Dân mạng chỉ trích shop điện thoại Singapore “bắt chẹt” khách Việt

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều dân mạng Singapore, Malaysia, Việt Nam cùng quan điểm rằng cửa hàng Mobile Air đã bắt chẹt quá đáng vị khách Việt quỳ gối khóc xin lại tiền mua iPhone.

Vụ một vị khách Việt Nam quỳ khóc ở cửa hàng Mobile Air tại khu Sim Lim, Singapore để xin lại tiền mua iPhone đang gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua. Theo Straits Times, một người đàn ông họ Phạm, người Việt đến Mobile Air tại Sim Lim mua iPhone cho bạn gái, vì không thạo tiếng nên khi mua hàng đã để xảy ra một số nhầm lẫn liên quan đến phí bảo hành…
Cửa hàng này báo giá chiếc iPhone 6 là 950 SGD, khoảng 16 triệu đồng. Anh Phạm trả tiền mặt, sau đó nhân viên cửa hàng tiếp tục hỏi liệu anh có muốn mua thêm gói bảo hành một hoặc hai năm hay không. Không thạo tiếng, anh Phạm tưởng rằng gói bảo hành được miễn phí nên đồng ý ký vào hóa đơn sử dụng 1 năm. Sau đó các nhân viên của cửa hàng yêu cầu anh Phạm trả thêm 1500 SGD, khoảng 25,5 triệu đồng.
 Thông tin về vụ khách Việt Nam khóc lóc xin lại tiền mua iPhone ở Singapore gây xôn xao cộng đồng mạng trong và ngoài nước. 
Anh Phạm khi đó muốn trả lại điện thoại để lấy tiền nhưng các nhân viên không đồng ý, họ ép anh phải mua chiếc điện thoại này. Khi đó vị khách người Việt có lẽ do quá bối rối nên đã quỳ xuống, khóc xin các nhân viên bán hàng trong khi họ chỉ cười và chế nhạo anh.
Sau đó, cửa hàng Mobile Air đồng ý nhận lại chiếc iPhone 6 và trả cho cặp đôi 600 SGD. Tuy nhiên cô gái không đồng ý, muốn đòi nốt khoản 350 SGD (khoảng gần 6 triệu) còn lại, nếu không sẽ báo cảnh sát. Các nhân viên cho biết nếu cô báo cảnh sát, cô sẽ mất cơ hội nhận lại khoản 600 SGD mà họ đề nghị.
Khi cảnh sát tới, nhân viên cửa hàng trình các hóa đơn có chữ ký của anh Phạm và nói chỉ hoàn lại 70 SGD. Với sự can thiệp của Hội bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị này được nâng lên 400 SGD. Anh Phạm cuối cùng cũng phải nhận số tiền này.
Sự việc gây xôn xao trên nhiều diễn đàn Singapore và Việt Nam. Theo phần lớn những bình luận trên The Straits Times thì chiếc điện thoại đó chưa hề được anh Phạm sử dụng, thậm chí còn chưa “đập hộp”, do vậy cửa hàng không có lý do gì để bắt anh phải trả tiền chiếc điện thoại đó. Hơn nữa anh Phạm đã trả tiền mua chiếc điện thoại, chưa thanh toán tiền gói bảo hành một năm. Dù đã ký hóa đơn nhưng nó chưa mang lại bất kỳ lợi ích nào cho người sử dụng. Việc các nhân viên bắt anh Phạm trả tiền cước bảo hành 1 năm bị cho là đã quá nguyên tắc và rõ ràng mang ý đồ bắt chẹt khách.
Cư dân mạng các nước đưa ra nhiều ý kiến, bình luận quanh sự việc.  
Nickname Michael Wong bình luận: "Đó giống như một việc làm vô đạo đức, làm hỏng hình ảnh của Singapore vốn được biết đến như một thiên đường mua sắm. Các nhà chức trách sẽ phải làm điều gì đó và giúp đỡ, bồi thường cho vị khách du lịch Việt Nam này mặc dù hiện tại anh ta đã về nước. Cần phải nỗ lực, làm việc có trái tim và theo một tiến trình dài để khắc phục những sai lầm, tai tiếng ở Sim Lim từ bấy lâu".
 Biển báo được dựng lên gần đây ở khu Sim Lim để cảnh báo về những cửa hàng làm ăn "có vấn đề". 
Cư dân mạng Singapore còn đưa ra rất nhiều bằng chứng về việc Mobile Air ở khu Sim Lim từ lâu đã bị phàn nàn về hành vi bắt chẹt khách hàng. Thậm chí dân mạng còn đưa ra ảnh chụp những biển báo được dựng lên gần đây để cảnh báo về những cửa hàng làm ăn không tốt, trong đó cửa hàng Mobile Air ở Sim Lim đứng đầu danh sách.
Theo khuyến cáo, người dùng chỉ nên mua hàng ở những cửa hàng có đóng dấu STARetailer do ban quản lý Sim Lim Square cấp.
Cư dân mạng Việt người giận, người thương anh Phạm, vị khách bị bắt chẹt đã phải quỳ gối khóc lóc để xin lại tiền. Được biết anh Phạm là công nhân ở Việt Nam với mức lương không cao. Đi du lịch và mua điện thoại ở nước ngoài trong khi kinh phí hạn hẹp và không thạo tiếng Anh nên vị khách này cũng nhận không ít lời nhắc nhở. Tuy nhiên, trên hết cư dân mạng Việt vẫn cảm thấy bức xúc hơn cả là thái độ, cách làm việc của cửa hàng Mobile Air. Nickname Thạch Vũ bình luận trên một diễn đàn nổi tiếng về công nghệ: “Đáng tiếc là theo mình và một số người có kinh nghiệm đi du lịch thì Sim Lim Square là khu lừa đảo có tiếng ở Singapore, vào mua chẳng biết hàng nào là thật, là giả, shop nào chân chính, shop nào bắt chẹt. Mà các shop được quyền chính thức của hãng cũng đầy rẫy. Cũng nên chỉ trích mấy cò quảng cáo, gián tiếp đưa người ta vào bẫy”.
 Phản ứng đa chiều của cư dân mạng Việt về vụ việc gây xôn xao. 
Nickname Hoang Thanh Xuan bình luận trên Vnzoom: “Theo luật dân sự của VN, khi hợp đồng mua bán hàng hóa mà đã đặt tiền, thanh toán mà không mua nữa thì bên mua mất 100% số tiền đã đưa cho bên bán, bên bán mà không bán thì phải thối lại 100% số tiền bên mua đã đưa và kèm theo một khoản tiền tương ứng với số tiền mà bên mua đã thanh toán cho bên bán. Không biết ở Singapore thế nào? Nếu cũng giống như vậy thì cũng có cơ sở để phía cửa hàng kia xử lý như vậy. Về mặt luật pháp thì là như vậy, nhưng nhìn qua đã thấy shop này đã cố tình gài khách hàng, nên giờ mới bị ném đá như vậy”.
T.A

