Người dân mất lòng tin với cán bộ, họ cũng phải đưa tiền để việc của mình được giải quyết, chứ không phải cán bộ “đòi” họ thì mới đưa”, và cũng rất khó chứng minh cán bộ "đòi" hối lộ, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nêu khi Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi ngày 30/10.
|
ĐB Nguyễn Bá Thuyền. |
Phi hình sự hóa để giải cứu cho cán bộ?
Góp ý về quy định đối với tội danh nhận hối lộ, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu chi tiết quy định trong điều luật là: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian “đòi”, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ vật chất hoặc phi vật chất nào... Theo ĐB Thuyền, đưa từ "đòi" vào trong điều luật như vậy là không hợp lý, bởi lẽ không ai chứng minh việc “đòi” để nhận tiền hối lộ.
"Nếu chúng ta ghi thêm từ "đòi" vào chẳng khác nào tiếp tay cho tội phạm tham nhũng", ĐB Thuyền nhìn nhận và đề nghị bỏ chữ “đòi”, bởi thực tiễn người dân thấy cán bộ gây khó khăn cho công việc thì họ phải đưa tiền để được việc.
“Người dân mất lòng tin với cán bộ, họ cũng phải đưa tiền để việc của mình được giải quyết, chứ không phải cán bộ “đòi” họ thì mới đưa”, ĐB Thuyền cũng bày tỏ sự băn khoăn khi chứng kiến một vị Bộ trưởng trả lời trên truyền hình, rằng “cán bộ của tôi không ai “đòi” đưa hối lộ cả chỉ là dân tự đưa”. Tôi không đồng tình với từ đòi này”.
Liên quan đến việc phi hình sự hóa một số loại tội phạm, ĐB Thuyền cho rằng, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cần phải có sự cân nhắc kỹ.
"Khi đi tiếp xúc cử tri, có người dân nói là có phải các ông phi hình sự hóa để giải cứu cho cán bộ ra tù? Tôi đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ vấn đề này. Cần có thông tin đầy đủ cho ĐBQH, hiện có bao nhiêu cán bộ đang nằm tù về tội cố ý làm trái? Bao nhiêu cán bộ đang bị điều tra, truy tố về tội cố ý làm trái?
Nếu bỏ tội danh này thì đương nhiên những người đang bị điều tra, truy tố về tội đó sẽ được đình chỉ, bao nhiêu người đang thi hành án được ra tù, kể cả trường hợp những người phạm tội trong vụ án Vinashin", ĐB Thuyền phân tích.
ĐB Thuyền đề nghị: “Cần phải giải thích kỹ trước khi QH bấm nút thông qua. Nói thế này nhưng sau đó lại đưa ra khác, cuối cùng tha hết cán bộ ra là chúng ta có tội với nhân dân”.
Không nên bỏ tử hình tội cướp tài sản, vận chuyển ma túy
Liên quan đến việc miễn giảm tử hình với 7 tội danh, ĐB Thuyền chỉ đồng ý bỏ 5 tội danh. Riêng tội cướp và vận chuyển trái phép ĐB Thuyền chưa đồng tình. Theo ĐB, tội cướp tài sản hết sức nguy hiểm, có những vụ cướp kéo dài từ miền Bắc tới miền Trung, với những hành vi hết sức nguy hiểm, toàn dùng thuốc mê. Cũng như tội vận chuyển ma túy, nếu bỏ tử hình thì sẽ không tử hình được ai, vì người ta chỉ nhận mình vận chuyển chứ không phải chủ mưu.
Cũng liên quan đến việc miễn án tử hình, trao đổi với PV bên lề kỳ họp, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị không miễn tội tử hình đối với người trên 75 tuổi, không loại trừ. “Anh về hưu, phát hiện ra khối tài sản tham ô hàng trăm tỷ thì phải tử hình chứ? Đừng hi vọng những người tham nhũng khắc phục hậu quả, mà họ chỉ tìm cách tẩu tán tài sản thôi”, ĐB Đương nhấn mạnh.
(Kiến Thức đã thay đổi tiêu đề bài viết)
Theo Tiền Phong