Một gia đình hai đám tang
Có mặt tại thôn Thiện Châu (xã Nam Thịnh , Tiền Hải, Thái Bình), một thôn nhỏ có tới 4 đám tang, những tiếng khóc gào trong đau đớn của người thân nạn nhân khiến tất cả những người trong xóm đều rơi nước mắt.
Tại nhà nạn nhân Đinh Văn Sỹ (22 tuổi, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) tử nạn cùng chị gái là Đinh Thị Miền (24 tuổi, thôn Nam Trung, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình), người mẹ già vật vã, khóc ngất lên ngất xuống. “Sỹ ơi, Miền ơi! Hai con của tôi đâu!” - Bà Trương Thị Mỵ kêu gào thảm thiết, rồi ngất lịm đi trong vòng tay ôm chặt của những người thân.
|
Một ngõ nhỏ nhưng cách nhau 10 mét có đến 2 đám tang. |
Cách đó không xa, đám tang chị Trương Thị Huyền (51 tuổi, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) được gia đình tổ chức vào đầu giờ chiều 16/12. Đứng lặng người trước cửa ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nước mắt người cha già như muốn trào ra, cụ Trương Văn Đoán (86 tuổi) nghẹn ngào nói: “Giờ con chết rồi tôi không biết sẽ sống ra sao”.
Chị Huyền lớn lên không đi xây dựng gia đình mà ở lại nuôi bố mẹ già. Người mẹ già của chị mắc bệnh hiểm nghèo, hơn 1 năm nay phải nằm liệt giường, mọi việc đều nhờ vào sự chăm sóc, cơm nước hàng ngày của chị. Anh, chị em khác đều đã có gia đình riêng. Ngoài thời gian làm mùa, chị Huyền đi cào ngao cho một người chủ trong thôn để có thêm thu nhập, thường chị đi từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau mới về. “Nghề ngao cực khổ lắm chú ơi!”, một người thân chị Huyền nấc nghẹn.
“Khi chạy ra đến nơi thì mọi người cứu được 3 người, 2 người khác còn sống và tự đi được, còn lại chị Huyền vì kiệt sức nên đã tử vong, toàn thân tím ngắt vì ngâm mình trong nước lạnh”, anh trai chị Huyền cho biết.
|
Chiếc thuyền gặp nạn đã được đưa về bến Giang Long. |
Cũng trong cảnh đau thương mất mát, gia đình nạn nhân Phạm Thị Nga ( 44 tuổi, thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) tổ chức tang lễ cho chị trong nỗi đau tột cùng. Ngồi bên linh cữu mẹ, cháu Trương Thế Dương khóc nghẹn và luôn miệng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Khiến những người đến chia buồn không khỏi trạnh lòng thương xót.
Ông Trương Văn Trực (SN1956) là bố đẻ nạn nhân Trương Thị Huyền (25 tuổi, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh) và con dâu là chị Trương Thị Mây (33 tuổi, thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình). Quá đau đớn trước sự ra đi của 2 người con, để lại những đứa cháu thơ dại. Ông Trực cứ lặng người thẫn thờ đi ra, đi vào, ai đến chia buồn thì chỉ biết gật đầu chào cảm ơn, đôi mắt ông đỏ au...
Tai nạn kinh hoàng qua lời người sống xót
Người dân trong xã Nam Thịnh, lãnh đạo chính quyền địa phương và ngay cả các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình đều không khỏi bất ngờ và bàng hoàng khi chỉ trong một ngày sóng yên biển lặng, lại xảy ra vụ tai nạn chìm thuyền thương tâm đến thế. 6 người đã tử vong, một xã có đến 6 đám tang, ngay trong một con ngõ nhỏ cách nhau chưa đến 10m là hai đám tang của các nạn nhân. Nỗi đau của vụ tai nạn này có lẽ thương tâm, mất mát nhất là gia đình ông Đinh Văn Tiến và ông Trương Văn Trực. Nhưng có lẽ chỉ những người còn sống xót sau vụ tai nạn trên mới hiểu thấu sự đối mặt giữa sự sống và cái chết và nỗi kinh hoàng khi 6 người đi cùng trên chuyến tàu định mệnh đã vĩnh viễn ra đi.
|
Bà Nguyễn Thị Ruyến kể lại vụ việc trong nỗi đau tột cùng. |
Là người may mắn thoát chết trong vụ tai nạn, bà Nguyễn Thị Ruyến (SN 1958), trú tại thôn Thiện Tường (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) khi kể lại giây phút đối mặt giữa sự sống và cái chết với PV Kiến Thức vẫn chưa hết sợ hãi.
“Rạng sáng ngày 16/12, cả đoàn đi cào ngao về ngồi trên một con thuyền gồm 12 phụ nữ cào ngao và anh Đinh Văn Sỹ là người lái. Khi tàu đang về cách bến Giang Long khoảng 500 mét thì bỗng dưng thuyền đang chạy tự dưng chìm mũi. Sau đó tôi nghe tiếng hô “chìm thuyền rồi! chìm thuyền rồi”. Cũng như mọi người tôi bị chìm xuống nước và không biết gì. May mắn cho tôi là có người đi mủng ngang qua, họ đã cứu sống tôi. Khi biết tin 6 người trong đoàn đã chết tôi bàng hoàng và đau khổ cực độ. Nếu không may mắn tôi cũng đã như họ”, bà Ruyến kể lại.
“Bình thường thuyền đó vẫn chở được nhiều khoảng 3 tấn ngao với 16 người nhưng lần này chỉ có 13 người với ngót 2 tấn ngao mà lại xảy ra tai nạn. Chúng tôi có một tổ ngày nào cũng đi cào ngao cho chú Đỉnh ở bãi ngao ngoài biển với giá khoán 1000đ/kg. Đời cào ngao thuê cực lắm, họ toàn là những người nghèo đi làm thuê, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nghề làm ngao chúng tôi không chỉ có mồ hôi, nước mắt thậm chí là mất mạng nhưng vì cuộc sống khó khăn nên những người phụ nữ như chúng tôi vẫn phải làm thêm để có thêm thu nhập”, bà Ruyến nấc nghẹn.
Liên quan đến vụ tai nạn trên, theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu do thuyền bị rò nước từ ống bao chân vịt dẫn đến thuyền bị chìm, không có va chạm vào các phương tiện nào khác.
Vụ việc đang được làm rõ…
Hải Ninh