Theo văn bản hỏa tốc (số 9176) do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường ký gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã tìm được “tiếng nói chung” trong việc quy định xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông theo quy định (xe không chính chủ).
Xử phạt theo lộ trình
Trong cuộc họp diễn ra ngày 30/8 vừa qua, cả 3 bộ đều đề nghị cần mô tả rõ hơn để xác định hành vi và đối tượng vi phạm, đồng thời giảm mức tiền phạt theo hướng quy định mức phạt với các cá nhân bằng mức phạt cũ đã được quy định tại Nghị định 34.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quy định xử phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, gắn máy và các loại xe tương tự mô tô (gọi tắt là xe máy) và từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe máy “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là xe máy”. Ngoài ra, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô (gọi tắt là xe ô tô) và phạt từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, thừa kế tài sản là xe ô tô”.
|
Bộ GTVT đề nghị, trước mắt chỉ xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng. |
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe. Việc giới hạn các trường hợp kiểm tra, xử phạt đối với hành vi vi phạm này nhằm hạn chế tối đa khả năng lạm dụng, gây phiền hà cho người dân khi tham gia giao thông. Lộ trình áp dụng thực hiện việc xử phạt bắt đầu từ ngày 1/1/2015 đối với ô tô và từ ngày 1/1/2017 đối với xe máy.
Tạo thuận lợi cho người dân
Để bảo đảm thực hiện các kiến nghị trên, Bộ GTVT cho rằng cần quy định rõ một số nội dung để đáp ứng các yêu cầu quản lý cũng như tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sang tên, đổi chủ phương tiện. Theo đó, cần quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế và đơn giản hóa thủ tục nộp lệ phí trước bạ xe.
Để làm được điều này, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương sửa đổi Thông tư 36/2010 và Thông tư 12/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 về đăng ký xe, trước khi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 34 và Nghị định 71) có hiệu lực. Trong thông tư mới cần quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế… là cá nhân, tổ chức mua, được cho, tặng, thừa kế tài sản là phương tiện cơ giới đường bộ.
Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết Thông tư 12 đã tạo điều kiện rất lớn cho người dân đang sử dụng phương tiện được mua bán lòng vòng qua nhiều đời chủ hoặc thiếu giấy tờ được “chính chủ” phương tiện với thời gian áp dụng kéo dài hết năm 2014. Trong văn bản 9176, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về nộp lệ phí trước bạ xe để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe, đặc biệt trong trường hợp phương tiện đã chuyển nhượng qua nhiều người mà không có đủ chứng từ chuyển nhượng.
Xử phạt chủ phương tiện
Theo dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì xử phạt chủ phương tiện. Nếu chủ phương tiện không có mặt thì người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ bị tạm giữ phương tiện.
Theo Người Lao Động