Ca dao có câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", ai cũng biết đây là thời điểm đặc biệt có ý nghĩa với người Việt. Sau Tết Nguyên đán, còn Tết Khai Hạ (hạ cây nêu, khoảng mùng 7 Tết) và Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng). Ngoài ra, còn các lễ hội trải dài từ khắp Bắc chí Nam. Vui thì thật là vui, thế nhưng cũng phải xem lại cách ăn chơi dềnh dàng làm ảnh hưởng đến công việc.
|
Ảnh minh họa. |
Ở quê tôi, khoảng mùng 8 tháng Giêng thì đâu đấy ra đồng san ruộng, cấy lúa. Việc gieo cấy phải kịp tiến độ thì mới mong đem lại mùa màng bội thu cho vụ chiêm. Vậy nhưng, vì quan niệm "tháng ăn chơi" nên không ít nông dân tự tại rung đùi uống rượu để mặc ruộng đồng. Có lão nông tri điền chịu khó hơn thì vác cày ra đồng, nhưng đến cuối làng gặp bạn thì lại rủ nhau uống rượu, việc đồng áng để ngày mai tính, tháng ăn chơi mà.
Thành thử ra, ngoài cánh đồng lạnh lẽo chỉ có đàn bà và những đàn cò trắng đồng bắt tép. Ở miền Trung thì thời vụ gieo cấy may mắn xong trước Tết, nhưng quan niệm "tháng ăn chơi" cũng len lỏi đến từng xóm ngõ, bản làng. Thanh niên làm ăn ở xa về gặp dịp thì túm tụm bài bạc, hoặc vì mải chơi mà "quên" cả việc chăn gà thả vịt, trâu bò thì cũng chỉ cho ăn cầm chừng bằng rơm ủ, mía héo.
Còn những cơ quan công sở nhà nước thì khỏi phải bàn. Có những công sở vắng tanh, tịnh không bóng người. Hỏi ra mới biết, đây là "tháng ăn chơi", khai xuân rồi phải đi chúc Tết, chè chén, hội hè... Thời điểm này, ai chẳng may có việc phải đến trụ sở ủy ban công chứng, xin dấu thì cứ phải... chờ hết Giêng.
Tôi nhớ có lần nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã giải thích câu ca dao "tháng Giêng là tháng ăn chơi" không phải chỉ ăn và chơi, mà nó thể hiện cho phong cách sống của người Việt với tinh thần điềm đạm vào mùa Xuân. Thế nên, để răn bảo con cháu không được chơi bời vào dịp trong và sau Tết, cha ta ông cũng nhắc nhở đừng để "tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc".
Quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi" rõ ràng không phù hợp với cuộc sống hôm nay. Nhịp độ khẩn trương, tiết kiệm thời gian, tiền bạc không cho phép dềnh dàng với những trò chơi vô bổ, kéo dài. Bởi biết đâu, thói xấu khi biến thành thói quen sẽ "ăn nghiêng" cả cơ nghiệp và hoãi bão của chúng ta.
T.Hoà