Bỏ chấm điểm học sinh lớp 1: Sẽ phải hướng dẫn lại

Google News

(Kiến Thức) - Bộ GD-ĐT nhận thấy hướng dẫn về việc bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 chưa phù hợp với Thông tư 32 của Bộ (quy định kết hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét). 

Giảm áp lực học, giảm dạy thêm, học thêm
Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2013 - 2014 gửi các sở GD-ĐT. Theo đó, Bộ có lưu ý dặc biệt đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học. Giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thay vào đó chỉ nhận xét động viên, khuyến khích, khen ngợi, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày ở mỗi hoạt động của từng học sinh dù đó là sự tiến bộ nhỏ nhất. Hướng dẫn tận tình để giúp học sinh cảm thấy tự tin và hứng thú với các hoạt động học tập, đặc biệt quan tâm đến những học sinh có khó khăn trong học tập, tuyệt đối không chê trách học sinh, không bắt học sinh làm các bài tập vượt quá yêu cầu của chuẩn kiến thức kỹ năng đã được quy định.
 Bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 để giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Việc không chấm điểm học sinh lớp 1 lần đầu tiên được áp dụng trong năm học này là sự tiếp thu của Bộ GD-ĐT sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, vì giáo viên chấm điểm học sinh ngay khi vào lớp 1, so sánh giữa các học sinh biết đọc, biết viết trước với những học sinh chưa biết đọc, biết viết khiến phụ huynh bị tạo áp lực, phải cho con đi học trước.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, lý giải: “Theo tôi, lớp 1 không cần chấm điểm, vì hết lớp 1 chỉ yêu cầu học sinh biết đọc, biết viết. Điều cần thiết đối với lớp 1 là giáo viên theo sát học sinh, hướng dẫn, nhận xét các em. Còn 7, 8 hay 9, 10 điểm thì các em đều được lên lớp, vì vậy chỉ cần nhận xét thôi, không cần chấm điểm”.
Đứng ở góc độc quản lý cấp Tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), hoàn toàn ủng hộ chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Tiến, hiện nay, trước khi vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy cô giáo để dạy trước cho con nên các cháu có thể tập đọc, tập viết và làm Toán sẽ tốt hơn những em chưa hề học trước. Chính vì vậy, việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng. Điều này cũng tạo ra phong trào khiến phụ huynh “chạy” theo việc cho con học trước lớp 1.
Trẻ em mầm non bước vào lớp 1 là sự chuyển đổi mạnh mẽ về tâm lý nên việc chấm điểm học tập sẽ tạo áp lực rất lớn đối với học sinh. Các em sẽ so sánh kết quả học tập của mình với bạn bè và cảm thấy mình kém cỏi hơn nên sẽ rơi vào tình trạng phải học đuổi, học quá tải.
“Tôi nghĩ rằng, sau khi áp dụng không chấm điểm học sinh lớp 1 thì tình trạng dạy thêm, học thêm trước chương trình sẽ giảm đi đáng kể trên địa bàn thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung”, ông Tiến bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, những năm học trước, TP đã triển khai thực hiện không chấm điểm cho học sinh lớp 1 từ hai đến bốn tuần đầu năm học, việc thực hiện trong suốt năm học chỉ là một bước mở rộng hơn. 
“Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tạo nền tảng tâm lý tốt cho học sinh bước vào lớp 1, không có suy nghĩ bị so sánh, giúp học sinh thích đi học và thích học hơn”, ông Vinh nhận xét.
Giáo viên áp lực, phụ huynh lơ là
Thế nhưng, hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT về việc bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 cũng khiến giáo viên và phụ huynh còn nhiều băn khoăn.
Hiệu trưởng một trường tiểu học thẳng thắn bày tỏ, không có giáo viên nào vất vả như giáo viên lớp 1. Mỗi một em vào trường đều có hiểu biết, kiểu học khác nhau. Chỉ riêng việc rèn cho các em có nề nếp chung đã mất cả một kỳ học rồi, chưa kể còn phải nhận xét cụ thể đến từng phụ huynh. Giáo viên đánh giá không khéo lại thành “cá mè một lứa”.
Hơn nữa, giáo viên cũng đã quen với cách thường xuyên ra bài kiểm tra sau mỗi nội dung học để nắm mức độ hiểu bài của các em. Nếu chỉ sử dụng nhận xét mà không chấm điểm sẽ khó thể hiện hết ý của giáo viên.
Thêm vào đó, trình độ mỗi em mỗi khác nên cũng lo cách làm này sẽ dung hòa các em, không tạo sự vượt trội với những em học khá hơn. Đây cũng là lo ngại của một số phụ huynh học sinh. Điểm số không quan trọng nhưng cũng là cơ sở để phụ huynh biết con mình tốt, yếu đến đâu. Giỏi hay yếu mỗi bé một khác, liệu nhận xét có đánh giá đúng thực chất khả năng của bé.
Đặc biệt, ngay khi đưa ra hướng dẫn mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho hay, sau khi xem xét kỹ, Bộ GD-ĐT nhận thấy hướng dẫn này chưa phù hợp với Thông tư 32 của Bộ (quy định kết hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét). Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ phải hướng dẫn lại.
Anh Tuấn (tổng hợp)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Phạm Thị Mai -

Đồng ý với phần cuối của bài viết
Giáo viên lớp 1 quá áp lực. Và làm cho phụ huynh sẽ lơ là. Mỗi lần đi rước con câu đầu tiên hỏi sẽ là hôm nay được mấy điểm. Bây giờ hỏi sao? Các e chưa hiểu và đọc được cô viết gì. Cần cân nhắc lại. Vì đây là ở VN

Hiển thị thêm bình luận