Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đang tạm giữ N.K.A (19 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận, tạm trú quận Tân Bình), để điều tra làm rõ hành vi bắt cóc, tống tiền và giết người.
Thủ tiêu bạn thân vì biết Công an điều tra
Theo điều tra ban đầu của CQĐT, nghi can A. và em Lư Vĩnh Đạt là bạn thân và cùng học chung lớp lập trình game. Nhiều lần A. đã đến nhà Đạt chơi nên ba, mẹ Đạt cũng biết mặt.
|
Gia đình vô cùng đau đớn trước cái chết oan nghiệt của em Lư Vĩnh Đạt. |
Bà Nguyễn Thị Lệ (mẹ em Đạt) cho biết: "Đêm trước ngày xảy ra việc con tôi mất tích, Đạt đi chơi về nhà trong trạng thái say xỉn nhưng không có mùi rượu bia. Được tra hỏi, Đạt cho biết vừa đi ăn kem với A. về nhưng không biết tại sao ăn xong nghe có mùi đắng, nôn ói...".
CQĐT nghi ngờ, ngày 26/2, cả 2 tiếp tục đi chơi và A. rủ Đạt về nhà trọ của mình và tại đây A. đã chuốc thuốc cho đến khi Đạt bất tỉnh (CQĐT đang xác định loại thuốc). Sau đó A. đã lấy điện thoại nhắn tin cho gia đình bạn với nội dung Đạt bị bắt cóc, gia đình phải đưa 500 triệu đồng tiền chuộc.
|
Một trong nhiều tin nhắn bọn bắt cóc nhắn hăm dọa, đòi tiền chuộc gia đình nạn nhân. |
"Khi phát hiện con bị bắt cóc, gia đình đã tìm trên máy tính, vào trang Facebook của con thì thấy A. với Đạt hẹn nhau đi xem phim ngay ngày Đạt mất tích nhưng hỏi thì A. nói không có. Sau đó, A. có đến nhà 2 lần với thái độ bất thường nhưng vợ chồng tôi cũng không để ý. Có thể A. biết vợ chồng tôi đã báo Công an nên sau đó nhắn tin dọa rằng sẽ thủ tiêu nếu gia đình tiếp tục bào Công an", bà Lệ kể lại.
Đến ngày 4/3, bảo vệ cảng Tân Thuận 2 quận 7 phát hiện thi thể em Đạt bị giết, cột trong bao tải thả trôi trên sông Sài Gòn trong tình trạng phân hủy.
Công an tắc trách?
Trước cái chết thảm của con, gia đình bà Lệ vô cùng đau đớn và bức xúc về sự tắc trách của công an khi cho rằng Công an vào cuộc điều tra chậm, thiếu nhiệt tình... là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình.
|
Bà Lệ đau xé lòng vì mất con và bức xúc cho rằng Công an tắc trách gây hậu quả đáng tiếc. |
"Vừa nhận được tin nhắn của bọn bắt cóc đòi tiền chuộc, vợ chồng tôi đã đến Công an phường An Lạc A và Công an quận Bình Tân trình báo trong tâm trạng lo lắng. Tuy nhiên suốt thời gian sau đó gia đình không nhận được phản hồi gi cũng như mời lên để phối hợp tìm cách giải cứu con tôi", bà Lệ bức xúc phản ánh.
Một cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm về phá án bắt cóc cho biết: "Với tin nhắn có nội dung bắt cóc đòi tiền chuộc và đe dọa tính mạng con tin và cụ thể trong vụ bắt cóc có số tiền lớn như vậy thì CQ Công an sau khi tiếp nhận phải vào cuộc ngay điều tra giải cứu con tin. Công an phải mời (hoặc xuống tận nhà) nạn nhân để cùng lên phương án, kế hoạch phối hợp thương lượng với bọn tội phạm. Công an phải nhanh hơn tội phạm và những loại án này Công an quận, huyện thường phải báo cáo Công an thành phố hỗ trợ phá án".
Hiện Công an TP HCM làm rõ quy trình tiếp nhận thông tin từ gia đình nạn nhân của Công an địa phương trong vụ án này. Nguồn tin riêng của Kiến thức, Bộ Công an cũng chú ý đến vụ án, đặc biệt là trước thông tin gia đình nạn nhân đã trình báo hàng loạt thông tin liên quan nhưng cơ quan Công an có dấu hiệu chậm trễ, tắc trách, đánh giá không đúng tình hình để xảy ra hậu quả là cái chết thương tâm cho em học sinh Lư Vĩnh Đạt.
Vũ Sơn