Đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ và có việc làm ổn định nhưng vì thích khám phá những điều mới lạ nên Josh Guikema chàng rể Tây của Việt Nam vác ba lô lên vai du hí nhiều nước trên thế giới. “Mình vừa đi du lịch vừa kiếm việc làm để có khoản lộ phí cho chuyến đi kế tiếp. Năm 2009, mình đến Việt Nam, nhìn thấy nhiều cảnh đẹp, người dân thân thiện nên xin vào làm việc tại một công ty chuyên tổ chức tour bằng xe Vespa từ TPHCM đi các tỉnh để có cơ hội khám phá thêm”, Josh hào hứng kể.
Một đêm trăng giữa năm 2010, chàng trai 26 tuổi Josh Guikema xem biểu diễn cồng chiêng trên đồi Mộng Mơ, thành phố Đà Lạt. Trong bộ váy truyền thống với áo cánh ngắn bó sát người làm nổi bật bộ ngực tròn và vòng eo thon thả, các sơn nữ K’Ho say sưa nhảy múa trong tiếng chiêng, tiếng cồng thẳm sâu, huyền bí. Ánh mắt tình tứ, đôi tay mềm mại, thân hình uyển chuyển trong những vũ điệu hoang dại và quyến rũ khiến bao người chuếnh choáng.
Josh như bị thôi miên bởi vẻ đẹp hoang dã của Cơ Liêng Rolan, sơn nữ có nước da mịn màng màu đồng hun, đôi mắt nâu sáng long lanh, khuôn miệng xinh xắn với nụ cười rạng rỡ. Rạo rực theo từng vũ điệu đắm say, uyển chuyển của cô, Josh bị cuốn vào vòng xoang, nhảy múa quanh đống lửa. Sau đó, anh tìm đến tận nhà của Rolan ở buôn Bnơr’C dưới chân núi Lang Biang, một trong những vùng có nhiều sơn nữ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa xinh đẹp nhất nam Tây Nguyên. Đây cũng là quê hương của Kra Jan Jut Jui, cô gái được vinh danh Hoa hậu miền sơn cước tại một cuộc thi sắc đẹp toàn quốc.
Nhiều nhà dân tộc học và nhiếp ảnh gia nhận định Lang Biang là một trong những vùng có nhiều sơn nữ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa xinh đẹp nhất nam Tây Nguyên. Còn theo các chuyên gia âm nhạc, đây là nơi nuôi dưỡng nguồn gien của chất giọng nồng nàn cao nguyên: Nóng hổi, say đắm, khát khao như trút cạn hơi trong lồng ngực.
Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, Josh xin số điện thoại và thường xuyên liên lạc với Rolan nhưng cô gái biết tới 3 ngoại ngữ này nói chuyện rất miễn cưỡng. “Đẹp trai, dễ mến nhưng cách xa nhau tới nửa vòng trái đất, làm sao biết gia cảnh, tâm tính anh ấy thế nào? Buôn làng mình còn nghèo khổ, lạc hậu, liệu người ta có xem thường?”, Rolan trăn trở.
Gần hai năm trôi qua mà Rolan vẫn hững hờ nên Josh buồn bã trở về quê hương ở thành phố Michigan, Hoa Kỳ. Thấu hiểu tâm tình của con, mẹ của Josh quyết định cùng anh quay lại Đà Lạt, tìm đến nơi Rolan biểu diễn và cũng bị thu hút bởi tài năng cùng vẻ đẹp thuần khiết của cô. Bà đã gặp gỡ, trò chuyện cùng cô gái. “Con trai tôi rất yêu cô nhưng vì nhút nhát nên không dám ngỏ lời. Tôi cũng thích cô lắm! Tôi muốn nhận cô làm con dâu”, bà chân tình nói với Rolan. Chơi đàn T’rưng rất hay, đánh cồng chiêng thành thạo và từng đi biểu diễn nhiều nơi nhưng Rolan vẫn luống cuống, mặt đỏ bừng, không nói được câu nào.
|
Josh pha chế cà phê. |
Bị bắt làm chồng
Đến lúc này Rolan và gia đình đều thấu hiểu sự chân tình của chàng Tây mắt xanh, da trắng, tóc ánh kim. Rolan quyết định bắt Josh về làm chồng. Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ. Đàn bà, con gái là chủ của gia đình, phải đi bắt chồng, con cái mang họ mẹ. Lẽ ra gia đình tôi phải sang Mỹ để dạm ngõ. Tuy nhiên vì quá xa xôi nên mẹ của Josh đã bay sang Việt Nam bàn chuyện cưới hỏi. Nhà trai có quyền thách cưới bằng chiêng ché quý, trâu, bò… nhưng vì thấy gia đình Rolan khó khăn nên chỉ nhận lễ vật là những chiếc vòng tay và khăn thổ cẩm.
Lễ cưới kéo dài suốt 3 ngày đêm. Chàng Tây mặc áo thổ cẩm, đóng khố sánh vai cùng cô dâu dâng lễ vật cúng bái để xin thần linh chấp thuận cuộc hôn nhân này. Lợn mổ hàng loạt, các chóe rượu cần xếp cả dãy. Tiếng khèn, tiếng chiêng dìu dặt.
Trai gái nắm tay nhau nhảy múa quanh bếp lửa hồng. Ai múa cứ múa, ai uống cứ uống. Dân làng hết say lại tỉnh, hết tỉnh lại say. Josh nói tiếng K’Ho rồi nhảy, múa hát, uống rượu cần điệu nghệ chẳng khác gì trai làng. “Loại rượu ủ với men làm bằng cây rừng này ngon lắm! Ngọt lừ, thơm nồng, dìu dịu nhưng khiến mình say lúc nào không hay”, Josh nói.
|
Hai vợ chồng bán thổ cẩm của người K’Ho.
|
Theo luật tục của người K’Ho, Josh về ở rể trong nhà vợ. Anh tự tay thiết kế căn nhà gỗ xinh xắn giữa vườn cà phê làm nơi tiếp đón du khách đến thưởng thức và mua cà phê, giá 500.000 đồng/kg. Logo của K’Ho Coffee là hình hạt cà phê cách điệu trên nền họa tiết thổ cẩm; bao bì được đặt mua ở Hồng Kông, loại bao giấy có phủ lớp giấy bạc bên trong để vừa chống ẩm vừa không làm ảnh hưởng tới hương vị.
Tự tin K’Ho Coffee mang lại hương vị arabica thuần túy, tinh khiết bậc nhất, vợ chồng Josh đã mang đi tham dự hội chợ Organic Famers’ Market tại TPHCM. Cty Real Speciality Coffee Roasters đã tìm đến tận thôn Bnơr’C để khảo sát quy trình sản xuất K’Ho Coffee và quyết định đặt mua 20 tấn mỗi năm nhưng Josh chưa đủ sản phẩm để cung ứng. Josh cho biết sẽ tiếp tục vận động người dân trong buôn và cả những vùng lân cận mở rộng diện tích cà phê Arabica; sẵn sàng đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê cho nông dân để K’Ho Coffee của các hộ đều đạt chất lượng cao và đồng đều nhằm đáp ứng đơn hàng lớn của đối tác.
Theo Tiền phong