Như duyên trời định, hai cặp quyết định tiến tới hôn nhân sau một lần gặp gỡ, tổ chức lễ cưới ly kỳ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Những người đến chúc phúc trong ngày vui đều ngỡ ngàng, hoa mắt vì không thể phân biệt sự khác nhau của hai cặp vợ chồng.
|
Hai cặp vợ chồng song sinh giống nhau như những giọt nước. |
Cha mẹ còn khó phân biệt các con
Một năm trôi qua nhưng khi trò chuyện, cha mẹ của hai cặp vợ chồng sinh đôi ngụ tại khóm Tây Huề 1 (phường Mỹ Hoà, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc về đám cưới hy hữu này, miệng lúc nào cũng tủm tỉm nụ cười.
Người cha phấn khích: “Biết hai cặp sinh đôi cưới nhau nên mọi người hiếu kỳ lắm, hôm lễ cưới người ta kéo lại coi ì đùng, chật kín lối đi. Ai cũng quả quyết chưa bao giờ nhìn thấy chuyện lạ như vậy, xem cô dâu chú rể một chút là hoa cả mắt, không biết đứa nào là đứa nào. Tụi tôi là cha mẹ có khi còn nhìn lầm, đừng nói người ngoài”.
Ông vừa dứt lời cũng là lúc một trong hai anh em sinh đôi đi làm trở về. Người mẹ lên tiếng: “Thằng Vô đó”. Nghe vậy người cha vội vàng đáp trả: “Là thằng Tiền”. Sau hồi lâu tranh luận trong sự ngạc nhiên của mọi người, đến khi con trai bước vô nhà, người mẹ mới gật đầu chịu nhìn sai.
Hồi ức 25 năm trước, người mẹ cho biết, sự ra đời của hai đứa con Tiền – Vô là chuyện ngoài ý muốn của ông bà, khi trong nhà đã có đến 9 mặt con mà chi tiêu luôn thiếu hụt. Đến ngày sinh nở bà mới biết mình mang song thai.
“Đồng thuận” ngay từ trong bụng mẹ nên khi lớn lên, hai anh em sinh đôi càng thêm khắng khít, yêu thương. Khóc cùng khóc, cười cùng cười, bệnh cùng lúc, không bao giờ chịu rời nhau nửa bước.
Người mẹ niềm nở kể chuyện đã qua: “Tôi nhớ lúc tụi nó còn nhỏ, muốn lên võng nằm mà không ai chịu ẵm nên thằng anh đưa lưng cho em đạp leo lên, sau đó thằng em lại đưa tay kéo tay anh. Tới giờ lớn rồi tụi nó cũng quý nhau lắm. Có hôm thằng anh đi chơi, điện thoại bảo không về được vì ở xa quá. Thằng em biết vậy nhưng vẫn đi ra đi vào trách anh sao không chịu về. Không ngờ, tối thằng anh cũng chạy xe về vì nhớ em. Còn võng thì đứt thường xuyên vì anh em nó cứ leo lên nằm chung hoài mới chịu”.
Cha lang thang tìm kiếm cặp nữ song sinh hỏi vợ cho các con
Thấy anh em Tiền – Vô hoà thuận như vậy, nên từ rất lâu, người cha đã có ý định tìm kiếm một cặp con dâu song sinh để “hai anh em nó không phải buồn tủi vì đứa cưới trước đứa cưới sau, lỡ sống xa nhau nữa”.
|
Một năm sau ngày đi tìm kiếm và gặp các con dâu song sinh, ông bà lão vẫn chưa hết vui mừng. |
Nghĩ là làm, khi hai con trai đã đến tuổi thành gia lập thất mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai vì suốt ngày chỉ lo làm lụng kiếm tiền, người cha quyết chí ra đi tìm hỏi vợ cho con.
Đi đến đâu ông cũng bày tỏ ước muốn của mình và để lại số điện thoại để mọi người biết sẽ báo tin ông hay. Chị em song sinh không hiếm nhưng để tìm được hai người còn đơn độc, chấp thuận làm con dâu chung nhà lại là chuyện vô cùng khó khăn. Sau khoảng thời gian rất lâu, đi khắp tỉnh miền Tây, ông cũng "dọ" được cặp nữ song sinh ở ngay trung tâm An Giang.
Mừng rỡ, ông đến dạm hỏi thì mới vỡ lẽ, người chị cá tính như đàn ông, còn cô em gái đã có ý trung nhân.
Sau nhiều lần tìm kiếm thất bại, người cha vẫn không nản lòng. Cuối cùng, được người bạn giới thiệu ở xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), cách nhà 15 km có cặp chị em sinh đôi tên Trần Thị Đậm, Trần Thị Đà chưa thành hôn, lại cùng 25 tuổi như con mình, ông cùng hai con trai tức tốc tìm đến nhà bàn chuyện dựng vợ, gả chồng.
