Trò lừa “Cô gái bị ăn cắp thận”
Câu chuyện về một cô gái Trung Quốc tỉnh dậy trong bồn tắm đầy đá, nhận ra mình bị cắt mất hai quả thận đã được lan truyền trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội vào đầu tháng 3 vừa qua. Dù chưa biết thực hư như thế nào, xong cộng đồng mạng đã bị cuốn theo những tình tiết giật gân trong câu chuyện và chia sẻ chóng mặt.
Tuy nhiên, sau đó, mọi người mới ngã ngửa vì hóa ra đó chỉ là một trò lừa trên mạng xã hội. Theo một bài phân tích trên Hoax-Slayer, trang web tại Australia chuyên phân tích những trò lừa đảo trên email và internet, đây thực chất là câu chuyện cũ được “chế biến” đôi chút và lan truyền ít nhất cũng từ năm 1997. Đó là câu chuyện của một doanh nhân uống rượu với người lạ và tỉnh dậy trong bồn tắm đầy đá, rồi nhận ra mình bị cắt 1 hoặc 2 quả thận. Câu chuyện về cô gái ở Trung Quốc cũng là một trong những phiên bản ấy.
|
Hình ảnh bị gắn với câu chuyện cô gái bị cướp thận. |
Ông Fred Herbert, chủ tịch Quỹ hiến thận quốc gia cho biết, họ đã nhận được cuộc gọi từ nhiều khách du lịch nói rằng họ rất lo lắng khi các đại lý du lịch cảnh báo họ về loại tội phạm mới này. Ông phải lên tiếng giải thích rõ ràng rằng đó chỉ là tin tồn thiếu chính xác. Việc cấy ghép thận đòi hỏi tiến hành rất nhiều xét nghiệm phức tạp trước khi cắt thận. Vì thế, rất khó xảy ra khả năng đường dây trộm thận hoạt động trong bí mật mà có thể bảo đảm thận đáp ứng đủ tiêu chuẩn để cấy ghép.
Theo Hoax-Slayer, chưa có bằng chứng nào cho thấy loại tội phạm này đang diễn ra ở Trung Quốc, Philippines hay vài nước khác như thông tin trong một số phiên bản của câu chuyện.
Một chi tiết vô lý nữa trong câu chuyện “Cô gái bị ăn cắp thận” là tại sao những tên tội phạm không nghĩ đến việc sẽ gặp rắc rối khi ăn trộm thận của nạn nhân để bán lấy tiền mà lại cố gắng cứu mạng nạn nhân bằng cách ngâm người đó trong bồn nước đá. Nếu để nạn nhân chết thì họ sẽ không thể khai gì và cảnh sát sẽ khó tìm ra chúng.
Tin đồn về “Cô gái bị ăn cắp thận” tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất lại có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của một bộ phận cộng đồng mạng theo dõi câu chuyện. Quỹ hiến thận quốc gia Mỹ nhấn mạnh câu chuyện lừa đảo nực cười trên mạng xã hội này có thể “khiến nhiều người không muốn hiến thận nữa” trong khi có rất nhiều người trên khắp thế giới đang chờ được ghép thận. Quỹ này kêu gọi mọi người không nên tiếp tục gửi câu chuyện này đi, và hãy dành một phút để giúp người gửi câu chuyện cho bạn biết rằng đó chỉ là trò lừa.
Tin đồn sữa tươi có đỉa
Cộng đồng mạng mới đây lại được một phen dậy sóng khi một thành viên trên Facebook đăng tải clip ghi lại cảnh một sinh vật ngọ nguậy trong sữa và khẳng định đó là đỉa xuất hiện trong sản phẩm sữa của một hãng sữa tại Việt Nam. Người đăng tải đã khẳng định một cách chắc chắn bên dưới clip: "Đây là video quay tại đồn công an. Chính xác 100%, nếu không chính xác mình xin chịu trách nhiệm".
|
Chưa đầy 24 giờ sau khi đăng tải, clip có hơn 5000 lượt like và gần 6000 lượt chia sẻ. |
Đoạn clip sau khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng, nhận được hơn 5000 lượt like và gần 6000 lượt chia sẻ. Không ít người đã tin vào lời khẳng định của thành viên này và lên án hãng sữa được người đăng tải đề cập đến. Tin đồn chỉ bắt đầu lắng xuống khi một số thành viên lên tiếng phân tích về những điểm bất hợp lý trong đó.
Đầu tiên là việc người khơi gợi câu chuyện này chỉ quay một clip hơn 1 phút về hình ảnh sinh vật lạ, nhưng lại không thể chứng minh nó được lấy ra từ sản phẩm của một hãng sữa ở Việt Nam. Hơn nữa, trước đây cũng đã từng có tin đồn về việc xuất hiện đỉa trong sữa nhưng sau đó, Hiệp hội sữa Việt Nam đã có văn bản bác bỏ và khẳng định đỉa không thể sống được trong môi trường sữa đã khử trùng lên tới 140 độ.
