Thảo luận về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, nhiều đại biểu đánh giá công tác này còn chậm chạp, cầm chừng.
Từ đó đề nghị một số giải pháp như: cần nhanh chóng giải quyết việc bồi thường cho người bị oan, sai; Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao: Chúng tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình những người bị oan
|
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao |
Chúng tôi đánh giá cao quyết định của Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề đối với vấn đề oan, sai và bồi thường "oan sai". Đây là một việc làm cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, cũng là đòi hỏi để nâng cao chất lượng các hoạt động tố tụng.
Những kết quả thu được trong báo cáo giám sát có rất nhiều nội dung thiết thực và hữu ích giúp chúng tôi nhìn thấy những tồn tại, thiếu sót để có những giải pháp khắc phục trong tương lai.
Chúng tôi cũng nhận thức, dẫu còn một vụ oan, chúng tôi cũng đau như những người dân, trách nhiệm không cho phép.
Thay mặt lãnh đạo ngành, chúng tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình những người bị oan. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.
Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao: Để xảy ra oan, sai là không thể chấp nhận được
|
Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao |
Dù án oan, sai trong 3 năm 2012-2014 có một trường hợp, nhưng Tòa án nhân dân đã phải giải quyết một số vụ án nổi lên mà dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm như Báo cáo kết quả giám sát đã nêu.
Dù ít, nhưng việc để xảy ra oan, sai là điều không thể chấp nhận được, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng và ảnh hưởng đến nền công lý, nền tư pháp của nước nhà. Vì đây là vấn đề liên quan đến quyền tự do của công dân, quyền con người, quyền được sống, cho nên phải giải quyết một cách triệt để.
Các tòa án cũng đã thụ lý 19 đơn khởi kiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu bồi thường hoạt động tố tụng và đã giải quyết xong 14 vụ...
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng tôi đã xin lỗi và thương lượng bồi thường, ông Chấn cũng đã đồng ý mức 7,2 tỷ đồng và đang làm thủ tục để các cơ quan tài chính cung cấp để bồi thường.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): Việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng, không kịp thời
|
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) |
Hiện nay tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự vẫn còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của công dân. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng, không kịp thời.
Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày. Nhưng có những vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa được giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định.
Nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm giải quyết bồi thường của thủ trưởng, cơ quan đã gây ra án oan là như thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề trên. Quốc hội sớm sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các luật có liên quan nhằm đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp như vừa qua.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Không thể cứ làm oan sai rồi dùng ngân sách để bồi thường
|
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) |
Tôi đồng tình với quan điểm khi người để xảy ra oan, sai phải bỏ một phần tiền ra để bồi thường thay vì trích toàn bộ ngân sách nhà nước. Bởi vì bản thân tạo nên sự oan, sai đó nên phải chịu trách nhiệm cùng chứ không thể cứ làm oan, sai rồi dùng ngân sách hoặc dùng tiền của cơ quan tổ chức để bồi thường thay. Mà cũng phải có quy định tỉ lệ để hạn chế oan sai...
Cùng đó, để sửa sai, không chỉ bồi thường về mặt vật chất mà thiệt hại về mặt tinh thần, tâm lý nặng nề vô cùng, đó mới là cái mà chúng ta cần phải quan tâm.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương): Quy định chi tiết để tránh tình trạng “đòi quá cao, trả quá thấp”
|
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) |
Việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai đã có quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa chặt chẽ, rõ ràng nên có tình trạng đùn đẩy, dây dưa.
Vẫn biết dù có bồi thường bao nhiêu thì những mất mát, đau đớn của người bị oan và gia đình họ cũng không thể bù đắp được, tuy nhiên đa phần người được bồi thường lại yêu cầu ở mức rất cao, rất xa so với thực tế được bồi thường.
Vì vậy, để tránh tình trạng “đòi quá cao, trả quá thấp” hoặc phát sinh thêm vụ kiện tụng kéo dài về bồi thường oan, sai, đề nghị luật hoặc văn bản dưới luật cần quy định chi tiết để người được bồi thường và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bồi thường hoặc tòa án dễ dàng đối chiếu tính kết quả.
Hồng Liên