Dấu hiệu bạn đang mắc viêm gan C giai đoạn muộn

Google News

Triệu chứng viêm gan C thường kéo dài vài tuần đến vài tháng và sau đó biến mất. Nhiều bệnh nhân tưởng rằng mình khỏi bệnh khi hết triệu chứng nên không đi gặp bác sĩ kiểm tra.

Viêm gan do virus Hep C là một trong những lý do dẫn đến ung thư gan tại châu Á. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan C ở mức gần 3% trong dân số cho đến hơn 50% với người nghiện ma túy và dùng kim chích. Khoảng 50% người bị nhiễm viêm gan C không biết mình bị nhiễm, vì vậy, để bệnh kéo dài dẫn đến những rủi ro nguy hiểm.
Viêm gan siêu vi C là gì?
Đây là bệnh viêm sưng gan do virus Hep C gây ra. Nhiễm virus Hep C chủ yếu qua đường máu khi chúng vào bên trong cơ thể. Hiện có khoảng 67 loại biến thể/gene của virus Hep C nhưng cách lây và triệu chứng thường giống nhau. Cách điều trị có thể khác nhau tùy vào loại biến thể/gene của virus Hep C.
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan là những tổn thương lâu dài ở gan khi không chữa trị. Các biến chứng này bao gồm xơ gan, ung thư gan, dẫn đến suy gan và tử vong. Xơ gan xảy ra khi các tế bào gan thường xuyên bị tổn thương do virus, khiến chúng không phục hồi, dẫn đến xơ hóa các mô gan. Ung thư gan xảy ra khi các tế bào gan bị đột biến gene do tổn thương từ nhiễm trùng virus Hep C.
Khoảng 15-30% người bị nhiễm Hep C mạn tính sẽ phát triển thành xơ gan sau 20 năm. Như vậy, chúng ta có đủ thời gian để chẩn đoán và chữa trị nếu sàng lọc sớm.
Viêm gan C dễ xảy ra hơn với những người thường xuyên tiếp xúc máu hay dịch chất lỏng như nhân viên y tế. Các tai nạn kim chích hay vết cắt đứt tay xảy ra khi bác sĩ phẫu thuật tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm virus C có thể là đường truyền cho virus Hep C.
Các bệnh nhân dùng ma túy hay chất kích thích qua đường tĩnh mạch cũng tăng rủi ro bị nhiễm và lây cho người khác. Bệnh nhân bị HIV cũng dễ bị lây hoặc lấy cho người khác.
Xăm da ở nơi kém vệ sinh cũng có thể nhiễm virus Hep C hay các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, những trường hợp như bệnh nhân chạy thận nhân tạo lâu dài; người ở trong tù; tiếp xúc với vết thương hay quan hệ tình dục; bệnh nhân có mẹ bị nhiễm Hep C trong lúc mang thai... cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Triệu chứng
Nhiễm viêm gan C thường xảy ra ở hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Viêm gan C ở giai đoạn đầu thường không có hay ít có triệu chứng vì cơ quan này chưa bị tổn thương nhiều. Các triệu chứng xảy ra ở giai đoạn mạn tính nhiều hơn là cấp tính.
Các triệu chứng gặp ở viêm cấp tính:
- Ói, buồn nôn
- Mệt mỏi, biếng ăn, đau nhức cơ bắp
- Vàng da
Dau hieu ban dang mac viem gan C giai doan muon
Nhiễm viêm gan C thường xảy ra ở hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Ảnh: Urbo. 
Các triệu chứng này thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng và sau đó biến mất. Nhiều bệnh nhân tưởng rằng mình hết bệnh khi hết triệu chứng nên không đi gặp bác sĩ kiểm tra. Có khoảng 15-25% bệnh nhân tự khỏi hoàn toàn sau khi giai đoạn cấp tính. Bệnh nhân bị viêm C cấp tính cũng dễ trị với thuốc kháng virus Hep C.
Ở số bệnh nhân còn lại, nếu bệnh nhân không chữa trị, virus Hep C trở thành nhiễm mạn tính và dần dần có thể khiến gan có những triệu chứng sau này.
Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn muộn là:
- Dễ chảy máu hay bầm tím trên da do các protein giúp đông máu từ gan bị thiếu khi gan bị tổn thương.
- Mệt mỏi, biếng ăn do gan bị tổn thương ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và men tiêu hóa.
- Da vàng và tròng mắt vàng (Jaundice).
- Nước tiểu màu đậm.
- Ngứa da, khô da, hay nổi mẩn. Da nổi mạng nhện hay các mạch máu li ti.
- Sưng tích nước vùng bụng (ở giai đoạn muộn khi gan bị xơ).
- Sưng phù chân.
- Giảm cân.
- Mất trí nhớ, lơ mơ, thay đổi nhận thức xảy ra ở giai đoạn muộn khi gan không còn khả năng lọc máu.
Chẩn đoán viêm gan C
