Đề toán tiểu học cực “hại não” gây bão mạng quốc tế

Google News

(Kiến Thức) - Đề toán "hại não" yêu cầu học sinh tính ngày, tháng sinh của một người đang gây tranh cãi nảy lửa trên các trang mạng quốc tế. 

Theo Straits Times, mới đây một đề toán được cho là của học sinh lớp 5 ở Singapore đã tạo nên một làn sóng tranh luận trên Facebook kéo dài suốt vài ngày qua. Đề toán lần đầu xuất hiện trên Facebook của người dẫn chương trình Kenneth Kong, sau đó được hàng nghìn người chia sẻ bởi nội dung đặc biệt... "hại não" của nó. 
Đề toán tiểu học viết theo dạng một cuộc đối thoại giữa hai người và yêu cầu là tìm ra năm sinh của một người thứ ba. Nội dung chi tiết của đề toán như sau: "Albert và Bernard vừa kết bạn với Cheryl và họ muốn ngày sinh nhật của cô ấy. Cheryl cũng đưa ra một danh sách 10 ngày có thể là ngày sinh nhật của cô: 15/5; 16/5; 19/5; 17/6; 18/6; 14/7/ 16/7; 14/8; 15/8 và 17/8... Cheryl sau đó cũng tiết lộ lần lượt với Albert và Bernard về tháng sinh và ngày sinh của mình. 
De toan tieu hoc cuc hai nao gay bao mang quoc te
 Nội dung đề toán "hại não" đang gây bão mạng quốc tế với kiểu cho dữ kiện mơ hồ, khó hiểu.
Albert: Tôi không biết sinh nhật của Cheryl là ngày nào, nhưng tôi đoán rằng Bernard cũng không biết đâu. 
Bernard: Ban đầu tôi không biết sinh nhật của Cheryl là ngày nào nhưng giờ thì tôi biết rồi.
Albert: Giờ thì tôi cũng biết Cheryl sinh ngày nào rồi.
Câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời: Vậy Cheryl sinh vào ngày nào?"
Đề toán quá khó hiểu khiến người đọc không thể tìm ra đáp án và cũng không biết phải giải như thế nào. Vì vậy, một cuộc tranh luận về các câu trả lời đã nổ ra trong phần bình luận của bức ảnh chụp đề toán trên. 
Dù chưa biết nguồn gốc của đề toán này là từ đâu, nhưng không ít cư dân mạng đã bày tỏ quan điểm, cho rằng cuốn sách bài tập học sinh nào đưa ra đề toán mơ hồ như thế này thì thật là quá ngu ngốc. Học sinh tiểu học sẽ không thể tìm ra dữ kiện để tính toán, càng không biết phải suy luận như thế nào với kiểu đối thoại vòng vo, nhiều ẩn ý của các nhân vật trong đề toán. 
De toan tieu hoc cuc hai nao gay bao mang quoc te-Hinh-2
Người dẫn chương trình Kenneth Kong chia sẻ rằng anh đã cãi nhau với vợ không ngừng về đề toán được cho là dành cho học sinh lớp 5 này. 
Bài toán không chỉ gây tranh cãi trong cộng đồng mạng Singapore mà còn thu hút cả sự quan tâm của Liên đoàn Sinh viên Quốc tế Australia. Họ chia sẻ đề toán này trên Facebook của mình, đồng thời lan truyền đến reddit.com và một vài diễn đàn về... triết học. 
Nhiều sinh viên ở các quốc gia cũng đã thử dựa vào suy luận, logic để tìm ra câu trả lời. Siew San, một sinh viên người Singapore đã đưa ra một cách giải được dân mạng cho rằng khá hợp lý cho bài toán lớp 5 này. 
Trước tiên, Siew phân loại các tháng tương ứng với những ngày có thể là sinh nhật của Cheryl. Tháng 5 có ba ngày là: 15, 16, 19. Tháng 6 có ngày 17, 18. Tháng 7 có ngày 14, 16. Tháng 8 có ngày 14,15, 17. 
Sau đó, dựa vào suy luận từ dữ kiện: Albert chỉ biết tháng sinh và Bernard thì chỉ biết ngày sinh, Siew rút ra kết luận loại ngay tháng 5 và tháng 6. Điều này được giải thích rằng, nếu là tháng 5 thì Cheryl đã có thể nói với Bernard rằng cô sinh ngày 19/5 bởi ngày 19 không lặp lại ở các tháng 6, 7, 8. Còn nếu ở tháng 6, có thể Cheryl đã nói với Bernard là ngày 18 cũng bởi vì ngày 18 không lặp lại ở tháng 5, 7, 8 trong dữ kiện của đề bài. 
Vì Bernard nói rằng anh ấy ban đầu chỉ biết ngày sinh nhưng sau lại biết thêm cả tháng sinh của Cheryl, vì vậy có thể suy luận ra rằng đây phải là một ngày duy nhất (không lặp lại ở các tháng khác) của tháng 7 và 8. 
Ngược lại, Albert ban đầu chỉ biết tháng nhưng sau đó lại biết thêm được ngày sinh của Cheryl nên tháng sinh mà Albert được biết cũng phải là tháng duy nhất. Vì vậy, tháng 8 không hợp lý bởi Albert không biết ngày nào trong hai ngày 15 và 17. 
Từ đó suy ra, ngày 16/7 là đáp án cuối cùng, bởi chính nó đảm bảo được tính duy nhất của ngày và tháng mà 2 nhân vật Albert và Bernard được biết. 
De toan tieu hoc cuc hai nao gay bao mang quoc te-Hinh-3
Lời giải của sinh viên Siew San cho bài toán lớp 5 hóc búa.
Một số ý kiến cho rằng, đề toán trên xuất phát từ một giáo trình toán học của Singapore đã được áp dụng ở một số nước Đông Nam Á, Bắc và Nam Mỹ. Tuy nhiên sau khi đề toán này và những thông tin đồn đoán về nó xuất hiện tràn lan trên mạng, khá nhiều bậc phụ huynh ở Singapore đã tỏ ra lo ngại khi học sinh là con em của họ đang bị đặt dưới những sức ép lớn, có thể phải học tập theo giáo trình khó hiểu và bị cho là quá cao siêu, "hại não" như trên. 

T.A