|
Hai mẹ con chị Yến. (Ảnh: VietNamNet) |
Tưởng như hy vọng làm mẹ đã không còn thì đầu năm nay, khi đã 31 tuổi, niềm vui vô bờ bến đã đến với chị Yến khi chị biết mình mang thai và nhất là được các bác sĩ cho phép giữ lại thai, dù việc giữ lại thai sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Từ lúc mang thai, chị Yến được chăm sóc đặc biệt, phác đồ điều trị cũng được thay đổi cho phù hợp và thường xuyên được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe.
Nói về ca bệnh nhân chạy thận sinh con trai này, BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, trường hợp bệnh nhân chạy thận sinh con khỏe mạnh trên thế giới rất hiếm. Tại châu Âu trong 10 năm qua chỉ có 12 trường hợp.
Cũng theo BS Dũng, ngay khi biết được nguyện vọng tha thiết của gia đình, bản thân ông và lãnh đạo bệnh viện đã phải cực kỳ cân nhắc.
Với bệnh nhân suy thận, sẽ phải uống nhiều thuốc, phải lọc máu thường xuyên làm kích hoạt nguy cơ sảy thai, ngay cả trường hợp giữ được thai thì khi sinh cũng rất khó cầm máu do phải uống thuốc chống đông...
"Ngay lập tức chúng tôi phải hội chẩn với khoa Sản, tìm giải pháp an toàn cho mẹ và con. Tất cả bác sĩ cùng nghiên cứu tài liệu. Phác đồ chuẩn châu Âu được lựa chọn", bác sĩ nhớ lại.
|
BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo. (Ảnh VietNamNet) |
Ngay sau đó tiếp tục có cuộc hội chẩn toàn viện với sự tham gia của 10 khoa, phòng chức năng như gây mê, hồi sức, tim mạch, sản, nhi, thận tiết niệu...
Sau khi họp lên họp xuống, chính thức từ tuần thai thứ 17, chị Yến được áp dụng điều trị theo một liệu trình đặc biệt. Tất cả các loại thuốc phải tính toán sao cho nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi thấp nhất, có thuốc cực kỳ hiếm phải nhờ "xách tay" từ nước ngoài.
Theo BS Dũng, cái khó nhất của trường hợp này là huyết áp quá cao lên đến 250 mmHg (người bình thường 120-130mmHg), nguy cơ sảy thai bất cứ lúc nào.
Chưa kể việc rút nước tiểu trong người phải đảm bảo chính xác đến từng ml để không ảnh hưởng đến thai nhi trong khi việc xác định cân nặng thực của thai phụ khi mang bầu là cực kỳ khó.
Thay vì chạy thận 3 lần/tuần, chị Yến được nâng số lần lên gấp đôi. Tuy nhiên do thời gian lọc thận lớn nên độ PH trong máu cao, làm kích hoạt nguy cơ xảy thai. Bệnh viện phải chuyển 50 can dung dịch kiềm hóa có nồng độ thấp hơn bình thường từ TP.HCM ra Bạch Mai, Bác sỹ Dũng cho biết.
Cũng theo trưởng khoa thận nhân tạo, mọi thay đổi của sản phụ Yến được các bác sĩ khoa Sản, khoa Thận nhân tạo theo dõi từng ngày, từ theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, sự phát triển của bánh rau, dây rốn, trọng lượng thai nhi.
"Cẩn trọng là thế nhưng đến tuần thứ 24, sản phụ Yến bất ngờ ra huyết. Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là sảy thai nên yêu cầu chị Yến nằm viện nội trú để gắng giữ thai được lâu nhất có thể.
May mắn đến tuần 31 sản phụ mới chuyển dạ, sinh con sau 2 giờ phẫu thuật", bác sĩ Dũng thở phào kể.
Cho đến ngày 14/10 hai mẹ con chị Yến đã được xuất viện trở về với gia đình sau một thời gian dài chiến đấu với tử thần nhưng BS Dũng cho biết, bệnh viện vẫn sẽ cử người theo dõi suốt quá trình phát triển của bé sau này.
|
Bé có tên Xuân Bảo. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô) |