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Luan -

Theo tôi, anh Thoại nên khéo léo kiên quyết đấu tranh bằng phương thức khác thay vì van xin.

Hoang Huynh -

Thấy 1 nguời Việt bị lừa, bị bắt nạt ở nuớc ngoài thì nên lên tiếng bảo vệ, đừng lấy cái thể diện ra để chỉ trích.

Thanh Thuỷ -

Có nhiều người suy nghĩ buồn cười thật nhỉ. Khóc thì liên quan gì tới quốc gia. Sao mà cứ phải động tới 2 chữ "quốc gia" ra làm cho to tát vậy nhỉ. Thiết nghĩ anh Thoại là người của nước nào đi nữa thì anh ấy cũng là con người bình thường như bao người khác vậy thôi và anh ấy chỉ hành động theo đúng bản năng của mình khi ấy.

Ba lam -

Nói chung phải biết cảnh giác bất cứ nơi đâu.

Ba Phi -

Nhiều người bị lừa nhưng đến khi anh Thoại có hành động bột phát thì chúng mới bị lật mặt. Không dám hành động gì mới là tai họa. Chúc anh gặp nhiều may mắn!

Lo Ton -

Nói cho cùng một đất nước dù văn minh đến tầm cỡ nào đi nữa thì đâu đó trong đất nước đấy cũng có con sâu. Còn hành động thì mỗi người có 1 suy nghĩ và cách giải quyết cho cùng một sự việc khác nhau. Ta không thể trách anh Thoại về cách hành động của anh ấy, vì chúng ta đang sống trong "xã hội", nếu cách xử lý giống nhau thì thế giới này đã là robot cả rồi.

Tam -

Nếu tôi là cô bạn gái kia thì chắc chắn không bao giờ tôi nhận món quà sang trọng vượt quá sức kiếm tiền của bạn trai mình!

Quyen -

Chỉ cần nhà chức trách Singapore rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh chủ cửa hàng lừa đảo này là du khách toại nguyện rồi!

Tuan -

Xung quanh chuyện anh Thoại có nhiều vấn để. Việc anh Thoại quỳ lạy, khóc lóc xin lại tiền không mua điện thoại nữa, nhưng người bán không trả, lại trấn không một nửa tiền. Với những trường hợp ấy, chúng ta có thể lớn tiếng, yêu cầu cảnh sát lập biên bản, nhờ hệ thống thông tin đại chúng nêu rõ sự lừa đảo, trấn lột ấy.

Thoai -

Mọi người đừng nói nữa tội cho Thoại, ai trong hoàn cảnh này cũng đều bị sốc cả. Trong trường hợp này có lẽ Thoại sốc quá nên ngã khụy xuống thôi, vì lúc này đang ở đất khách quê người mất một khoản tiền lớn như vậy biết lấy gì trang trải cho những ngày tiếp theo đây.

Loan -

Hành vi của cửa hàng bán điện thoại này đáng lên án. Cùng với đó cách làm của những bạn trẻ Singapore để bảo vệ hình ảnh của đất nước họ đáng để ghi nhận.

khánh -

buồn
Tôi nghĩ một quốc gia văn minh như Singapore là không có chuyện bắt chẹt khách chứ. Vị khách Việt chắc tìm hiểu không không kỹ nên đã lựa chọn phải cửa hàng không đáng tin cậy.

Hiển thị thêm bình luận