Trung Quốc đã thò chân vào thềm nhà Việt Nam
- Trả lời phóng viên quốc tế nhân chuyến thăm làm việc tại Philippines từ 21 - 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng trên biển Đông hiện nay; song, Việt Nam cũng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Đây rõ ràng là quan điểm dứt khoát của Việt Nam trong việc giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hơn 50 năm qua, các thế hệ người dân Việt Nam luôn giữ hòa hiếu dân tộc với Trung Quốc. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc trong suốt thời gian qua khiến chúng ta phải tỉnh táo nhìn nhận rằng đó là “tình hữu nghị viển vông”. 16 chữ vàng kia là hão huyền, dối trá. Trung Quốc không thực tâm với 16 chữ vàng.
Thể hiện trong thực tế là họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, tiếp tục đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, rồi lại tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao năm 1988. Rồi cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên biển, ban hành luật, thành lập thành phố gọi là Tam Sa, đường lưỡi bò, mời thầu khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Ngang ngược cắt cáp tàu Bình Minh. Đánh đập ngư dân, tịch thu ngư cụ, tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Toàn là những hành động ngang ngược, trắng trợn, bất chấp tất cả các thỏa thuận song phương, mà gần đây nhất là thỏa thuận ngày 1/10/2011 cam kết giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình, thông qua thương lượng đàm phán.
- Rõ ràng giữa lời nói và hành động của Trung Quốc không đồng nhất?
Có sự khác xa nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trung Quốc đã dùng chiêu bài đó để lừa bịp nhân dân Việt Nam, lừa bịp thế giới bằng những khẩu hiệu mỹ miều như “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình”, “Giấc mơ hòa bình”, “Giấc mơ Trung Hoa”. Chủ nghĩa bành trướng bá quyền suốt cả mấy nghìn năm, ngày nay càng bộc lộ rõ nhưng núp dưới những khẩu hiệu hoa mỹ. Việt Nam đã lùi nhiều bước rồi, đã lùi đến bờ vực. Trung Quốc đã thò chân vào thềm nhà của Việt Nam. Hôm nay là thềm nhà của Việt Nam thì rất có thể ngày mai sẽ đến thềm nhà của Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia...
- Trung Quốc là 1 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), chẳng lẽ họ có thể bất chấp tất cả?
Trách nhiệm của các ủy viên này là gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thế nhưng họ không thực hiện trách nhiệm to lớn này mà LHQ giao cho. Điều 1 và Điều 2 của Hiến Chương LHQ ghi rất rõ các nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền quốc gia, cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình. Đặc biệt, tại Điều 33 Hiến chương LHQ, LHQ đã quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp quốc tế thông qua các phương thức hòa bình. Đó là những quy phạm mệnh lệnh được quy định trong Hiến chương LHQ mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như bỏ qua, phớt lờ những nguyên tắc căn bản này của hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế hiện đại.
|
PGS.TS.LS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế, Khoa Luật, Đại Học Quốc gia Hà Nội. |
Người Việt Nam trọng tình quá!
- Nhiều người tự hỏi, tại sao suốt bấy lâu nay chúng ta im lặng, không đưa ra tòa án quốc tế về những hành động xâm lấn của Trung Quốc?
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào Việt Nam, đưa cả các tàu, máy bay quân sự vào vùng biển Việt Nam đe dọa uy hiếp, dùng súng bắn nước để bắn, dùng tàu để lao, đâm vào lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam. Từ trước đến nay chúng ta lấy cái tình làm trọng quá, nên hết đợt này đến đợt khác Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam nhưng chúng ta vẫn kiên nhẫn vì nghĩ đến tình hòa bình, hữu nghị.
- Trung Quốc thì vẫn ngấm ngầm âm mưu thực hiện các hành động xâm chiếm của mình, hành động đặt giàn khoan này hẳn không phải là bột phát?
Chúng ta có nhiều sức mạnh. Rõ ràng trước một người khổng lồ phương Bắc với tham vọng quyết nuốt trọn Biển Đông chúng ta phải có sức mạnh. Việc chọn thời cơ đặt giàn khoan Hải Dương 981 thể hiện Trung Quốc đã toan tính từ lâu. Chọn thời điểm khủng hoảng ở Crưm, quan hệ Nga với phương Tây, Nga với Mỹ xấu đi, Trung Quốc “đục nước béo cò” liền động thủ trên Biển Đông, một mặt hợp tác với Nga, trong khi đó thì Nga là đồng minh chiến lược của Việt Nam.