Tại Mỹ, bác sĩ sẽ sàng lọc tìm nhiễm trùng virus Hep C cho người dân 18-80 tuổi. Sàng lọc bắt đầu bằng cách tìm kháng thể virus Hep C (Anti-HCV antibodies). Nếu kết quả dương tính, gợi ý là người bệnh đã có thể bị nhiễm virus, bác sĩ sẽ xét nghiệm PCR tìm sự có mặt của virus Hep C trong cơ thể bằng cách tìm chuỗi gene RNA. Việc này tương tự như cách chúng ta chẩn đoán sự có mặt của virus SARS- CoV-2 qua phương pháp PCR.
Sau khi đã có kháng thể HCV và PCR Hep C dương tính, bệnh nhân sẽ được xem là đang có virus trong người. Bước kế tiếp, bác sĩ sẽ tìm xem có dấu hiệu tổn thương gan hay không bằng cách xét nghiệm khác.
Siêu âm gan thường là bước kế tiếp để xem gan có bị xơ hay tổn thương. Elastography là loại siêu âm khác để đo độ cứng và dày của gan. Đôi khi, nhân viên y tế sẽ cho lấy sinh thiết gan (liver biopsy) để đánh giá mức độ tổn thương của gan. Tùy vào mức độ tổn thương của gan, họ sẽ có cách chữa trị phù hợp.
Chụp MRI là xét nghiệm không xâm lấn khác để theo dõi các tổn thương gan như xơ hay khối u trong gan. Một kỹ thuật chụp hình khác là MRE (Magnetic resonance eslatography) dùng kỹ thuật chụp cộng hưởng và sóng âm để tạo ra bản đồ gan, độ cứng của gan. Độ cứng càng cao gợi ý gan bị tổn thương nặng như xơ gan giai đoạn nặng.
Xét nghiệm đo chỉ số virus (virus load) và loại gene của virus Hep C là cách bác sĩ thường làm để tìm ra cách chữa trị hiệu quả. Tùy vào số lượng virus hay loại gene, chúng ta có thể có cách chữa trị khác nhau.
Điều trị
Gần đây, cách chữa trị viêm gan C đã thay đổi rất nhiều. Mục tiêu là chữa khỏi hoàn toàn virus Hep C trong cơ thể trong khi bảo tồn và phục hồi chức năng gan. Trị liệu thường phụ thuộc vào loại virus Hep C nào (genotype). Hep C virus loại 1 (type 1) là loại hay gặp nhất.
Các thuốc trị liệu hiện nay là kháng virus đặc hiệu dùng trong 8 đến 12 tuần. Đa số bệnh nhân phản hồi trong thời gian này bằng cách thấy số lượng virus Hep C giảm đáng kể cho đến không còn thấy. Thuốc chữa HCV ngày nay có rất nhiều và người dân nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa (Gastroenterologist) để có thuốc phù hợp nhất.
Dưới đây là các loại thuốc hay dùng đã được FDA chấp thuận;
- Daclatasvir/Sofosbuvir dùng một viên mỗi ngày để chữa HCV loại 1 và 3, uống mỗi ngày. Tác dụng phụ gồm nhức đầu nhẹ hay làm chậm nhịp tim.
- Elbasvir/Grazoprevir dùng một viên mỗi ngày chữa HCV loại 1 và 4, cũng được dùng trong giai đoạn muộn với xơ gan, suy thận và HIV. Thuốc có thể làm bệnh nhân mệt mỏi và nhức đầu.
- Glecaprevir/Pibrentasvir, uống 3 viên mỗi ngày chữa hầu hết loại HCV. Tác dụng phụ gồm nhức đầu, mệt mỏi và tiêu chảy.
- Ledipasvir/Sofosbuvir uống một viên mỗi ngày, chữa HCV loại 1, 4, 5 và 6. Tác dụng phụ gồm đau bụng hay khó ngủ.
- Ombitasvir/Paritaprevir và Ritonavir/Dasabuvir dùng mỗi ngày, chữa viêm gan giai đoạn muộn miễn là gan vẫn còn hoạt động.
- Simeprevir/Sofosbuvir có thể dùng kết hợp Interferon/ribavirin với các thuốc kháng virus mới tùy vào trường hợp.
Khi tổn thương gan đã quá nặng, dù đã chữa hết virus nhưng gan vẫn không hồi phục được, bệnh nhân có thể cần ghép gan. Đa số gan được ghép từ người hiến đã chết. Trong một số trường hợp, người bị suy gan có thể nhận một phần lá gan từ người hiến tặng còn sống. Vì vậy, ghép gan không phải lúc nào cũng có thể xảy ra vì thiếu nguồn cung cấp.
Sau khi ghép gan, bệnh nhân cần phải dùng thuốc kháng virus HCV để biết chắc là virus không gây tổn thương gan lần nữa.
Cách ngăn ngừa viêm gan C
Hiện nay, chúng ta chưa có vaccine cho Hep C, nhưng bác sĩ vẫn khuyến cáo người dân nên tiêm chủng vaccine Hep B hay Hep A. Đây là các loại virus khác cũng dễ gây tổn thương gan.
Bạn có thể giảm rủi ro nhiễm virus C bằng cách quan hệ tình dục an toàn, dùng kim tiêm chích một lần và hạn chế uống bia rượu hay bỏ hút thuốc lá.
Ngoài ra, bạn nên ngừng các thuốc hay thực phẩm chức năng có thể tổn thương đến lá gan. Điều trị sớm các bệnh mạn tính khác để bảo vệ lá gan như chữa cao huyết áp hay kiểm soát bệnh thận.
Chúng ta có thể chữa trị viêm gan C dứt điểm hoàn toàn. Điều quan trọng là chẩn đoán sớm để can thiệp kịp thời. Ngăn ngừa rủi ro nhiễm Hep C giúp bạn bảo vệ lá gan tốt hơn.

Theo ZIngNews