc gì mà có lợi cho bản thân thì làm tích cực lắm, còn làm việc gì chỉ có lợi cho dân thôi thì làm cầm chừng, làm chậm lắm.

Giả sử kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lần này sẽ cao với những ngành mà theo ông còn nhiều bức xúc thì ông sẽ làm thế nào?

Thì cũng đành chịu thôi. Lòng tin của mình nó sẽ lại giảm thôi.

Ông có lời nhắn gửi gì đến các đại biểu Quốc hội, những người chuẩn bị cầm lá phiếu tín nhiệm?

Hãy công tâm, dựa trên thực tế nhìn nhận để mà bỏ phiếu. Đừng đưa tình cảm hay bất cứ lý do gì vào lá phiếu của mình.

Xin cảm ơn ông!

Qua theo dõi các nước trên thế giới tôi thấy sao việc quản lý của người ta đơn giản thế. Một đoàn tàu gây tai nạn thôi là bộ trưởng xin từ chức ngay. Một vụ cháy, một vụ động đất là do thiên nhiên gây ra nhưng không có cách đề phòng, giải quyết tốt thì lãnh đạo sẵn sàng từ chức. Còn ở Việt Nam thì chẳng bao giờ thế, vẫn y nguyên. Xảy ra cái gì thì xảy, lãnh đạo vẫn cứ y nguyên. Không có luật, cũng chẳng có chế định nào buộc họ phải từ chức cả. Nếu có việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm thì những người đó cũng phải soi mình đã làm tốt hay chưa, được người dân tín nhiệm không.

Tô Hội (Thực hiện)