Và chắc hẳn, họ đóng giàn khoan khủng hơn 1 tỷ USD không phải để dạo chơi, làm cảnh. Rồi làm sân bay 3 tỷ USD, mua các tàu chiến, tàu ngầm, tàu hải quân khổng lồ, đang ve vãn Nga để mua giàn tên lửa hiện đại nhất S400, mua máy bay tiêm kích quân sự hiện đại nhất... không phải để cho đẹp. Nếu không nhìn nhận rõ mưu đồ của Trung Quốc thì chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn, không đối phó kịp thì sẽ bị mất chủ quyền. Nó đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược tổng thể.
- Cho đến thời điểm này thì căn cứ duy nhất để Trung Quốc lập luận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc dựa trên công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Điều này liệu có cơ sở?
Tôi không gọi là công hàm, tôi gọi đó là bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc. Thực ra thì bức thư này không có một chút nội dung nào nói lên điều đó.
Trung Quốc không dám đưa ra quốc tế
- Nếu Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, thì với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, vì sao Trung Quốc không đưa vấn đề đó ra quốc tế?
Trung Quốc luôn khước từ việc quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông. Không phải vì họ không nghiên cứu, họ không biết, thậm chí họ nghiên cứu rất sâu rồi, nhưng vì họ không có bất cứ căn cứ pháp lý nào cả. Qua nghiên cứu của tôi trong hơn 30 năm qua thì tôi khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ một căn cứ pháp lý quốc tế nào tại Biển Đông, đặc biệt là với Hoàng Sa và Trường Sa.
- Rõ ràng cuộc đấu tranh pháp lý tới đây nghiêng về phía Việt Nam?
Chắc chắn là thế. Nếu Trung Quốc có trong tay bằng chứng pháp lý thì họ đã làm từ lâu rồi. 1 trong 15 thẩm phán trong tòa án công lý quốc tế là người Trung Quốc, 1 trong 24 thẩm phán của tòa án Luật Biển là người Trung Quốc. Ấy vậy mà Trung Quốc từ chối đưa vấn đề ra quốc tế. Rõ ràng Trung Quốc đang thất lý, vô lý. Việt Nam có thừa căn cứ pháp lý quốc tế, có thừa các bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 là Trung Quốc đã vi phạm những luật, những công ước quốc tế mà chính Trung Quốc đã thò bút ký vào, chính Trung Quốc đã cam kết.
- Đây rõ ràng là những điều ngang ngược, trắng trợn?
Trung Quốc đang dẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Không thể gọi bằng từ ngữ “luật của nước lớn” mà phải gọi bằng “luật rừng”. Trung Quốc đang sử dụng “luật rừng” để bành trướng trên Biển Đông. Đó là luật của hỗn mang, luật của kẻ cướp chứ không phải là luật của kẻ mạnh. Nếu mạnh theo nghĩa văn minh, khoa học trí tuệ, nhân ái... thì tốt quá, nhưng đây là sức mạnh của kẻ cướp.
- Việt Nam sẽ phải làm gì tại thời điểm này để đối phó với Trung Quốc?
Nếu chúng ta không cương quyết, hôm nay Trung Quốc cướp biển, ngày mai Trung Quốc sẽ nhảy lên bờ. Dường như tham vọng của Trung Quốc là không có giới hạn. Ta phải nhận diện thật rõ âm mưu của Trung Quốc. Đúng là không thể đánh đổi chủ quyền để lấy thứ hòa bình hữu nghị viển vông và lệ thuộc. Chúng ta phải vận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Chúng ta có sức mạnh vô địch, có thượng phương bảo kiếm là lẽ phải, là luật pháp quốc tế.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chúng ta phải tận dụng tất cả sức mạnh của toàn dân, bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
- Xin cảm ơn ông!
- Thể hiện lòng yêu nước, mỗi người hãy làm thật tốt công việc của mình, phát huy hết tiềm năng trí tuệ của mình để nước giàu mạnh. Khi đó khó có kẻ thù nào đặt chân lên được đất nước này.
- Cần thiết phải thành lập ban chỉ đạo đặc biệt giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Nơi này sẽ tập hợp các chuyên gia thuộc các lĩnh vực, hiểu sâu các lý lẽ, nhìn nhận diễn biến tình hình để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp.
Tô Hội (Thực hiện)