Tý Nhóc Lóc Chóc thuật lại câu chuyện đã chứng kiến với giọng điệu “chắc nịch” như sau: một phụ nữ đang chạy xe máy trên đường Hồ Xuân Hương, khi đến gần khu vực cà phê Starbucks thì tấp vào lề để nghe điện thoại. Lúc này có hai thanh niên chạy xe Wave đỏ kè vào. Người ngồi sau rút dao được giấu sẵn trong bụng chém mạnh vào tay để cướp chiếc điện thoại và nhanh chóng tẩu thoát, hiện trường còn lại là vũng máu. Người dân đã đem bàn tay bị đứt của nạn nhân bỏ vào thùng đá và nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện để cấp cứu.
|
Thông tin bịa đặt cùng tấm ảnh kèm theo đã gây hoang mang cho nhiều người. Ảnh: Chụp lại từ Facebook |
Thông tin này được đăng kèm hình ảnh hai thanh niên đang khiêng nạn nhân lên xe taxi chở đi cấp cứu. Ngay lập tức, câu chuyện ghê rợn này đã trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng xã hội Facebook, thu hút hơn 3.200 lượt chia sẻ. Chưa kể hàng trăm thành viên cũng như các Fanpage tưởng thật đã đăng lại câu chuyện với những dòng status như: “Sài Gòn ghê quá”, “Sợ quá Sài Gòn ơi”, “Rợn tóc gáy, cướp táo tợn quá”… thu hút khá đông người xem, theo dõi, chia sẻ.
Có thể nói, câu chuyện đã khiến dư luận bất an, được “cổ vũ” bởi hàng ngàn bình luận bày tỏ sự sợ hãi, than vãn và cả "chém gió".
Lãnh đạo Công an P.Bến Thành, Q.1 (TP.HCM) khẳng định: “Từ đêm qua đến giờ công an phường chưa tiếp nhận bất cứ thông tin liên quan đến chặt tay và cướp trên địa bàn”.
“Không biết thông tin này từ đâu ra, mà sáng nay lãnh đạo phường, và nhiều người cũng gọi điện tới công an phường để hỏi. Nếu có thì đây là vụ đặc biệt nghiêm trọng chứ đâu phải chuyện đùa”, một công an P.Bến Thành cho biết.
Sáng 1/9, trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo công an Q.1 cũng khẳng định: “không hề có vụ chặt tay cướp iPhone nào xảy ra trên địa bàn Q.1 vào đêm qua”.
Hàng nghìn người đã tìm kiếm trên các báo nhưng không hề tìm thấy thông tin như Tý Nhóc Lóc Chóc kể lại. Tuy nhiên để củng cố lòng tin người đọc, Tý Nhóc Lóc Chóc online đến gần sáng để trả lời tất cả những băn khoăn, thắc mắc của mọi người. Tý Nhóc Lóc Chóc còn cho biết thêm đã trông thấy vết chém làm thủng một vết sâu ở mặt nạn nhân, đồng thời luôn khẳng định “việc này là sự thật, vì tận mắt chứng kiến”.
Thế nhưng sáng 1/9, trao đổi với PV, Tý Nhóc Lóc Chóc đã thú thật: “Em có chứng kiến một vụ cướp tài sản ở khu vực đường Cách Mạng Tháng 8 (P.Bến Nghé, Q.1). Khi chen vào thì thấy nạn nhân là nữ, bị ngất xỉu, hiện trường là vũng máu nên đã chụp ảnh hai bảo vệ cùng người dân đang khiêng nạn nhân vào taxi đi cấp cứu".
"Em nghe mọi người bàn tán nên đã viết chế thêm thông tin bị chặt lìa tay, đăng với mục đích câu like và sub (yêu thích và lượt theo dõi) trên Facebook mà không để ý đến hậu quả gây ra”, Tý Nhóc Lóc Chóc hối hận.
Hiện Tý Nhóc Lóc Chóc đã xóa bài viết gây xôn xao cộng đồng mạng khiến dư luận bất an suốt từ tối qua đến sáng nay.
Được biết chủ nhân của Facebook tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang, bất an cho dư luận này đang kinh doanh trên mạng, vì thế đã đăng tải câu chuyện bịa đặt này nhằm lôi kéo người theo dõi, để có thể quảng bá sản phẩm kinh doanh tốt hơn về sau.
“Chúng ta nên cẩn thận tìm hiểu thông tin thực hư trước khi chia sẻ một bài viết nào đó. Bởi lẽ nếu chia sẻ những tin đồn nhảm nhí, vô tình tiếp tay cho tội phạm, gián tiếp khiến cộng đồng lo sợ, bất an”, Facebooker Hoàng Thảo rút kinh nghiệm.
Dân mạng tin sái cổ vì từng có vụ chặt tay cướp tài sản
Trước đó, cộng đồng mạng cũng từng xôn xao về vụ cướp gây chấn động dư luận xảy ra vào ngày 24/11/2012. Băng cướp do Hồ Duy Trúc (tức Tuấn, sinh năm 1993) cầm đầu, vô cùng dã man vung dao chém liên tiếp nhiều nhát khiến đứt lìa bàn tay trái của chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (sinh năm 1984, Q.2) khi đang điều khiển xe SH để cướp tài sản ở khu vực dưới chân cầu Phú Mỹ (Q.2, TP.HCM).
Hay vào tối 14/12/2012, Trần Chính Đại (27 tuổi, ngụ Q.10), Trần Minh Tuấn (17 tuổi) và Nguyễn Hữu Long (16 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) rủ nhau đi cướp.
Khi đến đường Tạ Quang Bửu (P.5, Q.8) thì phát hiện anh Bùi Như Đào đang ngồi ghế đá cầm điện thoại iPhone (hàng nhái) chơi điện tử. Đại bước đến dùng mã tấu chém vào tay anh Đào khiến anh bị thương, làm rơi điện thoại. Long chạy đến cướp điện thoại rồi cả bọn bỏ chạy trốn…
Những vụ việc có thật trên chính là tiền đề khiến cư dân mạng rất dễ tin vào câu chuyện bịa đặt ăn theo.
Theo iHay