Người cha vui vẻ nên lời: “Hồi đó cũng có người tới hỏi cưới người chị nhưng người em khóc, không chịu vì mến tay mến chân. Sau này lại có hỏi cưới người em rồi người chị cũng khóc. Tụi nhỏ tính ở vậy luôn rồi, vì cứ nghĩ khó lòng lên xe hoa cùng lúc và ở chung một nhà.
Nên khi tụi tôi đến hỏi cưới, gia đình hai bên đều mừng dữ lắm. Tuy nhiên, tôi không ép, phải hỏi rõ ý hai anh em nó có chịu hay không, tui mới dám ngỏ lời với đằng gái”.
Dù chỉ tiếp xúc một lần nhưng sau ít ngày trò chuyện, hai cặp sinh đôi cùng quyết định tiến tới hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức gấp gáp chỉ nửa tháng sau đó. Đúng ngày 12/6/2012, người dân trong xóm chen lấn nhau trên bờ kênh chật hẹp để được tận mắt chứng kiến đám cưới ly kỳ này.
160 người được mời đều có mặt đông đủ, không thiếu vắng một ai, thậm chí còn phát sinh thêm bàn tiệc vì nhiều người hiếu kỳ, không được mời vẫn đến chúc mừng.
“Hôm rước dâu về, phải nhờ mọi người giải tán bớt mới có đường đi vào. Mấy chú quay phim thấy chuyện này lạ nên đem in đĩa, bán với giá 15 ngàn. Vậy mà người ta cũng ùn ùn mua về coi. Còn tôi thì chưa bao giờ thấy nhà trai nào tổ chức cưới xong lại lời hơn 10 triệu”, người cha hồ hởi khoe.
Bí quyết không nhầm vợ chồng
Hay tin người cha tổ chức hôn lễ cho hai con một lượt, nhiều người thầm nghĩ chắc gia đình này phải giàu có lắm mới có tiền nạp tài và làm đám. Thế nhưng của cải trong nhà chỉ ở mức đủ xài, tất cả đều do công dành dụm của hai cậu con trai song sinh với số lương công nhân ít ỏi.
Người mẹ tự hào cho biết, hai con bà rất ngoan ngoãn, đi làm rồi chỉ biết về nhà, toàn bộ tiền lương đều đưa về cho mẹ cất giữ. Vì thế từ chỗ khốn khó, gia đình này đã mau chóng vươn lên thoát nghèo.
Hai cô con dâu từ ngày dọn về nhà chồng sinh sống, ngoài việc nội trợ vẫn đảm đang công chuyện đồng áng, thường xuyên giúp cha mẹ trông coi 5 công ruộng. Sau một năm sinh sống, vợ chồng người anh đã có được một bé gái gần hai tháng tuổi tên Kim Thâu, với ngụ ý “Thâu – Tiền – Vô – Đậm – Đà”, còn vợ chồng người em cũng vừa có tin vui.
Người cha chia sẻ: “Tụi nó cũng muốn sinh con một lượt cho vui, nhưng lại sợ không đủ tiền nuôi nên đành đẻ trước đẻ sau. Ai đẻ trước thì 3 người còn lại làm dồn sức kiếm tiền, ai đẻ sau thì ngược lại. Tôi thấy vậy cũng hay vì tụi nó biết đùm bọc, hoà thuận với nhau”.
Đã tròn một năm sinh sống song đến nay cha mẹ chồng vẫn chưa phân biệt được hai nàng dâu. Tuy vẫn khác biệt ở chỗ người chị cao hơn, đứng chung còn dễ nhìn nhận, nhưng đứng riêng lại một phen loá mắt. Riêng hai cậu con trai chưa bao giờ nhầm lẫn vợ mình vì “cảm nhận bằng trái tim”.
Nên duyên do mai mối nhưng đời sống vợ chồng của hai cặp sinh đôi vô cùng hạnh phúc. Hai người chồng luôn tìm chuyện đùa giỡn để vợ vui cười, lâu lâu vẫn mua quà về tặng tạo bất ngờ cho vợ, còn chị em song sinh sáng nào cũng thức cùng chồng lúc 3h để nấu bữa cơm nóng cho chồng đi làm.
Người cha tâm sự: “Đến giờ tuy có mái ấm riêng nhưng tụi nó vẫn rất hoà thuận. Tối ngủ ở phòng riêng nhưng sáng anh vẫn dành thời gian chọc phá em trai, chị vẫn nằm nói chuyện với em gái. Nhìn thấy tụi nó hạnh phúc như vậy, tôi mừng lắm, mãn nguyện tuổi già rồi”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Xa lộ Pháp luật