Bức ảnh công an tạo dáng bên... xác chết
Bức ảnh một người mặc trang phục công an tạo dáng bên một xác chết trôi nổi trên sông được lan truyền mới đây trên mạng Facebook cũng khiến mạng xã hội xôn xao.
|
Bức ảnh gây xôn xao dư luận thực chất là một cảnh trong phim. |
Với tựa đề "Cần một lời bình???", sau khi đăng tải ngày 10/3, bức ảnh này đã được hơn 20.000 người like, hàng nghìn bình luận và hàng trăm chia sẻ. Đa phần các bình luận đều khá tiêu cực và lên án nặng nề vì sự phản cảm của bức ảnh dù không hề biết về nguồn gốc của nó.
Và sự thật chỉ được tiết lộ khi đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng (biệt danh Dũng Nghệ) lên tiếng. Theo lời kể của vị đạo diễn này thì bức ảnh được chụp trên phim trường một bộ phim tâm lý hình sự (đơn vị sản xuất MT Pictures).
Nội dung của phân đoạn đó là các chiến sĩ cảnh sát điều tra phát hiện một xác chết trôi dạt đến bờ sông. Qua kiểm tra sơ bộ, họ cho rằng nạn nhân bị băng đảng xã hội đen giết để bịt đầu mối. Người trong bức ảnh là diễn viên Thanh Bình – đảm nhận vai Thành, Đội trưởng đội cảnh sát điều tra.
Khi thực hiện xong cảnh quay, diễn viên Thanh Bình đã nhờ một người bạn dùng điện thoại Iphone chụp lại bức hình và đăng tải lên trang cá nhân. Tuy nhiên, sau đó nó đã bị lan truyền với tốc độ chóng mặt mà không đăng kèm thông tin giải thích, khiến nhiều người hiểu lầm.
Việc diễn viên Thanh Bình đăng tải bức ảnh chỉ là vô tình và đã gỡ xuống ngay sau đó. Tuy nhiên, nó đã bị đối tượng xấu lợi dụng. Hành động đăng tải bức ảnh cùng lời bình luận ỡm ờ rõ ràng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đoàn làm phim và làm dư luận hoang mang.
“Quả lừa” Samsung Galaxy S4 miễn phí
Vào ngày 12/3, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một Fanpage có tên “Samsung Galaxy S4 Việt Nam” đưa ra chương trình khuyến mãi “siêu khủng”. Theo đó, trang Fanpage mới này đưa ra chương trình tặng 4.000 smartphone Samsung Galaxy S4 cho người dùng tại Việt Nam. Tất cả đều miễn phí. Người tham gia chỉ cần thực hiện những bước sau để có cơ hội nhận Samsung Galaxy S4 miễn phí: 1. Like Fanpage, 2. Like hình ảnh này, 3. Share hình ảnh này, 4. Chọn màu mà bạn muốn được nhận.
Chỉ có những thành viên hoàn thành đầy đủ các bước mới được công nhận. BQT sẽ quay số trúng thưởng và người trúng giải sẽ được thông báo trên trang và có thư, tin nhắn xác nhận.
|
Trang Fanpage này sau đó đã thu hút rất nhiều lượt like và chia sẻ. |
Trò lừa đảo này chỉ bị vạch mặt khi trang Fanpage chính thức của Samsung Việt Nam đưa ra thông báo chính thức: "Hiện nay có một số trang Facebook lấy tên "Samsung Galaxy S4 Việt Nam" với thông tin giả mạo, lừa đảo về việc tặng 4.000 điện thoại Galaxy S4 để tăng "Like". Chúng tôi xin thông báo đây không phải là trang chính thức của Samsung Việt Nam. Các thông tin của Samsung Việt Nam chỉ được cập nhật trên 2 Facebook chính thức".
Lúc này, cộng đồng mạng mới ngã ngửa vì “ăn quả lừa”. Ngay sau khi đọc được thông báo chính thức của phía Samsung Việt Nam, nhiều người đã nhanh chóng "unlike", thậm chí "report" (cảnh báo xấu) nội dung lừa đảo đã được đăng tải.
Lời kết: Sự ra đời của mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích. Nó cho phép mọi người cập nhật, trao đổi và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, mạng xã hội còn đóng vai trò cung cấp thông tin nhanh hơn cả các phương tiện truyền thông chính thống.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích đó là những mặt trái mà không phải ai cũng biết. Một số người, hoặc vô tình, hoặc có chủ đích đã lan truyền các tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội. Và do tâm lý đám đông, nhiều người đã bị lôi kéo vào những câu chuyện được thêu dệt mà không hề biết sự thật. Mỗi lượt bấm like, mỗi lần chia sẻ trên mạng xã hội tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có thể gây ra hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến một cá nhân hay tổ chức nào đó. Chính vì vậy, mỗi người đều nên tỉnh táo trước các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, tránh trường hợp bị lợi dụng để lan truyền tin đồn thất thiệt.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo afamily