TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc mang kiến thức giới tính và phòng tránh trẻ bị xâm hại qua những công việc cụ thể như: Thiết kế, in và phát tờ rơi miễn phí phòng tránh xâm hại, giảng dạy các lớp kỹ năng, tư vấn cho phụ huynh, học sinh…
Chia sẻ với Zing.vn, TS Vũ Thu Hương cho biết bà đã lắng nghe và đau đớn khi chứng kiến những giọt nước mặt của các bà mẹ, tiếng hét hoảng loạn lúc đến thăm một em bé bị xâm hại.
Cứ 10 trẻ thì 8 em từng bị xâm hại
- Tiến sĩ nhận định như thế nào về thực trạng xâm hại trẻ em hiện nay, khi những vụ việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn… chỉ là phần nổi đã được đưa ra ánh sáng?
|
TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
- Tổ chức Nhân đạo Quốc tế từng công bố kết quả điều tra năm 2015 tại Hà Nội cho thấy số trẻ bị xâm hại (sờ mó, sàm sỡ) chiếm tới 78,1%. Như vậy, trong số 10 trẻ em Hà Nội, 8 em từng là nạn nhân của những vụ xâm hại.
Những con số trên được báo chí đưa ra chỉ là trường hợp xâm hại ép buộc làm "chuyện ấy" nặng nề, được gia đình nạn nhân tố cáo.
Nhiều năm theo sát thông tin về nạn xâm hại, ngày khủng khiếp nhất là 9/3 vừa qua, tôi tiếp nhận thông tin 3 vụ xâm hại trẻ.
- Những vụ xâm hại để lại hệ lụy gì cho trẻ, thưa bà?
- Với đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con sợ hãi, hoảng loạn, mất niềm tin khi cơ thể bị xâm hại.
Dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể và tâm lý, vết sẹo lớn mang trong người cũng khiến trẻ trở thành người khác, một con người khuyết thiếu. Con sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của mình.
Các con sẽ không bao giờ có nổi hạnh phúc trọn vẹn bên người mình yêu thương. Cảm giác hổ thẹn, lo lắng bị phát giác mình từng bị xâm hại hay sợ hãi kịch bản kinh hoàng sẽ lặp lại khiến nạn nhân sống trong bất ổn.
Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục.
Đã có những em bé bị cắt đi một phần cơ thể sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn.
Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu.
Làm cha mẹ, có nỗi đau nào lớn hơn cảnh phải chứng kiến con mình vật vã giữa đêm khuya vì di chứng của vụ xâm hại?
Làm cha mẹ, có ai chịu nổi cảnh nhìn thấy quần áo con mình vấy máu và cuộc đời sau đó là những nỗi đau?
Nên dạy con kỹ năng từ khi 3 tuổi
- Để tránh các bi kịch, cha mẹ cần dạy con từ độ tuổi nào và dạy ra sao?
- Khi các cháu lên 3 tuổi, phụ huynh có thể bắt đầu dạy con phòng tránh xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
Các nội dung cần dạy: Khi con muốn đi đâu ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ cần có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc.
Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối...
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động chạm vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.
Trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy.
|
Hình ảnh thuộc Sổ tay phòng chống xâm hại tình dục của TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC |
Cách nhận biết trẻ bị xâm hại
- Cha mẹ có thể căn cứ những dấu hiệu gì để nhận biết con có bị xâm hại tình dục hay không?
- Những đứa trẻ bị xâm hại thường vô cùng hoảng hốt, sợ hãi, đôi khi các cháu gần như là tê liệt cảm xúc vì quá tổn thương. Các cháu sẽ khóc thét lên khi có ai đó động vào người, đặc biệt là gần phần nhạy cảm. Đó là những biểu hiện rõ nét nhất của việc bé đã bị xâm hại tình dục.
Ngoài ra, việc xác định chính xác cần có sự can thiệp chuyên môn của bác sĩ.
- Trường hợp cha mẹ phát hiện con đã bị xâm hại, bà có lời khuyên gì giúp đưa con trở lại cộng đồng?
- Khi con đã bị xâm hại, cha mẹ cần bỏ nhiều thời gian và công sức để lấy lại tinh thần cho các cháu. Điều trẻ cần nhất là cảm giác được bảo vệ an toàn. Chính vì vậy, cha mẹ cần thiết phải nghỉ làm một thời gian, cho con đi chơi và luôn bên cạnh, không để con ở một mình dù chỉ một giờ.
Trong suốt thời gian đó, cha mẹ nên tìm cách nói các câu chuyện vui, rủ con chơi các trò chơi, để con quên đi cảm giác khủng khiếp đã qua. Âm nhạc, sách báo giúp trẻ lấy lại tinh thần rất tốt.
Cha mẹ nên cho con nghe những bản nhạc yêu thích, những quyển sách yêu quý. Chú ý là người lớn cần kiểm soát trước nội dung để sách vở không gợi lên nỗi đau đớn cho con.
Sau khi con khỏe lại, người lớn nên đưa con đi học như bình thường và nhờ cô giáo, bạn bè giúp đỡ để con hòa nhập với lớp. Tiếng cười của bạn bè sẽ nhanh chóng giúp trẻ lấy lại cân bằng hơn là để các bé ở nhà.
- TS đề xuất hình phạt nào cho những kẻ xâm hại tình dục trẻ em?
- Những tổn thương mà trẻ gặp phải vô cùng lớn mà sau đó không thể nào kéo đứa trẻ trở lại như xưa được nữa. Vì thế, với tôi và những người mẹ, không có tội ác nào lớn hơn là xúc phạm trẻ nhỏ. Dĩ nhiên, tôi sẽ yêu cầu mức hình phạt cao nhất với tội ác này.
Theo Quyên Quyên/Zing.vn