Mới đây nhất, ngày 29/5, các tàu chiến Trung Quốc đã có những hành động đe dọa vũ lực, đó là chĩa súng về phía các tàu Việt Nam trong cuộc chạm trán căng thẳng gần giàn khoan Hải Dương 981, mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Vụ việc tàu Trung Quốc chĩa súng vào tàu Việt Nam cũng đã được báo chí nước ngoài đồng loạt lên tiếng phản ánh. Hãng thông tấn AFP đưa tin, căng thẳng leo thang khi Trung Quốc hồi đầu tuần này di chuyển và neo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí mới nhưng vẫn nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
|
Một chiến hạm Trung Quốc đã quay hướng radar điều khiển hỏa lực bám chặt một tàu hộ tống Nhật Bản tại vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ảnh minh họa. |
“Khi chúng tôi tiếp cận các tàu chiến Trung Quốc làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan, họ chĩa súng nhắm vào các tàu của chúng tôi”, AFP dẫn lời ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam nói và cho biết rằng, vụ việc xảy ra hôm qua (29/5).
Cũng hôm qua, truyền thông Nhật Bản đưa tin, có ít nhất 8 tàu chiến Trung Quốc bao vây và chĩa súng máy nhắm vào một tàu chấp pháp của Việt Nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 6 km.
Còn tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, một tàu chiến Trung Quốc chĩa súng vào tàu chấp pháp của Việt Nam ở khoảng cách 200m. Thêm vào đó, có ít nhất 100 tàu Trung Quốc ở quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 trái phép và máy bay Trung Quốc bay ở phía trên.
Trước đó, ngày 26/5, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Đây là tàu Việt Nam đầu tiên được báo cáo bị đâm chìm kể từ khi xảy ra sự kiện Trung Quốc neo đậu giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển của Việt Nam kể từ đầu tháng 5. Các tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, sử dụng vòi rồng tấn công các tàu chấp pháp Việt Nam tại khu vực giàn khoan.
“Các tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam mỗi ngày mỗi khi nào chúng tôi tiếp cận tàu Trung Quốc”, ông Hà Lê , Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết.
Không chỉ có những hành động đe dọa vũ lực với các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, Trung Quốc còn có nhiều hành động đe dọa vũ lực với một số quốc gia khác như Nhật Bản, Philippines…
Cụ thể, phía Nhật Bản hôm qua (29/5) ra cáo buộc, một chiến hạm Trung Quốc đã quay hướng radar điều khiển hỏa lực bám chặt một tàu hộ tống Nhật Bản tại vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông.
|
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc. |
Hành động “khóa mục tiêu” của radar hỏa lực là bước áp chót trước khi vũ khí được nhấn nút phóng thẳng về phía đối phương. Trong bối cảnh tranh chấp đang hết sức căng thẳng tại khu vực, hành động này của tàu chiến Trung Quốc với tàu chiến Nhật Bản có thể châm ngòi một cuộc xung đột vũ trang trên biển giữa 2 nước.
Thế nhưng, tàu hộ tống Nhật Bản không phải phương tiện duy nhất bị radar điều khiển hỏa lực Trung Quốc khóa mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, một trực thăng quân sự của nước này cũng bị loại radar tương tự trên chiến hạm Trung Quốc nhắm radar tại một khu vực chưa được tiết lộ hôm 19/1 vừa qua. Cũng theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, radar điều khiển hỏa lực trên chiến hạm Trung Quốc được bật “một vài phút” và nó cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc giữa 2 tàu trước và sau vụ việc. Phía Tokyo cũng không tiết lộ hành động của tàu hộ tống trong thời điểm bị Trung Quốc khóa mục tiêu nên không thể xác định phía Nhật Bản có quay vũ khí về phía tàu Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, chưa một tên lửa nào được phóng đi từ chiến hạm Trung Quốc hay tàu hộ tống Nhật Bản nên mọi hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường khi phía Bắc Kinh tắt radar. Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera vẫn cảnh báo, động thái vừa qua của phía Bắc Kinh làm gia tăng mối đe dọa tại khu vực. Bất kể hành động sai lầm nào trong tranh chấp chủ quyền các đảo đều dẫn đến một cuộc chiến quy mô lớn hơn.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ngày 25/5, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát một cách bất thường các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Hoa Đông, nơi các vùng nhận dạng phòng không của hai nước chồng lấn nhau.
Theo Bộ trên, đây là cự ly gần nhất mà chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận máy bay của SDF. Các chiến đấu cơ này được xác định là Su-27 phiên bản Trung Quốc.
Bản báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố rằng, đó không phải là một hành động bình thường mà là “một sự đe dọa”. Máy bay chiến đấu Trung Quốc tiếp cận máy bay Nhật Bản một cách bất thường, có lúc máy bay Su-27 bám sát, cách đuôi máy bay Nhật Bản vẻn vẹn có 30m.
Bản “cáo trạng” gợi cho người ta nhớ về sự kiện va chạm máy bay Trung-Mỹ năm 2001 trên vùng trời gần đảo Hải Nam. Năm đó, phi công Vương Vĩ lái chiếc J-8 của không quân Trung Quốc đã va chạm với chiếc EP3 của Mỹ làm nó bị rơi và phi công đã thảm tử.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Itsuinori Odonera đã tuyên bố phản đối hành động này của Trung Quốc, chiếc Su-27 mang theo tên lửa đã uy hiếp 2 chiếc máy bay phi tác chiến của Nhật, khiến cho phi công trên các máy bay này cảm thấy bất an.
Minh Hiếu (Tổng hợp)