Theo nội dung được đăng tải, chàng trai có tên là H., cô gái là D., hiện ở Đà Nẵng và clip cũng như câu chuyện tình của họ được chính chàng trai đăng lên mạng.
Theo đó, 2 người đã có 4 năm “sống thử” và chuẩn bị tổ chức đám cưới, song H. phát hiện người yêu mình từng nhiều lần qua đêm ở khách sạn với một người đàn ông đã có vợ con. Clip thể hiện cảnh cô gái đang ngồi giữa phòng khóc lóc xin lỗi người yêu, chàng trai đi lại mạt sát và có một người bạn trai khác can ngăn để họ không ẩu đả. Hôm qua, clip này đã được một số tờ báo mạng lấy lại, đăng tải.
|
Hình ảnh cắt từ clip - cô gái bị bắt quả tang phản bội trong phòng trọ. |
Về vấn đề này, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, về khía cạnh pháp luật, cô gái không có tội, chỉ có lỗi với người yêu mình. Nếu đúng vậy, có thể cô ta chỉ phải xin lỗi người yêu. Nhưng khi ai đó tung đoạn clip này lên mạng đã khiến câu chuyện riêng tư của họ được phát tán rộng rãi, và cô gái trẻ kia như đang phải xin lỗi cả cộng đồng.
“Cô gái đó có lỗi với người yêu, xin lỗi người yêu chứ có phải có lỗi với công chúng và phải xin lỗi công chúng đâu” – luật sư Hằng Nga nói. Bà Nga cho rằng, hoàn toàn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự những ai phát tán đoạn clip trên lên mạng về hành vi làm nhục người khác.
“Việc cố ý hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc làm mất uy tín, danh dự của họ đối với người thân, gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống hay cộng đồng bằng lời nói, cách vẽ, viết hoặc những hành vi bỉ ổi khác đều có thể xem xét khởi tố vụ án làm nhục người khác. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, cơ quan chức năng sẽ xem xét thái độ, nhận thức của đối tượng cũng như nạn nhân và những người xung quanh nạn nhân (người thân, gia đình, họ hàng)… để xem xét mức độ hậu quả” – luật sư Hằng Nga nói.
Ở góc độ khác, luật sư Hà Đăng (Hà Nội) cảnh báo, việc một số trang mạng phát tán đoạn clip trên có dấu hiệu của tội danh Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại hoặc điện tín của người khác (Điều 125 BLHS) hoặc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích công dân (Điều 258 BLHS).
“Khi chưa có kết luận chính thống từ cơ quan chức năng, việc dùng vũ lực, hoặc thủ đoạn khác xâm phạm thư tín hay các văn bản (sao chụp, ghi âm, nghe trộm…) các thông tin cá nhân, sau đó lan truyền bằng phương tiện viễn thông và máy tính có thể truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Hà Đăng nói.
Theo Tiền Phong